Trong cuộc đời, con người ta thường bước về phía trước chứ ít ai đi lùi. Bạn đã bao giờ trải nghiệm cảm giác đi lùi chưa? Có thể bạn sẽ học được điều gì đó từ việc đi lùi, có thể bạn sẽ nhận ra, đi lùi lại chính là tiến lên.

Đi lùi – một trò chơi của trẻ em

Một ngày đẹp trời, tôi đưa lũ trẻ đến công viên.  Tôi quan sát thấy có một số dốc thoai thoải trên bãi đất trống, có lẽ được dùng để chơi trượt ván.

Công viên vắng tanh không có mấy người. Con gái tôi chơi trên một con dốc nhỏ. Tuy không có ván trượt nhưng nó cũng nghĩ ra lắm trò. Sau khi mệt mỏi vì chạy lên chạy xuống, nó quay lại và đi bộ lùi lên dốc rồi lùi xuống dốc. Tôi tỏ vẻ lo lắng vì sợ con ngã, nhưng sau khi nhắc nhở nhiều lần, con gái vẫn tiếp tục chơi, còn vùng vằng nói “mẹ không đúng”.

Sau đó, con gái bắt đầu thách thức tôi: “Mẹ, mẹ có dám đi bộ lùi không?” Nghe con nói vậy, tôi hơi bất ngờ nhưng vẫn đồng ý vì biết rằng thỉnh thoảng đi bộ lùi rất tốt cho cơ thể. Tôi bắt đầu đi bộ ngược lên con dốc với cô gái nhỏ.

Đi giật lùi xuống dốc – đã bao giờ bạn thử chưa?

Con gái vui mừng khi thấy tôi tham gia, còn nói với tôi một cách ân cần “Con đi từ từ đợi mẹ nhé.” Tôi cười và nói với con rằng con không cần phải lo, mẹ tự làm được. Độ dốc không lớn và dễ dàng đi lùi để lên dốc. Tuy nhiên, khi tới đỉnh dốc rồi chuyển sang đi xuống, tôi cảm thấy khó chịu…

Mỗi khi bước một bước, tôi có cảm giác như sắp ngã, và không thể cân bằng cơ thể. Vì vậy, một cách vô thức tôi luôn nhìn lại, cẩn thận ngó xem bước đi đó có an toàn hay không. 

Bài học từ một lần đi lùi
Bạn đã bao giờ thử đi lùi một lần chưa? (ảnh: Pexels.com).

Khi con gái nhìn thấy mẹ cứ quay đi quay lại ngó từng bước đi, nó bắt đầu cười. Thực tế, hành động của tôi rất cẩn trọng, còn con gái thì không hề sợ hãi, không bao giờ ngoảnh lại nhưng bước từng bước đi rất chắc chắn.

Sau khi cười, con gái hỏi tôi: “Tại sao người lớn không có bản lĩnh của trẻ con?” Nghe xong tôi không giải thích được. Những gì con gái nói là đúng thực tế. Trong chuyện đi ngược này, bản lĩnh của tôi đúng là không bằng một đứa trẻ. Con gái đi về phía sau một cách điêu luyện, còn tôi thì nhìn tới nhìn lui, vẻ mặt không hề thoải mái mà có chút căng thẳng. Vì vậy, tôi đã trả lời rằng “Đó là một câu hỏi hay.”

Đi lùi – vượt lên cảm giác lo sợ  

Trẻ dũng cảm vì chúng không sợ ngã, thậm chí có ngã chúng cũng không sợ. Những người lớn thì thường nhìn xung quanh, vì họ muốn có được sự an toàn và cố gắng tránh va chạm. Họ e ngại khó khăn và thử thách. Đó cũng là kết quả của một quá trình lớn lên và trưởng thành. Càng cố gắng khôn ngoan hơn, người ta càng lo lắng nhiều hơn, hành động cẩn thận hơn và xem xét các vấn đề một cách kỹ càng hơn. Nhưng chẳng phải sự khôn ngoan này khiến chúng ta còn không can đảm bằng một đứa trẻ.

Bài học từ một lần đi lùi
Có lẽ bạn thử tìm một con đường vắng rồi đi lùi xem sao (ảnh: Pexels.com).

Tôi nhận ra một bài học từ con trẻ lần này, đó là người lớn chúng ta hãy can đảm hơn một chút và hãy nhìn con mình không phải theo cách nhìn từ trên nhìn xuống, có lẽ cần nhìn sang ngang hoặc từ dưới nhìn lên để có thể  học hỏi từ chính con cái của mình. Hơn nữa, với tôi, lần đi lùi này lại chính là tiến về phía trước. Đó là bước tiến về phía trước trong nhận thức của tôi, rằng tôi cần buông bỏ sự sợ hãi, dũng cảm đối diện trước mọi tình huống thực tế xảy ra, kiên định với từng bước đặt chân với niềm tin rằng mình sẽ không ngã.

Nghiên cứu khoa học về đi lùi

Đi bộ giật lùi là hình thức đi bộ ngược về phía sau. Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng đi như vậy sẽ giúp bạn tập luyện cơ đùi trước, giảm lực tác động vào đầu gối nên rất phù hợp cho những ai muốn tập luyện sau chấn thương.

Nếu bạn được xem buổi tập luyện dành cho các cầu thủ bóng đá, bạn sẽ thấy có rất nhiều cầu thủ thực hiện phương pháp chạy bộ giật lùi.

Nghiên cứu khoa học chỉ ra cho thấy, đi bộ lùi 100 bước sẽ tiêu hao năng lượng calo tương đương với 1000 bước đi bộ về phía trước.

Đặc biệt, do có khả năng kích thích nhiều đến hệ hô hấp, tim mạch, đi bộ lùi giúp bạn duy trì nhịp tim khỏe mạnh, tăng kích thước phổi và giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính. So với đi bộ thường, đi bộ giật lùi ngày càng chứng tỏ những hiệu quả rõ rệt về mặt sức khỏe.

Theo Epoch Times