Sự kiện Thiên An Môn 1976: Biến cố giữa 2 thời kỳ đẫm máu ở Trung Quốc
Sự kiện Thiên An Môn 1976 là một biến cố quan trọng trong lịch sử Trung Quốc; dù nó ít được nhắc tới so với vụ tàn sát sinh viên vào năm 1989.
Biến cố Thiên An Môn ngày 5/4/1976 đã dẫn đến sự kết thúc của Cách mạng Văn hóa do Mao Trạch Đông phát động; mở đường cho Đặng Tiểu Bình bước lên vũ đài quyền lực.
Từ đó Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiếp tục lịch sử đẫm máu của nó với cuộc chiến tranh biên giới Việt -Trung năm 1979; và vụ giết hại sinh viên và trí thức ở Quảng trường Thiên An Môn 10 năm sau đó.
Nội dung chính
Sự kiện Thiên An Môn 1976 là sự kiện gì?
Cụm từ “Sự kiện Thiên An Môn 1976” thường được dùng để gọi “Phong trào mùng 5 tháng 4”; hay “Phong trào Ngũ Tứ”. Đó là các cuộc biểu tình quy mô lớn của các tầng lớp dân chúng và sinh viên tại Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 5/4/1976.
Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khi đó kết tội phong trào này là “phản cách mạng”. Chính quyền đã huy động khoảng 10.000 dân quân tự vệ và lực lượng vũ trang tới Quảng trường để giải tán đám đông.
Khi Cách mạng Văn hóa kết thúc và phe cánh Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền, Ủy ban Trung ương ĐCSTQ đã đảo ngược cáo buộc, ca ngợi Sự kiện Thiên An Môn là phong trào yêu nước.
Bối cảnh của Sự kiện Thiên An Môn 1976
Phong trào Ngũ Tứ diễn ra trong bối cảnh nhiều người Trung Quốc bắt đầu cảm thấy phản cảm đối với cuộc vận động Đại Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông, Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc từ khi thành lập.
Cuộc Cách mạng Văn hóa thực chất là một thảm kịch phá hoại văn hóa truyền thống; với các cảnh tượng phổ biến như đốt phá đền chùa, lăng mạ tượng Phật, vợ chồng đấu tố nhau, con cái đấu tố cha mẹ…
Nỗi bất bình của người dân đặc biệt nhắm vào “Tứ Nhân Bang” (hay Bè lũ Bốn tên), nhóm những người hăng hái nhất thực hiện Cách mạng Văn hóa. Bốn người này bao gồm: Giang Thanh (vợ Mao Trạch Đông); Trương Xuân Kiều; Diêu Văn Nguyên và Vương Hồng Văn.
Diễn biến Sự kiện Thiên An Môn 1976
Bắt nguồn từ cái chết của Chu Ân Lai
Phong trào Thiên An Môn khởi đầu từ cái chết của cựu Thủ tướng Chu Ân Lai vào ngày 8/1/1976. Vài năm trước khi qua đời, Chu đã tham gia vào cuộc tranh giành quyền lực với các lãnh đạo cấp cao của Bộ Chính trị ĐCSTQ. Trong đó, Tứ Nhân Bang là những người chống đối mạnh mẽ nhất đối với Chu.
Ngày 4/4, rất nhiều người đã đến Quảng trường Thiên An Môn nhân ngày Thanh minh. Họ đặt vòng hoa, biểu ngữ dưới chân Đài tưởng niệm các Anh hùng Nhân dân ở Quảng trường để bày tỏ tiếc thương Thủ tướng Chu Ân Lai.
Người dân cũng bày tỏ bất bình với Tứ Nhân Bang vì các hành động nhắm vào Chu Ân Lai. Một số khẩu hiệu trên Quảng trường thậm chí còn công kích chính Mao và cuộc Cách mạng Văn hóa.
Phong trào tự phát của đông đảo người dân
Đỉnh điểm có thể có tới hai triệu người đã đến Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4/4. Những người tham dự đến từ mọi tầng lớp trong xã hội; từ nông dân nghèo nhất đến các sĩ quan cấp cao của quân đội, con cái của các cán bộ cấp cao…
Không có gì cho thấy rằng các sự kiện này có sự chỉ huy của nhân vật nào. Đó là một cuộc biểu tình tự phát, phản ánh tình cảm rộng rãi trong công chúng.
Đặng Tiểu Bình vắng mặt một cách đáng chú ý; ông ta đã hướng dẫn các con của mình tránh bị nhìn thấy tại Quảng trường.
Tứ Nhân Bang cáo buộc phong trào biểu tình
Đêm 4/4, Ủy ban Trung ương ĐCSTQ họp bàn về tình hình tại Quảng trường Thiên An Môn. Các quan chức cấp cao như Hoa Quốc Phong và Ngô Đệ, những người không phải là đồng minh thân cận của Tứ Nhân Bang, đã bày tỏ sự chỉ trích những người biểu tình.
