Cha mẹ phải làm gì khi con mình bị bắt nạt?
Cha mẹ nào cũng yêu thương con cái, không có ai muốn con của mình bị người khác bắt nạt; nhưng đôi khi cha mẹ cũng vì quá thương con mà bị cảm xúc chi phối, dẫn đến các biện pháp xử lý tình huống không được đúng đắn, và có thể làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.
- Dạy con cái không nghe lời: Hạ sách nhất là đánh, vậy thượng sách là gì?
- Dạy con tín Thần, người mẹ hạnh phúc khi chứng kiến con thay đổi
Nội dung chính
Cha mẹ là người giáo dục và hướng dẫn cho trẻ
Trẻ con còn khờ dại, trong lúc chơi với nhau mà có phát sinh một vài xích mích nhỏ cũng là chuyện bình thường. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi con bị bắt nạt, phản ứng của cha mẹ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của con cái; cha mẹ có một vai trò hướng dẫn rất quan trọng.
Một số phụ huynh khó kiềm chế cảm xúc; cư xử quá mạnh bạo, không lý trí; gây ra những khó khăn trong việc giáo dục con cái.
Việc trẻ em bị bắt nạt không có gì quá đáng sợ, nhưng nếu cha mẹ không biết cách giáo dục thì mới thật là điều đáng nói.
1. Đổ lỗi cho nạn nhân
Tôi thường thấy một số phụ huynh dạy con cái của họ như sau: “Con thật là không biết tranh đấu, tự nhiên cứ để cho người ta bắt nạt!”; “Người khác đánh con rồi con không biết đánh lại hay sao?”.
Đứa trẻ bị bắt nạt vốn là nạn nhân, nhưng sau khi nghe cha mẹ trách móc thì đứa trẻ sẽ nghĩ mình là người có lỗi; cho rằng bản thân đã làm gì đó sai mới bị bắt nạt; cảm giác mình rất vô dụng.
Từ đó đứa trẻ có thể trở nên rụt rè hơn; chúng không dám nói chuyện với cha mẹ; vì sợ nói ra thì mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn.
Một khi nạn nhân im lặng thì coi như đã bị rơi vào cái vòng luẩn quẩn của việc bị bắt nạt và đau khổ chịu đựng.
2. Ăn miếng trả miếng
“Nếu có ai bắt nạt con thì con hãy tìm cách bắt nạt lại nó!”, nhiều bậc cha mẹ khi thấy con bị bắt nạt và chạy về nhà khóc lóc thì sẽ tức giận mà nói như vậy; nhưng đây cũng không phải là một cách làm sáng suốt.
Bởi vì những đứa trẻ bị bắt nạt nhìn chung thể chất tương đối yếu ớt; vì vậy nếu phản công không thành thì có khả năng là sẽ bị trả đũa dữ dội hơn.
Hơn nữa, cách xử lý này của phụ huynh sẽ dễ khiến trẻ hình thành quan niệm “ăn miếng trả miếng”; cho rằng bạo lực là cách duy nhất để giải quyết vấn đề.
3. Ra mặt thay cho trẻ
Cũng có một số phụ huynh sau khi biết con mình bị bắt nạt thì nổi giận, tự mình đi đến để ‘hỏi tội’ người đã bắt nạt con mình; mang tư duy của người trưởng thành áp đặt lên trẻ nhỏ; khiến cho vấn đề nghiêm trọng hơn; thậm chí còn ra tay đánh đập…
Việc dựa dẫm vào cha mẹ để giải quyết tất cả những vấn đề lớn nhỏ sẽ khiến đứa trẻ không thể trưởng thành và mất khả năng tự giải quyết vấn đề một cách độc lập.
Cha mẹ phải hành xử như thế nào khi con mình bị bắt nạt?
1. Lắng nghe cảm xúc của con
Con cái ra ngoài bị bắt nạt thì người đầu tiên nghĩ đến và tin tưởng nhất chính là cha mẹ. Cha mẹ nên cho con cảm giác được che chở; kịp thời lắng nghe trẻ; hiểu rõ tình huống; để cho trẻ cảm thấy được an toàn, cảm thấy cha mẹ luôn đứng đằng sau ủng hộ cho chúng.
Khuyến khích trẻ nói về trải nghiệm bị bắt nạt của mình, và nói với trẻ là chúng không sai; người bắt nạt mới sai; nên dũng cảm bảo vệ quyền lợi của mình; nên đứng ra tìm sự giúp đỡ.
Khi đối mặt với việc con bị bắt nạt, cha mẹ có thể hỏi trẻ mọi việc đã xảy ra như thế nào và tại sao. Sau đó hỏi trẻ: Con đã giải quyết nó như thế nào? Cha mẹ phải cố gắng để con tự giải quyết vấn đề của mình; như vậy mới rèn luyện được tính độc lập cho trẻ.
Ví dụ như cha mẹ có thể mô phỏng các tình huống xung đột khác nhau trong cuộc sống; truyền thụ kinh nghiệm cho trẻ; để cho trẻ thấy mâu thuẫn cũng không phải là điều gì quá khủng khiếp; lúc bị bắt nạt thì cứ bình tĩnh, lý trí, học cách quan sát, tự vệ thích đáng; biết được cách tự bảo vệ mình. Nhưng phải nhớ rằng phụ huynh chỉ đóng vai trò hướng dẫn và giáo dục.
2. Tránh tái diễn
Trong khi giúp trẻ giải quyết vấn đề, phụ huynh cũng phải nghĩ cách để tránh sự việc này tái diễn. Đưa ra cho trẻ hướng dẫn chính xác để khi gặp phải vấn đề tương tự trẻ sẽ biết cách tự giải quyết.
Tùy từng trường hợp, có thể chia thành ba bước, trước hết là xoa dịu cảm xúc của trẻ; giúp trẻ thoát ra khỏi cảm giác sợ hãi của việc bị bắt nạt; thử cho trẻ tự giải quyết vấn đề; dùng phương thức hòa bình để hóa giải mâu thuẫn.
Thứ hai là giúp cho trẻ học được cách cứng rắn đúng mực; đối mặt với những người vô lý; biết cách dùng lý lẽ; cố gắng tránh xa những người không thân thiện.
Cuối cùng, khi sự việc thực sự nghiêm trọng thì cha mẹ có thể tùy từng tình huống mà can thiệp một cách hợp lý. Đây là trách nhiệm đối với trẻ; cho trẻ biết là cha mẹ luôn bên cạnh ủng hộ và giúp đỡ chúng.
Một điều cần lưu ý là cha mẹ đừng coi việc con cái bị bắt nạt là chuyện nhỏ; vì nhiều sự cố nghiêm trọng ở trường học xảy ra cũng bắt đầu từ những xích mích nhỏ giữa các em học sinh.
Theo Aboluowang