Quân tử tuyệt giao không nói xấu nhau
Khi tình cảm tốt đẹp thì hết lời ca ngợi, khi kết thúc thì lại buông lời khó nghe; bậc quân tử phẩm đức cao thượng, khi tuyệt giao sẽ không nói xấu nhau.
Quân tử tuyệt giao không nói lời khó nghe
Đời người có thiện duyên thì cũng có ác duyên, nếu biết khiêm tốn hạ mình, dần dần thiện giải ác duyên, như vậy thì tương lai mới có thể tươi sáng. Tuy nhiên, khi mà con người xuất ra những quan niệm ích kỷ muốn bảo hộ chính mình, thì thường sẽ rất khó khống chế được cảm xúc của bản thân; đối với những người công kích và lừa gạt mình thì đa phần sẽ dùng phương thức hung ác để đáp trả lại.
Như vậy thì kết quả sẽ là cả hai bên đều chịu thiệt hại nặng nề; ác duyên không được thiện giải, tương lai nói không chừng sẽ lại phải đối mặt với những điều phiền muộn. Bởi vậy quân tử thời xưa khi tuyệt giao sẽ không nói xấu nhau; cho dù bị đối đãi bất công như thế nào, thì khi rời đi nơi khác cũng sẽ không nói xấu về đối phương. Tu khẩu tích đức, đối với bất kỳ ai mà nói thì đều có lợi.
Câu nói “Quân tử tuyệt giao, bất xuất ác thanh” xuất phát từ “Chiến quốc sách, Yên sách”, đại ý là: Người có tu dưỡng khi đoạt tuyệt với người khác sẽ không nói những lời bất hảo khó nghe. Ngoài ra cũng có thể hiểu rằng, một người có phẩm cách cao thượng khi tuyệt giao với người bất đồng ý kiến với mình, thì cũng là đã suy nghĩ rất cặn kẽ rồi mới quyết định; bởi vậy sẽ không ghi hận trong lòng; sau khi chuyện xảy ra rồi thì vẫn sẽ giữ được phong độ của bậc quân tử.
Điển cố “Quân tử tuyệt giao, bất xuất ác thanh”
“Quân tử tuyệt giao không nói lời khó nghe” là một câu danh ngôn, cũng là một điển cố. Điển cố này đến từ “Sử ký”, kể rằng: Nhạc Nghị vào thời Chiến Quốc rất giỏi dùng binh; ông trợ giúp Yên Chiêu Vương tấn công Tề Quốc lập được đại công.
Sau đó Yên Chiêu Vương qua đời, Yên Huệ Vương tại vị. Yên Huệ Vương không thích Nhạc Nghị. Tề Quốc lại dùng kế phản gián, vì vậy mà Yên Huệ Vương đã tước bỏ binh quyền của Nhạc Nghị.
Nhạc Nghị sợ bị giết hại nên mới bỏ trốn đến Triệu Quốc. Kết quả quân của nước Yên đại bại. Yên Huệ Vương viết thư muốn trị tội Nhạc Nghị. Nhạc Nghị viết thư hồi âm nói rằng: “Quân tử tuyệt giao, không nói lời khó nghe; trung thần rời bỏ đất nước, không giải thích về sự trong sạch của mình”. Về sau thì Yên Huệ Vương cũng không làm khó Nhạc Nghị nữa.
Không nói xấu người khác là thể hiện phẩm cách cao thượng
Trong cuộc sống thực tế, có tình cảm tan vỡ, quan hệ đồng nghiệp bế tắc, bằng hữu ấm ức… Những chuyện như thế cũng xảy ra thường xuyên; nếu không thể hóa giải được mâu thuẫn thì đôi khi sẽ dẫn đến tuyệt giao.
Người không có giáo dưỡng thì khi tuyệt giao sẽ ồn ào náo nhiệt, thậm chí động tay động chân; cuối cùng thì thề cả đời cũng không nhìn mặt nhau nữa. Không những thế, sau khi tuyệt giao lại còn dùng đủ lời xấu xa để công kích đối phương.
Tục ngữ có câu “Oan oan tương báo bao giờ mới hết”, ác duyên không giải thì vĩnh viễn không bao giờ hết; kết quả thì vẫn là tự mình phải chịu đau khổ. Khoan dung độ lượng, khiêm nhường nhẫn nhịn là điều kiện cần có để giải được ác duyên; người có phẩm đức cao thượng thì trong tâm không có kẻ thù.
Nỗi lo lắng lớn nhất đời người không phải là thiếu thốn về vật chất, mà là ở chỗ tâm thái không sao đạt được sự an tĩnh tường hòa. Thông thường, người luôn giữ trong mình sự nhẫn nhịn và lòng cảm ân thì mới có thể bao dung được sai lầm của người khác; để không đến nỗi nói lời khó nghe thất đức. Người nuôi chí tu dưỡng tâm tính thì trước tiên phải coi trọng việc tu khẩu.
Quân tử tuyệt giao không nói xấu nhau, chính là thể hiện trình độ tu dưỡng của một người; vừa thể hiện phong thái cao, vừa thiện giải được ác duyên.
Theo Epoch Times
Xem thêm Video: