Nhân vô thập toàn, trên đời này không có ai là hoàn hảo không chút khuyết điểm. Vậy nên khi bạn có thể khoan dung chừa lại cho người khác đường lui thì con đường nhân sinh của bạn sẽ ngày càng rộng mở.

Người xưa lấy “Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín” làm tiêu chuẩn để đánh giá đạo đức của một người. Đây cũng là nguyên tắc để điều chỉnh các mối quan hệ giữa người với người trong xã hội cho phù hợp với luân thường đạo lý. Trong đó, “nhân” tức là lòng nhân từ, nhân ái, được xếp lên hàng đầu. Người có lòng nhân sẽ biết suy nghĩ cho người khác, dùng tấm lòng khoan dung độ lượng để đối đãi với mọi người xung quanh.

1. Chừa cho người khác đường lui

Khi bạn có thể đặt mình vào vị trí của người khác để suy nghĩ, lo lắng cho nỗi lo của người khác và vui vẻ với niềm vui của họ, thì bạn sẽ dần dần cảm nhận được ý nghĩa của cuộc sống không nằm ở việc có được mà là cho đi.

Giữ lại 1 đường lui cho chính mình; Làm gì cũng phải chừa đường lui
Chừa lại cho người khác đường lui thì con đường nhân sinh tự nhiên sẽ rộng mở (ảnh: 360doc)

Lương thiện thực sự là biết cách quan tâm đến cảm giác của người khác và bảo vệ lòng tự tôn của họ. Trong đối nhân xử thế, khi bạn có thể đặt mình vào vị trí của đối phương thì các mối quan hệ của bạn tự nhiên sẽ trở nên hài hoà.

Hoàng đế Chu Nguyên Chương của nhà Minh rất thích câu cá. Một ngày nọ, ông đã mời nội các thủ phủ Giải Tấn cùng mình đi câu cá trong Vườn Thượng Uyển. Giải Tấn rất giỏi câu cá, chẳng mấy chốc đã câu được vài con cá và cảm thấy rất vui vẻ. Còn Chu Nguyên Chương câu một hồi lâu cũng không bắt được con cá nào, liền cau mày không vui.

Giải Tấn sớm cảm nhận thấy sự không hài lòng của Chu Nguyên Chương, ông lo sợ rằng bản thân để lộ tài năng mà gây ra tai hoạ. Vì vậy, ông cung kính nói với Chu Nguyên Chương rằng: “Bệ hạ, những con cá kia rất thông thái và rất tuân theo quy tắc”. Chu Nguyên Chương hỏi: “Khanh nói vậy là sao?”. Giải Tấn liền ngâm 1 bài thơ: “Số xích ti luân lạc thuỷ trung; Kim câu phao hạ ẩn vô tung; Phàm ngư bất cảm triêu thiên tử; Vạn tuế quân vương chỉ điếu long”. 

Giải Tấn giải thích rằng: “Cá là vật phàm, không dám gặp mặt Thiên tử. Chỉ có rồng mới có thể xứng gặp được Thiên tử mà thôi!” Bài thơ này đã giúp cho Chu Nguyên Chương giữ được thể diện và lòng tự trọng. Sau đó, Chu Nguyên Chương đã đổi giận làm vui và xua tan đi nỗi buồn trong lòng.

Giải Tấn biết cách giữ chừng mực và đặt mình vào vị trí của người khác. Ông không chỉ để lại đường lui cho Chu Nguyên Chương, mà còn giúp bản thân mình thoát khỏi sự trừng phạt. Trong “Thái Căn Đàm” có viết: “Lộ kinh trách xử, Lưu nhất bộ dữ nhân hành; Tư vị nùng xứ, Giảm tam phân nhượng nhân thường”. (Tạm dịch: “Đường hẹp nhường 1 bước cho người khác đi; Vị đậm đà bớt 3 phần cho người khác nếm”). 

2. Nhường lại danh tiếng cho người khác hưởng

Phạm Trọng Yêm vào thời Bắc Tống đã mua một ngôi nhà ở Tô Châu và dự định xây dựng một nơi để ở. Ông mời thầy phong thuỷ giúp mình quy hoạch. Thầy phong thuỷ nói với ông rằng: “Phong thủy của ngôi nhà này rất tốt, sau này nhất định sẽ xuất hiện quan lại quyền quý”. Sau khi nghe điều này, Phạm Trọng Yêm đã tặng ngôi nhà và xây dựng nó thành một trường học ở Tô Châu. 

