5 phụ nữ xấu xí thời cổ đại: Hôn nhân mỹ mãn, chồng đều nổi tiếng
“Lấy vợ hiền đức là cái phúc của gia tộc”, trong lịch sử có nhiều người phụ nữ xấu xí nhưng lại rất hiền đức và giúp đỡ cho chồng rất nhiều.
- Thế nào là một người phụ nữ đẹp – câu chuyện với chú tiểu
- Sách Nữ Giới: làm một người phụ nữ đúng nghĩa
Thời xưa có 4 đại mỹ nhân là Tây Thi, Điêu Thuyền, Dương Quý Phi, Vương Chiêu Quân. Ngoài ra còn có 5 người phụ nữ xấu xí nổi tiếng là: Mô Mẫu, Chung Ly Xuân, Mạnh Quang, Hoàng Nguyệt Anh, Nguyễn Thị. Họ tuy dung mạo xấu xí nhưng lại rất hiền đức. Chồng của họ đều là những người nổi danh và có đóng góp trong lịch sử.
Nội dung chính
Mô Mẫu
Đầu tiên là Mô Mẫu vào thời Tam Hoàng Ngũ Đế. Mô Mẫu tướng mạo vô cùng xấu xí. Trong cuốn “Tứ tử giảng đức luận” của Vương Tử Uyên vào thời nhà Hán có viết rằng: “Mô Mẫu lùn, kỳ quái, là người lương thiện, không che giấu sự xấu xí của mình”. Nhưng bà lại là một tấm gương về đức hạnh thời đó; trí tuệ của bà cũng không hề tầm thường.
Hoàng Đế lấy bà làm vợ, Mô Mẫu quả nhiên không phụ lòng sủng ái của Hoàng Đế. Tương truyền, chiếc gương đầu tiên được nhân loại sử dụng là do Mô Mẫu làm ra. Khi Hoàng Đế đi tuần tra thiên hạ, nguyên phi Luy Tổ của Hoàng Đế bị bệnh qua đời. Hoàng Đế lệnh cho Mô Mẫu lo việc cúng tế, giám sát linh cữu; Mô Mẫu thể hiện là người có năng lực tổ chức phi phàm. Nhờ có sự trợ giúp của Mô Mẫu, Hoàng Đế đã đánh bại Viêm Đế, giết Xi Vưu, thống nhất Trung Hoa.
Chung Ly Xuân
Người thứ hai là Chung Ly Xuân vào thời Chiến Quốc. Mọi người thường dùng “giống như Vô Diệm” để hình dung người phụ nữ xấu xí. Vô Diệm này chính là để chỉ Chung Ly Xuân, người huyện Vô Diệm (nay là phía đông huyện Đông Bình, tỉnh Sơn Đông) nước Tề, thời Chiến Quốc, bà còn có tên là Chung Vô Diệm.
Trong sách nói bà là “40 tuổi chưa lấy chồng”, “xấu xí vô cùng”, “đầu lõm mắt thâm, bụng dài khớp lớn, mũi vểnh, yết hầu nổi rõ, đầu mập ít tóc”. Nhưng chí hướng của bà lại rất cao xa; đọc đủ loại sách, có hoài bão trị quốc.
Lúc ấy Tề Tuyên Vương nắm quyền, chính trị hủ bại, kỷ cương yếu kém, lòng người hoang mang, tiếng oán than dậy khắp đất trời. Chung Ly Xuân vì muốn cứu vãn quốc gia, nên đã mạo hiểm tính mạng đi đến kinh thành Lâm Truy để gặp Tề Tuyên Vương.
Chỉ thấy người phụ nữ xấu xí ngước mắt lên, há mồm, vẫy tay, sau đó vỗ đầu gối hô to: “Nguy hiểm! Nguy hiểm!” Tề Tuyên Vương bị bà làm cho bối rối, muốn người phụ nữ nói rõ xem chuyện gì.
Can gián Tề Tuyên Vương
Chung Ly Xuân tiến đến thi lễ rồi nói:
“Thần ngước mắt lên, là thay đại vương quan sát sự biến hóa của phong vân; há mồm, là để trừng phạt cặp lỗ tai không nghe lời can gián của đại vương; vẫy tay, là để thay đại vương đuổi đi đám xu nịnh; vỗ đùi, là muốn phá bỏ Cung tuyết chuyên để vui chơi của đại vương.
Dân nữ bất tài, nhưng thần nghe nói ‘quân vương có thần can gián sẽ không mất nước, cha có con khuyên can sẽ không mất nhà’. Mà nay đại vương chìm đắm tửu sắc, không nghe lời ngay thẳng. Lần này thần mở miệng cũng là muốn khuyên can đại vương. Quân giặc thì phải dùng đại binh áp sát, ngài còn bị một đám ba hoa khoác lác bao vây, đây là muốn làm lỡ việc nước; vì vậy thần vẫy tay là muốn đuổi họ đi. Đại vương hao phí rất nhiều vật lực, nhân lực, để xây lên cung điện hào hoa như vậy, làm cho quốc khố trống rỗng, dân chúng lầm than, sau này sao có thể nghênh chiến với quân Tần đây?”
Phân tích của Chung Ly Xuân khiến cho Tề Tuyên Vương tỉnh mộng. Ông cảm động nói: “Nếu như nàng không kịp thời nhắc nhở ta, ta nào có biết bản thân đã sai lầm đến như vậy!” Tề Tuyên Vương coi Chung Ly Xuân là chiếc gương quý báu của mình. Để muốn chứng tỏ rằng bản thân đã thay đổi so với trước đây, ông đã để cho Chung Ly Xuân làm hoàng hậu.
