7 dấu hiệu cho thấy con bạn có chỉ số EQ cao
Nhiều trẻ tuy còn nhỏ nhưng đã bộc lộ ra là có trí tuệ cảm xúc (EQ) rất cao, có thể đồng cảm và rất biết suy nghĩ cho người khác.
- 4 câu nói cửa miệng của trẻ có trí tuệ cảm xúc cao
- Đừng ép con thành thiên tài khi con chỉ là đứa trẻ bình thường
Tôi đến nhà một người bạn chơi, và tôi đã rất bất ngờ trước sự thể hiện của các con của anh ấy. Chúng tôi vừa mới bước vào cửa, đang chuẩn bị bỏ giày ra thì con của anh ấy từ trong phòng chạy ra chào, sau đó nhanh chóng rót nước cho chúng tôi. Khi chúng tôi ngồi xuống ghế sofa, cháu bé đã bày sẵn trái cây ra đĩa, còn nhiệt tình mời chúng tôi: “Con mời cô chú ăn ạ!”
Chúng tôi chỉ vô tình ghé qua đây, cháu bé cũng không biết trước, nhưng thái độ của cháu khiến mọi người cảm thấy rất thoải mái.
Tôi hỏi bạn tôi, làm thế nào mà nuôi dạy con ngoan được như thế, cháu ăn nói lễ phép, giỏi quan sát và có chỉ số cảm xúc (EQ) rất cao. Bạn tôi cười nói, anh ấy không có cố gắng dạy như thế, anh không quản thúc con quá nghiêm khắc, những điều vừa rồi mà cháu làm được đều là do tự quan sát và học hỏi. Người ta đều nói đứa bé này có chỉ số EQ cao, ở trường cũng rất được yêu thích.
Trẻ em có EQ cao thực sự rất phổ biến, nhưng biểu hiện chung của trẻ em có EQ cao là gì? Dưới đây là 7 dấu hiệu cho thấy con bạn có chỉ số EQ cao:
Nội dung chính
1. Giỏi biểu đạt
Nếu con bạn có thể nói rõ ràng mong muốn và nhu cầu của mình, vậy thì xin chúc mừng bạn; bởi vì trong xã hội hiện đại, kỹ năng giao tiếp tốt là rất cần thiết.
Những người có trí tuệ cảm xúc cao thường có nhận thức rõ ràng về cảm xúc và nhu cầu của họ, đồng thời có thể biểu đạt nó ra một cách hiệu quả, thay vì kìm nén hoặc phớt lờ cảm xúc của chính mình.
Giỏi biểu đạt có thể hóa giải được mâu thuẫn. Người có trí tuệ cảm xúc cao thường có thể giữ bình tĩnh khi gặp mâu thuẫn, phân tích vấn đề một cách khách quan, giỏi lắng nghe và bày tỏ ý kiến, quan điểm của bản thân để có thể giải quyết vấn đề tốt hơn và đạt được sự đồng thuận.
Trong khi đó, những người có trí tuệ cảm xúc thấp sẽ dễ bị kích động, ngôn ngữ quá khích, làm cho vấn đề càng thêm trầm trọng.
2. Giỏi lắng nghe
Một đứa trẻ có trí tuệ cảm xúc tốt không chỉ thể hiện bản thân tốt mà còn phải biết lắng nghe người khác. Kiểu lắng nghe này không chỉ giới hạn ở việc hiểu lời nói của đối phương mà còn hiểu được cảm xúc và tâm trạng của đối phương.
Những đứa trẻ biết lắng nghe cũng sẽ tích cực đáp ứng những cảm xúc và yêu cầu của người khác. Thái độ của trẻ chính là muốn nói cho người khác biết rằng: Cảm thụ và ý kiến của bạn rất quan trọng, tôi hiểu và sẽ nỗ lực giúp đỡ bạn.
3. Cảm xúc ổn định
Những người có trí tuệ cảm xúc cao thường ổn định về mặt cảm xúc. Bạn khó có thể tưởng tượng được rằng một người có trí tuệ cảm xúc cao lại có thể dễ dàng cáu bẳn, dễ rơi vào nỗi đau mà không thể tự giải thoát.
Trong ấn tượng của chúng tôi, họ sẽ không quá vui hay quá buồn, bất kể tình huống nào xảy ra, họ đều có thể mỉm cười đối mặt.
Trong cuộc sống, trẻ sẽ khó tránh khỏi những thất bại và khó khăn, nếu trẻ có thể đối phó với chúng bằng một thái độ bình tĩnh, điều đó có nghĩa là trẻ đang phát triển thành một người có trí tuệ cảm xúc cao.
4. Tùy cơ ứng biến
Khả năng tùy cơ ứng biến cũng là biểu hiện của người có trí tuệ cảm xúc cao. Khi một điều gì đó đột ngột xảy ra, rất nhiều trẻ sẽ không biết nên phản ứng như thế nào, chúng sẽ khóc lóc cầu xin sự giúp đỡ từ cha mẹ, hoặc hoàn toàn để cho sự tình phát sinh.
Một đứa trẻ có chỉ số EQ cao sẽ không gây ra phản ứng cảm xúc dữ dội trước một tình huống bất ngờ, chúng có thể dùng lý trí phân tích và đưa ra phương án thích hợp nhất.
5. Giỏi giải quyết vấn đề
Những đứa trẻ có trí tuệ cảm xúc cao thường giỏi giải quyết vấn đề, thay vì đẩy rắc rối cho cha mẹ, hoặc tìm cách trốn tránh.
Ví dụ, khi bị điểm kém, trẻ có chỉ số EQ cao sẽ không để cảm xúc đau khổ chiếm giữ não bộ mà nhanh chóng xoa dịu cảm xúc và giải quyết vấn đề một cách hợp lý. Chúng rất giỏi trong việc yêu cầu sự giúp đỡ và không lo lắng về việc bị cười nhạo khi đặt câu hỏi, điều này giúp giải quyết vấn đề dễ dàng hơn và tiến bộ hơn.
6. Có sự đồng cảm
Trẻ em có sự đồng cảm thường có thể lắng nghe cẩn thận ý kiến và cảm xúc của người khác, hiểu nhu cầu tình cảm của người khác và thể hiện sự quan tâm và nhiệt tình.
Trẻ tôn trọng quan điểm và ý kiến của người khác, sẽ không dễ dàng áp đặt ý tưởng của mình lên người khác, có thể chân thành tiếp nhận ý kiến và đề xuất của người khác.
7. Giỏi xã giao
Trẻ có trí tuệ cảm xúc cao thì có thể thành thạo nhiều kỹ năng xã hội, chẳng hạn kỹ năng giao tiếp phi ngôn ngữ như nét mắt, cử chỉ, hoặc kỹ năng giao tiếp bằng lời nói như lắng nghe, phản hồi và diễn đạt.
Nhờ hiểu rõ suy nghĩ và cảm xúc của người khác, trẻ có thể thể hiện được sự đồng cảm tốt hơn, nhờ đó mà có được sự tin tưởng và thiện chí trong giao tiếp xã hội.
Theo Aboluowang