Bệnh Nói Dối
Xã hội ngày nay đã và đang bùng phát mạnh bệnh nói dối. Từ quan đến dân, từ người già đến con nít, từ người học cao tới người không biết chữ, mọi người nói dối nhau ngay trong gia đình cho tới ngoài xã hội. Vậy nguyên nhân vì đâu mà người mắc bệnh nói dối ngày càng nhiều và bệnh tình ngày càng nặng đến như vậy: Gần như không nói dối là chịu không nổi.
Nội dung chính
Câu chuyện nhỏ
Tôi có một người quen, cô có hai con gái, tôi gặp các em mấy lần, hai em hiền, lễ phép, lại xinh xắn dễ thương. Tôi nhìn vào cũng rất thích. Chính vì thế tôi có lời khen cô. Nhân đó cô khoe rằng: “Bọn trẻ nhà cô học giỏi lắm con ạ, đứa lớn 11 năm liền học sinh xuất sắc đấy, năm kia còn thi được giải nhất môn Văn, thầy cô thương nó lắm, từ nhỏ tới lớn, năm nào không làm lớp trưởng thì cũng làm lớp phó học tập…”.Cô còn kể nhiều nữa, hết sự tài giỏi của đứa con lớn thì tới sự tài năng của đứa con nhỏ. Tôi ngồi nghe và tưởng là thật nên cũng suýt xoa thêm: “Ôi chao các con của cô giỏi quá.”
Một cô bé thật thà
Nhân lúc cô ra bán hàng cho khách; cô bé lớn đang học lớp 12; ngượng nghịu nói với tôi: “Chị ơi, mẹ em hay nói quá, em có làm lớp trưởng lớp phó gì đâu; nói đúng ra là hồi tiểu học thì có làm; nhưng lên cấp hai là em chán làm mấy nhiệm vụ đó rồi, nhớ hồi nhỏ làm lớp trưởng; cứ hay bị cô giáo coi như chân sai vặt thôi; lúc lớp ồn cô cũng mang lớp trưởng ra la vì không biết giữ cho lớp im lặng, mệt lắm chị, mà mẹ em lại tự hào.”
Tôi tròn xoe mắt, lại thêm yêu mến em hơn, quả là một cô bé thật thà. Dĩ nhiên tôi không nói lại điều gì; chị tiếp tục khoe còn tôi lịch sự nghe và em bấy giờ không còn ngượng nghịu với tôi nữa mà chỉ lẳng lặng mỉm cười. Lúc về, hai em ra đến ngoài đường chào tạm biệt tôi; dù biết các em không tài giỏi như lời người mẹ nói, nhưng sự yêu mến có xen lẫn kính trọng mà tôi dành cho cô bé chỉ tăng chứ không giảm. Lòng thành thật mới đem đến giá trị chân chính cho con người; chứ nào phải đến từ những thành tích học sinh giỏi, hay cái địa vị lớp trưởng hão huyền kia.
Người thật thà rất ngượng ngùng khi nghe những lời tốt đẹp giả dối về mình.
Sẽ có người nghĩ, tại sao cô bé kia lại nói ra sự thật để mất mặt mẹ của mình như vậy nhỉ? Lý do là em ấy tin rằng tôi sẽ không vạch trần mẹ em; mẹ em sẽ không xấu hổ, vì em coi tôi như một người bạn. Và điều quan trọng hơn là khi một người có lòng thành thật thì nghe những lời giả dối dù tốt đẹp về mình họ cũng rất khổ sở, ngượng ngùng; họ sẽ có xu hướng muốn cởi bỏ sự khó chịu đó bằng cách duy nhất là nói ra sự thật.
Sau này có lần gặp lại nhau tôi đã hiểu vì sao em không bị ảnh hưởng tính cách của mẹ. Em kể rằng em thích ba hơn, ba em tính ngay thẳng.
Mẹ của em là một điển hình cho những người có thói quen nói dối (không hại ai), chỉ vì ham danh, thích được hơn người và được người ngưỡng mộ.
Nói dối để mong mất thật ít mà được thật nhiều
Khi quá coi trọng lợi ích người ta sẽ suy nghĩ cách nói dối để mất thật ít mà được thật nhiều. Trong cuộc sống thường ngày lẫn công việc làm ăn. Lớn thì như quan chức; muốn tham nhũng thì phải nói dối, thương nhân mà gian và tham, muốn lời nhiều thì cũng nói dối, quảng cáo sản phẩm cũng nói dối, trường lớp thu đủ thứ quỹ cũng nói dối là để ủng hộ chỗ này; để từ thiện chỗ nọ,…nông dân từ xưa luôn mang tiếng chất phát thật thà giờ cũng nói dối nốt, rau sạch, gạo sạch, thịt sạch, những món hàng gắn mác “nhà làm”…nhưng thực tế thì trong giai đoạn sản xuất đã có sự phân biệt cái nào dành để ăn, cái nào là để bán.