Mạnh Quang
Thứ ba là Mạnh Quang thời Đông Hán. Mọi người thường dùng “cử án tề mi” (nâng khay ngang mày) để chỉ vợ chồng tôn kính và hòa thuận với nhau. Câu thành ngữ này là xuất phát từ câu chuyện của Mạnh Quang, vợ của hiền sĩ Lương Hồng vào thời Đông Hán.
Trong “Hậu hán thư . Lương Hồng truyện” có viết: “Là người giã gạo thuê, mỗi khi về nhà, vợ làm cơm, không dám ngẩng mặt trước mặt Lương Hồng, nâng khay ngang mày”. Mạnh Quang “mập xấu mà lại đen”, có thể “nâng cối đá”, nhưng phẩm hạnh rất tốt, được đại danh sĩ Lương Hồng coi trọng và lấy làm vợ. Lương Hồng mỗi lần đi làm trở về nhà, Mạnh Quang đều mang thức ăn cung kính giơ lên ngang mày, để lại câu chuyện “cử án tề mi” được người đời ca tụng.
Hoàng Nguyệt Anh
Thứ tứ là Hoàng Nguyệt Anh vào thời Tam Quốc. Hoàng Nguyệt Anh là người ở Bạch Thủy (nay là Tương Phàn, Hồ Bắc) Miến Nam, Kinh Châu, thời Tam Quốc. Bà là con gái của danh sĩ Hoàng Thừa Ngạn ở Miến Dương, vợ của Gia Cát Lượng, mẹ của Gia Cát Chiêm. Hoàng Thừa Ngạn thấy Hoàng Nguyệt Anh có tài nên mới giới thiệu cho Gia Cát Lượng. Sau đó Gia Cát lượng đồng ý kết hôn với Hoàng Nguyệt Anh.
Hoàng Nguyệt Anh tóc vàng da đen, mặt mũi xấu xí, nhưng tri thức uyên bác. Gia Cát Lượng Bắc phạt, uy chấn Trung Nguyên, phát minh ra một loại công cụ vận chuyển mới, gọi là “mộc ngưu lưu mã” (xe gỗ); giải quyết vấn đề vận chuyển lương thực cho đại quân mấy trăm ngàn người.
Ông còn phát minh ra một loại vũ khí mới gọi là “liên nỗ” (nỏ liên hoàn). Kỳ thực, những thứ này đều là do người vợ xấu xí đã chỉ cho ông. Hoàng Nguyệt Anh học rộng biết nhiều, một lòng một dạ giúp chồng dạy con, chăm chỉ lo việc nhà, giúp Gia Cát Lượng hoàn thành đại nghiệp thiên thu, “công nhất thời Tam Quốc, lừng danh bát trận đồ”.
Nguyễn Thị
Thứ năm là Nguyễn Thị thời Tam Quốc. Nguyễn Thị là con gái của danh sĩ Nguyễn Đức Úy. Lúc động phòng hoa trúc, dung mạo của Nguyễn Thị đã dọa cho chú rể – danh sĩ Hứa Doãn của nước Ngụy thời Tam Quốc co chân bỏ chạy, Nguyễn Thị đã kéo ông lại.
Hứa Doãn tránh qua một bên và nói: “Phụ nữ có ‘tứ đức’ (công, dung, ngôn, hạnh), nàng có được mấy cái?” Nguyễn Thị nói: “Thiếp chỉ thiếu mỗi sắc đẹp. Mà người có học có ‘bách hành’ (các loại phẩm hạnh, đức hạnh), chàng có được mấy cái?” Hứa Doãn nói: “Ta đã có đủ bách hành”. Nguyễn Thị nói: “Trong bách hành thì lấy đức làm đầu, chàng háo sắc không háo đức, làm sao có thể nói là đầy đủ được?” Hứa Doãn á khẩu không nói được lời nào. Từ đó vợ chồng tương kính lẫn nhau, tình cảm hài hòa.
Khuyên nhủ giúp chồng thoát nạn
Hứa Doãn nhậm chức Lại bộ lang, các quan địa phương mà ông bổ nhiệm, ví như quận trưởng, đều là đồng hương của ông; vì vậy Ngụy Minh Đế đã phái người bắt ông lại. Khi quân lính đưa Hứa Doãn đi, Nguyễn Thị chân trần đuổi theo, nói với Hứa Doãn: “Minh quân có thể dùng đạo lý để thuyết phục, không thể cầu xin thương tình”. Hứa Doãn sau khi bị bắt, người nhà kêu gào khóc lóc, Nguyễn Thị nói: “Không sao, chàng rất nhanh sẽ trở về thôi”. Sau đó nấu một bát cháo nhỏ để chờ Hứa Doãn về.
Khi Minh Đế thẩm vấn Hứa Doãn về việc dùng người, Hứa Doãn đáp: “Vì nước mà lựa chọn người tài, nhất định phải hiểu rõ họ. Đồng hương của thần là những người mà thần hiểu rõ. Bệ hạ có thể khảo sát xem họ có xứng đáng với chức vụ đó hay không. Nếu như không xứng thì thần xin nhận tội”. Kết quả khảo sát cho thấy, Hứa Doãn bổ nhiệm đồng hương đều là những người xứng đáng; vì vậy Ngụy Minh Đế đã thả ông ra.
Người xưa vẫn nói, lấy vợ lấy đức không lấy sắc, để thấy rằng phụ nữ xấu hay đẹp không quá quan trọng, mà quan trọng là phải có đức hạnh.
Theo Vision Times