Các danh nhân thời xưa như Khổng Tử, Hoa Đà… đều rất coi trọng dưỡng sinh. Ngoài các phương pháp dưỡng sinh phổ biến như tìm hiểu về kinh lạc, huyệt vị, thảo dược trị liệu, thực liệu… thì tu thân dưỡng tính cũng là điều được người xưa đặc biệt coi trọng. Tinh thần vui vẻ lạc quan là quan niệm cốt lõi trong đạo dưỡng sinh của người xưa.

1. Đạo đức là tiền đề quan trọng nhất trong dưỡng sinh

Trong “Trung Dung” có nói: “Cố Đại đức giả tất đắc kỳ vị. Tất đắc kỳ lộc. Tất đắc kỳ danh. Tất đắc kỳ thọ”. Nghĩa là: Người có đức lớn ắt có được địa vị, ắt có được hậu lộc, ắt có được danh dự, ắt có được trường thọ.

Trong “Đại học” cũng có nói: “Phú nhuận ốc, đức nhuận thân”. Có nghĩa là của cải thì điểm tô nhà cửa, còn đạo đức thì điểm tô thân mình.

Nhà dưỡng sinh thời Minh Lã Khôn từng nói: “Nhân khả trường thọ. Đức khả diên niên. Dưỡng đức vưu dưỡng sinh chi đệ nhất yếu dã”. (Tạm dịch: Người có thể trường thọ, đức có thể kéo dài. Dưỡng đức là yếu tố quan trọng nhất trong dưỡng sinh).

Lã Khôn đề xuất, tâm thái nhân ái và đạo đức cao thượng có thể kéo dài tuổi thọ. Rõ ràng, người Trung Quốc cổ đại nhìn nhận tu dưỡng đạo đức là tiền đề quan trọng nhất để có được sức khỏe cả tâm và thân.

Nhà tư tưởng nổi tiếng Trung Quốc Khổng Tử cũng rất quan tâm đến vấn đề dưỡng sinh
Nhà tư tưởng nổi tiếng Trung Quốc Khổng Tử cũng rất quan tâm đến vấn đề dưỡng sinh (ảnh Soundofhope)

2. Giới cấm

Khổng Tử, nhà tư tưởng học nổi tiếng ở Trung Quốc thời cổ đại có nói: “Người quân tử có giới cấm luôn phải ghi nhớ: ‘Lúc còn nhỏ, khí huyết chưa định, cần phải giới sắc; trưởng thành tráng niên, khí huyết dương cương, cần phải giới tranh đấu với người; khi về già, khí huyết đã suy, cần phải tiết chế dục vọng”. 

Tại đây Khổng Tử muốn nhắc nhở hậu thế, dưỡng sinh không phải là việc một sớm một chiều. Trọng điểm dưỡng sinh ở mỗi giai đoạn khác nhau trong kiếp nhân sinh cũng khác nhau. Buông bỏ những chấp trước vào tình, sắc, dục vọng. Giữ tâm bình thản không tranh đấu với mọi việc xung quanh. Buông bỏ ham mê với vật chất, tự vấn xem xét lại hành vi bản thân, biết tiến biết lùi đúng lúc. Đây là những nội dung quan trọng trong đạo dưỡng sinh.

3. An hòa

Tô Thức, nhà văn học nổi tiếng thời Bắc Tống. Ông không chỉ tài hoa hơn người về các phương diện văn thơ, thư pháp, hội họa… mà còn rất giỏi về dưỡng sinh. “Thượng trương an đạo dưỡng sinh quyết luận” là một trong những kiệt tác của ông. 

Tô Thức đề xuất, điều then chốt trong đạo dưỡng sinh quan trọng ở hai chữ “An” và “Hòa”. An là tĩnh tâm, Hòa là hài lòng, vừa ý. An thì mọi vật xung quanh sẽ nhẹ nhàng, Hòa thì mọi việc của mình tất sẽ thuận tự nhiên. Giữ nội tâm An Hòa mới không bị khốn đốn bởi ham muốn vật chất. Từ đó đạt được cảnh giới dưỡng sinh tùy thuận theo tự nhiên.

Giữ cho nội tâm an hòa, vui vẻ là nhân tố rất quan trọng trong dưỡng sinh
Giữ cho nội tâm an hòa, vui vẻ là nhân tố rất quan trọng trong dưỡng sinh (ảnh chụp màn hình Istockphoto)

4. Hiểu biết

Chu Thủ Trung, một nhà dưỡng sinh thời nhà Tống từng nói: “Biết là vui mừng và giận dữ làm tổn hại tâm tính, thế nên thư thái tình cảm để tâm hồn rộng mở. Biết là ưu tư suy nghĩ làm tổn hại đến thần, thế nên giảm bớt tình cảm và giữ nội tâm yên định. Biết nói năng phiền nhiễu xâm hại đến khí, thế nên ngậm miệng mà quên lời. Biết là đau thương và vui thích làm tổn thọ, thế nên ức chế chúng để cuối cùng không còn đau thương và vui thích nữa. Biết ái tình và ham dục là kẻ lấy cắp sinh mệnh, thế nên cần nhẫn chịu, không để ái tình và ham dục khống chế”.