Nói dối vì bị cảm xúc chi phối
Còn lại, phần nhiều là người ta nói dối chủ yếu vì “Tình”. Tình này chính là một lô những thứ cảm xúc và ham muốn của con người như yêu, ghét, giận, sợ, vui, buồn…Có người vì sợ cha mẹ nghiêm khắc; muốn đi chơi thì nói là đi học thêm học bù gì đó. Có người vì sợ chồng nóng nảy, muốn nhà cửa yên ổn, tránh sự cãi vả cũng dẫn đến nói dối. Có ông chồng muốn tiêu pha thoải mái một chút cũng rơi vào nói dối, quỹ đỏ quỹ đen. Có bà vợ thích mua sắm chải chuốt quá mức cũng nói dối chồng về những chi tiêu phung phí. Có những người lỡ lầm yêu thích hoa thơm cỏ lạ ngoài bờ ngoài bụi; về nhà phải nói dối nốt…
Tóm lại, tất cả những nguyên nhân của bệnh nói dối gốc rễ cũng là do con người vướng mắc quá sâu trong Danh – Lợi – Tình mà ra.
Nói dối ảnh hưởng đến cuộc sống ra sao?
Người ta vô tư nói dối, nhất là trong những trường hợp mà họ cho rằng nói dối không có hại cho ai thì cũng không sao; hay còn gọi là lời nói dối trắng, lời nói dối với ý tốt… Và có hàng trăm lý do để ngụy biện cho tật nói dối này nhưng không biết rằng nói dối dù với ý tốt hay gì đi nữa thì vẫn là nói dối, mục đích vẫn là để lừa người. Không có lời dối trá nào là bí mật mãi mãi, hễ giấu đầu thì tất hở đuôi, sớm muộn đều tự mình bại lộ, chẳng qua người khác có vạch trần ta hay không mà thôi.
Hậu quả là tạo nên một môi trường sống mất niềm tin, đầy hoài nghi, dè chừng, đề phòng, thói quen cảnh giác lẫn nhau của chính những người trong gia đình như chồng vợ con cái anh chị em, xa hơn là đồng nghiệp, bè bạn ngoài xã hội. Cảm giác không được tôn trọng, bị người khác lừa dối, qua mặt,… không bao giờ dễ chịu.
Giải pháp nào cho bệnh nói dối?
Khi nói dối người ta thường tìm lý do để đổ lỗi ra bên ngoài như là do người ta thế này, thế nọ nên tôi phải nói thế nọ thế kia; rất ít người chịu quay đầu nhìn lại chính mình để tìm lỗi: vì mình hám danh, vì mình hám lợi, vì mình nể nang, vì mình hèn nhát, yếu nhược, sợ hãi…mà mình phải nói dối. Vậy muốn bỏ tật nói dối này trước tiên người ta cần nhận thức ra được rằng: nói dối là xấu.
Than ôi! Không nói dối và ăn cắp là bài học đạo đức đầu tiên cha mẹ và thầy cô dạy, vậy mà giờ đây bệnh nói dối đến từ mọi tầng lớp, mọi thế hệ … rất nhiều người đều đang nói dối. Phải chăng đây chính là hậu quả của việc con người xa rời Đạo lý. Mải miết chạy theo thành tích, điểm số, chuyên môn, kiếm tiền, danh vọng hão… mà quên mất cái gốc làm người phải là đạo đức?
Trước hết phải nhớ rằng nói dối là xấu, là lừa người, là đang tạo nghiệp. Tiếp theo phải có ý thức bài trừ, bác bỏ tật nói dối của chính mình. Đừng quá đề cao bản thân; coi trọng sĩ diện, đừng hám lợi và luyện cho nội tâm vững vàng mạnh mẽ hơn để vượt qua sự nể nang không cần thiết; sự khiếp nhược hãi sợ người khác, nhẫn chịu được sự khó chịu, cắn răng đừng nói dối vài lần sẽ dần tập thành một thói quen mới, không nói dối nữa. Chồng làm gương cho vợ; cha mẹ làm gương cho con; gia đình tự giáo dục nhau trước hết; về môn đạo đức không thể kỳ vọng ở nhà trường hiện nay.
Lời nói dối nhân đạo
Trong nghành y có tồn tại một khái niệm rất đẹp đẽ về lời nói dối, người ta gọi nó là lời nói dối nhân đạo. Đối diện với bệnh không thể cứu được; bác sĩ nói dối bệnh nhân để tránh kích động tâm tình người bệnh. Người ta cho rằng như vậy là nên. Riêng tôi, nếu tôi bị bệnh sắp chết tôi mong được biết sự thật, không gì tốt hơn là minh bạch hiện thực để mình còn cơ hội chọn lựa được sống những ngày cuối cùng ra sao; nói tạm biệt những ai, và thu xếp những gì. Tôi cảm thấy tội nghiệp cho những người phải nghe những lời nói dối đến tận lúc chết.