Ở một mình có tác dụng gì?
Ở một mình giúp bạn có thể nhìn rõ và thấu hiểu bản thân hơn, rất nhiều phiền não của nhân sinh cũng nhờ thế mà được hóa giải.
Arthur Schopenhauer từng nói: “Nếu không thể tận hưởng sự cô độc, người ta thường không thể yêu tự do, vì chỉ khi ở một mình, người ta mới có được sự tự do thực sự “.
1. Ở một mình là sự “nuông chiều” bản thân
Có một vị giáo sư từng viết thế này: “Bạn có phát hiện ra hay không, người thích đi đi về về một mình thật ra đều sở hữu phẩm hạnh rất tốt. Họ không đấu đá, cũng không quan tâm đến chuyện thị phi. Họ chuyên tâm làm việc nên làm, hưởng thụ cuộc sống và thế giới tinh thần thuộc về riêng mình. Bình tĩnh nhìn ngắm thế giới với đôi mắt của sự trải đời và chiêm nghiệm”.
“Nữ hoàng Talkshow” Oprah Winfrey đã viết trong cuốn sách “What I Know For Sure” (Điều tôi biết chắc) của mình rằng: “Tôi tin chắc rằng những khoảng thời gian một mình là rất quan trọng trong việc xác định mẫu người mà tôi trở thành“.
Khoảng thời gian ở một mình của một người sẽ ẩn giấu tương lai của người đó.
Ngay cả khi mọi người đều có cùng một điểm xuất phát, khoảng cách sẽ ngày càng lớn do cách ứng xử khác nhau của mỗi người với thế giới.
Có nhà văn từng nói: “Người tầm thường dùng sự náo nhiệt để lấp đầy sự trống rỗng, trong khi những người xuất sắc đạt được thành tựu của mình bằng cách ở một mình”.
Phần lớn chúng ta luôn sợ bị gắn mác “khó gần”, sợ bị người khác xa lánh, sợ bị bỏ lại một mình.
Vì vậy, họ cố gắng để chen chân vào đám đông, cố gắng hết sức để che giấu suy nghĩ của riêng mình, cố gắng hùa theo sở thích của mọi người và nghe theo sắp đặt của người khác.
Cuối cùng, họ thành công trở thành một thành viên trong số đám đông, nhưng quả thực họ đã đánh mất chính mình, đánh mất đi sở thích, đam mê và khả năng tư duy độc lập của mình.
Những người xuất sắc thông thường sẽ chủ động ôm lấy “nỗi cô đơn”, họ tận hưởng sự cô đơn, làm những gì mình thích và ngắm nhìn khung cảnh mình thích. Họ không ngừng khám phá ra năng lực của bản thân, không ngừng đột phá những giới hạn mà tưởng chừng không vượt qua được và ngày càng thấu hiểu con đường mà bản thân cần bước đi.
Họ đã dũng cảm từ chối sự cám dỗ của thế giới huyên náo ngoài kia để tập trung sức mạnh cho tương lai. Khi bạn ngày càng có sự tu dưỡng, bạn sẽ phát hiện ra rằng, bản thân không cần thiết phải tranh đấu và so sánh với người khác, tập trung vào chính mình mới là điều quan trọng nhất.
2. Ở một mình cho tâm hồn cơ hội “nghỉ ngơi”
Chúng ta ngày càng bận rộn với công việc và theo đuổi những mục tiêu của riêng mình, lo sợ chỉ cần chậm lại một chút thì sẽ bị tất cả thế giới bỏ lại phía sau. Nhưng bạn có nhận ra thời gian dành cho bản thân mình ngày càng ít đi hay không?
Dần dần, điều này làm cho bạn kiệt quệ về thể chất lẫn tinh thần. Kỳ thực, bạn chỉ cần cho bản thân mình một khoảng lặng để nghỉ ngơi.
Giống như có người từng nói: “Buông bỏ là cách cần thiết để giải quyết mọi rắc rối”.
Nếu như một lúc nào đó những thử thách trên chặng đường nhân sinh khiến bạn mệt mỏi, hãy cho phép mình được dừng chân để nghỉ ngơi. Tĩnh tâm ở một mình lại là khoảnh khắc nghỉ ngơi tuyệt vời nhất.
Ở một mình không phải là trốn tránh một cách tiêu cực, mà là buông bỏ cuộc sống bộn bề, để bản thân được tĩnh lặng nhìn lại mọi thứ.
Bạn có thể dành thời gian để làm những điều mình thích, nghe nhạc, đi dạo, mua sắm, đọc sách, vẽ vời và tận hưởng cảm giác ở một mình.
Bạn sẽ nhận ra rằng, dù chỉ tận hưởng vài phút tự do ngắn ngủi, bạn cũng có thể nạp đầy năng lượng và chữa lành trái tim đang tổn thương của mình trong những giây phút bình yên này.
3. Ở một mình có thể lắng nghe bản thân tốt hơn
Có người từng nói: “Trong sự hối hả của chợ búa, âm thanh của cuộc sống từ lâu đã bị che khuất mà không ai nhận ra”.
Trong cuộc sống hiện đại, con người nếu không phải bận rộn với công việc, thì cũng là chìm đắm trong thế giới ảo và những theo đuổi vật chất không có điểm dừng. Dường như chúng ta đã quên đi việc lắng nghe bản thân và thấu hiểu chính mình. Cuộc sống càng hiện đại về mặt vật chất thì lại càng khiến chúng ta thiếu thốn về mặt tinh thần.
Hãy cho mình một khoảng trống và lắng nghe nội tâm của bản thân, điều đơn giản này sẽ cho bạn sự tĩnh lặng để kết nối với những suy nghĩ chân thật của chính mình.
Mọi người quen với việc khám phá thế giới bên ngoài, nhưng hiếm khi thấu hiểu thế giới nội tâm của chính mình.
Nhiều rắc rối chúng ta gặp phải trong cuộc sống tưởng chừng như là không thể giải quyết được, nhưng thực tế lại không phải vậy. Nếu bạn có thể trầm tĩnh và lắng nghe tiếng nói trong nội tâm mình, bạn sẽ kinh ngạc phát hiện ra rằng, vốn dĩ trong nội tâm của mình đã có sẵn câu trả lời rồi.
Trong cuộc sống, chỉ khi dần dần thấu hiểu bản thân, bạn mới có thể tìm được vị trí phù hợp với mình để phát huy tiềm năng và vượt qua giới hạn của bản thân.
Chỉ khi trầm tĩnh lại, bạn mới có thể nghe thấy giọng nói ẩn giấu trong lòng, khám phá mong muốn và kỳ vọng thực sự của mình cho tương lai.
Pascal từng nói: “Hầu hết mọi đau khổ của chúng ta đều đến từ việc chúng ta không thể ở một mình trong phòng”.
Chỉ khi chúng ta học được cách ở một mình, chúng ta mới có thể thăng hoa bản thân, xoa dịu tâm hồn và thấu hiểu bản thân mình nhiều hơn.
Theo kknews