Chủ Nhật , 26 Tháng Mười Một 2023

Cảnh giới “nhẫn” của người tu luyện

10/10/23, 17:31 Nhân sinh cảm ngộ
Cảnh giới "nhẫn" của người tu luyện

Người phương Đông coi trọng chữ “nhẫn”, bởi những điều tốt đẹp họ có được trong đời thảy đều do nhẫn. Nhẫn để giữ gìn hạnh phúc gia đình, nhẫn để gây dựng sự nghiệp. Nhưng nhẫn của người tu luyện lại còn hơn cả như thế.

Nhẫn chịu khổ trong những cái khổ

Chuyện xưa kể lại rằng, có một sư ông nọ tu hành sắp thành Phật, nhưng tâm sắc dục chưa bỏ nên có tu cũng không lên được. Tuy nhiên Đức Phật từ bi vô lượng vẫn tạo cơ hội, ngài cho ông đầu thai làm con gái trong một gia đình nghèo hèn nhu nhược nhất làng được đặt tên là Thị Kính.

Cảnh giới "nhẫn" của người tu luyện
Xuất gia nhưng chưa bỏ được tâm sắc dục vẫn phải chuyển sinh tu tiếp (ảnh: Loiphatday)

Lớn lên vì xinh đẹp, Thị Kính được gả cho anh học trò Thiện Sĩ họ Sùng khá giả nhất làng bên. Một hôm, Thiện Sĩ học khuya, mệt quá mà thiếp đi. Thị Kính ngồi khâu áo nhìn thấy cằm chồng có cái râu mọc ngược, bèn lấy dao toan cắt đi. Phải lúc chồng tỉnh giấc, lầm tưởng vợ hãm hại mình liền hô toáng lên. Sùng ông Sùng bà trong buồng chạy ra, không nghe giải thích gán ngay cho nàng tội sát chồng, hòng kiếm nàng dâu con nhà phú quý hơn. 

Thị Kính bị đánh mắng rồi đuổi về nhà cha mẹ đẻ. Chẳng biết phải sống làm sao, nàng giả trai vào chùa Vân tu hành, được đặt pháp danh là Kính Tâm.

Ở chùa, nàng lại gặp phải ả Thị Mầu con phú ông vốn tính lẳng lơ. Gạ tình Thị Kính không được nên ăn nằm với thằng ở đợ. Thị Mầu không chồng mà chửa, bị làng đem ra đình tra khảo, cũng là để bắt vạ ăn khoán. Nhân đấy, ả đổ tội cho chú tiểu chùa Vân. Kính Tâm bị chức dịch phạt đòn, ép phải nuôi lấy đứa con rơi. Sư cụ vì sợ điều tiếng mà đuổi Kính Tâm ra khỏi chùa.

Cảnh giới "nhẫn" của người tu luyện
(ảnh: Sites)

Đẻ được đứa con trai, Thị Mầu đem vứt trước cổng chùa. Tiểu Kính Tâm thương đứa bé nhận nuôi lấy, hàng ngày đi xin sữa cho nó ăn. Được ba năm khi đứa trẻ chập chững biết đi, Kính Tâm lao lực quá mà mất, lúc hấp hối còn kịp để một bức thư cho cha mẹ. Xem thư, người nhà mới biết Thị Kính đã phải nhẫn chịu biết bao oan ức.

Chư tăng ở chùa liệm đám tang cho nàng, lúc thay quần áo mới vỡ lẽ chú tiểu Kính Tâm là thân nữ. Đức Phật xét người tu luyện này đã tu thành chính quả, bèn cho siêu thăng làm Quan Âm, tục gọi Quan Âm Thị Kính.

Vì sao người tu luyện lại khổ như vậy?

Chúng ta không mấy ai là không biết vở kịch “Quan Âm Thị Kính”, nhưng thường với hình thức diễn trên sân khấu, nên hầu như mọi người không biết được ngọn nguồn câu chuyện. Chỉ khi giữ nguyên nội dung và hình thức hoàn chỉnh ban đầu, chúng ta mới thấy rõ lý do vì sao Thị Kính lại chịu nhiều thống khổ đến như vậy.

Thị Kính vốn không phải là một người bình thường, mở đầu câu chuyện tác giả đã nói rõ, kiếp sống của nàng là do Đức Phật vì lòng từ bi mà ban cho.

Như bao người, Thị Kính cũng lập gia đình, nàng đã có cho mình một người để yêu thương, điều mà kiếp trước nàng còn tơ tưởng. Không có mối quan hệ nào thân thiết, gần gũi hơn quan hệ giữa vợ và chồng; nhưng nàng không nhận được sự tin tưởng của Thiện Sĩ. Vì sinh ra trong gia đình nghèo hèn nên cha mẹ chồng nàng cũng không trân quý mối nhân duyên này.

Cảnh giới "nhẫn" của người tu luyện
Nếu sống trong hạnh phúc, con người khó cắt ái lìa gia (ảnh: LoiPhatday)

Đời người phụ nữ còn điều gì đau đớn, bất hạnh hơn như thế? Nhưng chẳng phải chỉ khi hiểu được mối quan hệ giữa người với người mong manh, dẫu chung chăn gối cũng không thể trông cậy, người ta mới có thể cắt ái lìa gia, chuyên tâm tu đạo hay sao?

Nhẫn chịu cảnh khổ để trả nợ nghiệp

Thời xưa, con gái đã gả đi thì không thể quay về nhà cha mẹ đẻ. Nơi duy nhất đón nhận người lang thang, cơ nhỡ chính là chùa. Tuy nhiên, ngày đó nữ nhân không được phép đi tu, Thị Kính đành phải giả trai để được ăn mày cửa Phật.

Khi bị đổ oan làm Thị Mầu có thai, Kính Tâm không thể đứng ra nhận mình là Thị Kính, bởi quá khứ của nàng đã bị làm cho nhơ bẩn. Tội làm nữ nhân mang thai đã nặng, nhưng chịu phạt mấy hèo là xong; còn như tội giả trai đi tu một khi bị phát giác thì nàng không còn chốn để dung thân.

Cảnh giới "nhẫn" của người tu luyện
Chịu khổ hoàn trả nợ nghiệp thành tựu quả vị (ảnh: LoiPhatday)

Gặp cảnh bế tắc, thân bại danh liệt, vì quá phẫn uất con người ta có thể đi tìm một con sông lao xuống kết thúc cuộc đời. Nhưng Thị Kính vẫn tiếp tục chịu khổ, nàng không thể bỏ cuộc vì còn phải nuôi đứa bé Thị Mầu gán lại. Sau những năm tháng “khổ tận cam lai”, cuối cùng Thị Kính đã thoát khỏi xác phàm đắc Bồ Tát đạo.

Như vậy, cuộc đời của Thị Kính là một vở kịch do Đức Phật từ bi tạo nên với mục đích thành tựu quả vị cho một sinh mệnh.

Đức Phật nói “đời là bể khổ“, Chúa Giê-su thì cho rằng “con người là có tội”, và “nhân quả tuần hoàn không có gì là ngẫu nhiên, muốn được thì phải mất“; giới tu luyện cũng có câu “lấy khổ làm vui”, bởi điều chờ đợi họ phía trước, người bình thường dẫu muốn cũng không thể có được. Trong cuộc sống, nhẫn chịu một chút khổ nạn đâu phải là chuyện xấu.

Tổng hợp

x