Trong khi đó, Tứ Nhân Bang cáo buộc Đặng Tiểu Bình khuyến khích và kiểm soát những người biểu tình. Họ tham khảo ý kiến của Mao Trạch Đông, khi đó đang trải qua những ngày ốm yếu cuối đời. Tứ Nhân Bang cáo buộc những người biểu tình là “những kẻ lót đường tư bản” đang đánh trả Cách mạng Vô sản.
Quân đội dọn sạch Quảng trường Thiên An Môn
Theo lệnh của Tứ Nhân Bang, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc bắt đầu gỡ bỏ các vật tưởng niệm ra khỏi Quảng trường Thiên An Môn trong đêm.
Đến sáng 5/4, những người biểu tình phát hiện các vòng hoa và khẩu hiệu đã bị cảnh sát dỡ bỏ hoàn toàn trong đêm. Người dân tức giận. Sau đó, xảy ra cuộc bạo động dữ dội giữa lực lượng trấn áp và những người tưởng niệm. Có xe cảnh sát bị đốt cháy. Một đám đông hơn 100.000 người đã tiến vào một số tòa nhà chính phủ xung quanh Quảng trường.
Đáp lại, Ủy ban Trung ương ĐCSTQ ra lệnh dọn sạch Quảng trường Thiên An Môn. Lực lượng an ninh thuộc biệt đội Bắc Kinh của quân đội Trung Quốc, cùng với lực lượng dân quân đô thị dưới sự kiểm soát của Tứ Nhân Bang đã tiến vào Quảng trường để cưỡng chế những người biểu tình.
Đến 6 giờ chiều, hầu hết đám đông đã giải tán; nhưng một nhóm nhỏ vẫn ở lại cho đến 10 giờ tối. Lúc đó, lực lượng an ninh tiến vào Quảng trường Thiên An Môn và bắt giữ họ. Có khoảng 40 vụ bắt giữ. Không có ca tử vong nào được công bố.
Các sự cố tương tự cũng xảy ra vào ngày 4 và 5/4 ở Trịnh Châu; Côn Minh; Thái Nguyên; Trường Xuân; Thượng Hải; Vũ Hán và Quảng Châu.
Đặng Tiểu Bình bị tước bỏ chức vụ
Đặng Tiểu Bình được coi là người kế thừa tinh thần của Chu Ân Lai. Đặng phủ nhận có liên quan đến Phong trào Ngũ Tứ. Đặng nói rằng ông ta chỉ đi cắt tóc khi bị nhìn thấy gần Quảng trường.
Sau cuộc trấn áp Sự kiện Thiên An Môn, Đặng chính thức bị tước bỏ mọi chức vụ “trong và ngoài Đảng” vào ngày 7/4; và bị quản thúc tại gia kể từ đó.
Diễn biến sau Phong trào Ngũ Tứ
Không lâu sau cái chết của Mao Trạch Đông (9/9/1976), Hoa Quốc Phong và Uông Đông Hưng đã đóng vai trò quan trọng trong việc bắt giữ Tứ Nhân Bang vào tháng 10 năm 1976. Sau đó, họ bày tỏ quan điểm rằng Sự kiện Thiên An Môn không phải là một hoạt động phản cách mạng.
Cùng với các quan chức lâu năm khác trong ĐCSTQ, họ đã khôi phục vị thế của Đặng Tiểu Bình, đưa ông ta trở lại chính trường. Tuy nhiên, sau đó phe cánh của Đặng đã tham gia vào một cuộc tranh giành quyền lực chống lại Hoa và Uông. Kết quả là Đặng Tiểu Bình trở thành lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ vào năm 1978.
Vào tháng 12 năm 1978, Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ đánh giá lại quan điểm về Sự kiện Thiên An Môn 1976. Họ và tuyên bố đây là một “sự kiện cách mạng”; bác bỏ hoàn toàn quan điểm trước đó của ĐCSTQ.
Năm 1979, Đặng Tiểu Bình phát động cuộc chiến xâm lược Việt Nam để “dạy cho Việt Nam một bài học”. 10 năm sau Đặng đóng vai trò chính trong việc ra lệnh cho quân đội giết chết các sinh viên và trí thức biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn. Vụ tàn sát đó được gọi là Sự kiện Thiên An Môn 1989.
Ngày nay, khi nhắc đến Sự kiện Thiên An Môn, ít ai nghĩ tới ngày 5/4/1976. Nhưng đó cũng là một biến cố quan trọng trong lịch sử Trung Quốc. Từ sau Sự kiện Thiên An Môn 1976, Trung Quốc đã trải qua cuộc chuyển đổi chấm dứt thời kỳ của Mao Trạch Đông; mở ra thời kỳ của Đặng Tiểu Bình; nhưng cả hai thời kỳ đều đẫm máu của vô số thường dân.