Chu Thủ Trung nhấn mạnh nội dung chủ yếu của đạo dưỡng sinh là: Học cách tiết chế, kiểm soát các loại cảm xúc thất tình lục dục, hỉ nộ, tư lự, ngữ phiền, ai lạc, tình dục của bản thân. Không thể mặc kệ, buông lơi phóng túng bừa bãi.

5. Tiết chế là điều then chốt trong đạo dưỡng sinh

Uông Khởi Thạch, y học gia thời nhà Minh từng nói: “Tiết chế dục vọng để dưỡng tinh. Tiết chế phiền não để dưỡng thần. Tiết chế phiền não để dưỡng gan. Tiết chế lao lực để dưỡng sức. Tiết chế suy nghĩ để dưỡng tâm. Tiết chế đau buồn để dưỡng phổi”.

Sức khỏe thường có quan hệ mật thiết đến tâm thái và cảm xúc. Vì vậy nên học cách kiểm soát tốt ham muốn của bản thân. Phải biết điều chỉnh các loại cảm xúc tình cảm không tốt như phiền não, phẫn nộ, lo âu, bi thương…. Chú ý không nên lao tâm khổ tứ, làm việc quá sức. Điều cốt lõi của việc tiết chế cảm xúc, dục vọng, tâm trí là giữ cho tâm thái thuần khiết, hòa ái. Một tâm thái tích cực, lành mạnh là điều then chốt trong đạo dưỡng sinh.

6. Vui vẻ

“Bát Lạc” (8 điều vui) của nhà dưỡng sinh thời nhà Thanh Thạch Thành Kim là: “Tĩnh tọa vui, đọc sách vui, thưởng hoa vui, ngắm trăng vui, xem tranh vui, nghe nhạc vui, hát ca vui, nằm ngủ vui”.

Lão Tử từng giảng: “Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo Tự nhiên”. Cổ nhân xưa thường hòa mình vào thiên nhiên, ngao sơn ngoạn thủy, luôn giữ cho tâm thái khoáng đạt, tự tại. Do đó, phương thức nghỉ ngơi thích hợp, cao thượng cũng là một trong những nội dung quan trọng của đạo dưỡng sinh. 

7. Ăn uống điều độ cũng là dưỡng sinh

Ăn uống là một phần trong văn hóa dưỡng sinh của người xưa
Ăn uống là một phần trong văn hóa dưỡng sinh của người xưa (ảnh chụp màn hình Istockphoto)

Thạch Thành Kim, nhà dưỡng sinh thời nhà Thanh cho rằng: “Ăn nên sớm một chút, không nên ăn quá muộn; nên ăn chậm, đừng vội vàng ăn quá nhanh; nên ăn no tám phần; đồ ăn nên thanh đạm; nên ăn nóng, không thể dùng đồ lạnh; nên ăn đồ mềm, không nên dùng đồ cứng và thô; ăn xong nên uống trà rồi súc miệng”. 

Việc ăn uống rất quan trọng và có thể coi như một phần của văn hóa dưỡng sinh của người cổ đại. Xưa kia, Nhan Hồi, một đồ đệ nổi tiếng của Khổng Tử chỉ ăn rất ít và uống nước mỗi ngày, ông cho rằng như vậy đã là đầy đủ rồi. Có người chỉ ăn một chén cơm nhỏ và dưa leo cho mỗi bữa ăn nhưng ngoại hình trẻ trung như mới hơn 20, mặc dù đã ngoài 40 tuổi.

Cổ nhân cho rằng bệnh tật chính là do ăn uống không điều độ, ăn tạp và ăn quá mức. Người xưa đánh giá sức khỏe của một người qua năng lượng sống, sức khỏe tinh thần của người đó hơn là một thân hình đẫy đà.

8. Suy nghĩ

Khổng Tử nói: “Người quân tử có chín điều phải thận trọng suy tư: Lúc nhìn suy nghĩ cho phân minh. Lúc nghe suy nghĩ cho thông suốt, sắc mặt giữ ôn hòa, thái độ giữ cung kính, ngôn từ giữ sự thành tín, làm việc cho nghiêm cẩn. Có sự nghi hoặc thì phải hỏi. Trước khi phẫn nộ phải nghĩ phẫn nộ sẽ làm khó xử. Gặp lợi phải suy nghĩ xem mình có xứng đáng hay không”.

Điều Khổng Tử coi trọng là suy nghĩ phải thanh cao để dưỡng chính khí. Mà dưỡng chính khí chính là tinh túy quan trọng trong đạo dưỡng sinh.  

Tôn Tư Mạc nói: “Chỉ tu dưỡng đạo đức, không cầu thiện báo, ắt tự có phúc báo; không cầu trường thọ, tự sẽ được trường thọ. Đây mới là yếu lĩnh lớn nhất trong việc dưỡng sinh.”

Muốn dưỡng sinh cho tốt thì không thể bỏ qua tu thân dưỡng tính. Phẩm cách tốt đẹp sẽ càng làm lợi cho việc dưỡng sinh. Hàng ngày bài trừ các loại vọng niệm không tốt, nói và làm những điều thiện lương sẽ giúp tâm tính thăng hoa, thân thể cũng tự nhiên mà khỏe mạnh lên. Thật đúng là “không cầu trường thọ mà tự sẽ được trường thọ”.

Theo Secret China