Ông cảm thấy phong thủy của ngôi nhà quá tốt, nên ông không muốn độc chiếm tất cả. Thế là, ông liền chia sẻ vận khí tốt này với người dân Tô Châu, để có thêm nhiều học giả được đề tên bảng vàng. Sau khi Phạm Trọng Yêm hiến đất để mở trường học, tin này đã được lưu truyền khắp Tô Châu, nhờ đó đã giúp đề cao văn hóa và đạo đức tại nơi này. Sau đó, Tô Châu đã liên tiếp xuất hiện 38 vị Trạng Nguyên. Con số này nhiều hơn 5 lần so với trước đây, và ngôi trường này đã trở thành một “Trạng Nguyên Chi Phủ” thực sự.

Sau đó, Tô Châu còn xuất hiện hơn 100 viện sĩ và trở thành quê hương của các viện sĩ. Phạm Trọng Yêm nhờ có tấm lòng “dung chứa cả thiên hạ” mà đã thành tựu được rất nhiều vị học giả. Chính tấm lòng rộng lớn độ lượng của ông đã giúp cho gia tộc họ Phạm thịnh vượng trong suốt 800 năm.

Tục ngữ có câu “súng bắn chim đầu đàn“, có nghĩa là không nên thể hiện bản thân quá nhiều, nếu không sẽ dễ chuốc lấy tai họa. Đó là một phép ẩn dụ rằng những người dẫn đầu dễ bị nhắm vào nhất, những người càng để lộ tài năng thì càng dễ gặp phải thương tổn.

Hãy chừa cho người ta một đường lùi!; Giữ lại 1 đường lui cho chính mình
Tục ngữ có câu “súng bắn chim đầu đàn”, những người càng để lộ tài năng thì càng dễ gặp phải thương tổn (ảnh: 360doc)

Vì vậy, nếu bạn chiếm hết danh tiếng, bộc lộ hết tài năng sẽ chỉ làm mất lòng người khác, bị người khác xa lánh và đánh mất tất cả. Người càng hàm dưỡng thì càng biết cách ẩn giấu tài năng và khiêm tốn, đồng thời họ có thể nhường lại ánh hào quang cho người khác. Trong cuộc sống, nếu có thể thiện đãi và đối xử tử tế với người khác, bạn mới có thể sống hài hòa với mọi người.

3. Nhường lại lợi ích cho người khác nhận

Người xưa thường nói rằng: “Nếu bạn có thể chịu khổ thì bạn có thể trở thành người có lý tưởng. Nếu bạn có thể chịu tổn hại thì không phải là một kẻ ngốc mà là người có tu dưỡng“.

Có câu nói: Chịu khổ là phúc, có mất thì có được. Khi bạn có thể nhường lại lợi ích cho người khác, thì bạn mới có thể thu phục được lòng người và nhận được sự tôn trọng thực sự của người khác.

Làm gì cũng phải chừa đường lui; Làm người chừa lại một lối đi, ngày sau còn dễ gặp mặt
Nếu bạn có thể chịu tổn hại thì không phải là một kẻ ngốc mà là người có tu dưỡng (ảnh: 360doc)

Lý Gia Thành bắt đầu kinh doanh từ năm 14 tuổi. Nhờ đó, ông có sự nhạy bén trong thương trường, ông sẽ không chạy theo lợi nhuận trước mắt, hơn nữa còn giữ lại một số lợi ích cho người khác hưởng. Con trai của ông, Lý Trạch Giai từng nói rằng: “Cha tôi nói với tôi rằng khi làm ăn với người khác, nếu bạn được 7 hoặc 8 phần lợi ích, thì chúng ta chỉ nên lấy 6 phần”. 

Napoleon từng nói: “Biết cách suy nghĩ từ vị trí của người khác, có thể nhìn và suy nghĩ vấn đề từ góc độ của người khác và thực sự có thể giúp người khác giải quyết vấn đề, thì thế giới là của bạn”. 

Nếu bạn có thể chia sẻ cho người khác hưởng lợi thì có thể giúp bạn cải thiện các mối quan hệ và trải đường cho thành công của bạn sau này. Nhượng lại lợi ích cho người khác hưởng là một loại trí tuệ của người có tu dưỡng, cũng là thể hiện của một người có tấm lòng bao dung rộng lớn. Nếu bạn có thể nhường cho người khác 3 phần lợi ích, bạn có thể giành được nhiều cơ hội phát triển hơn sau này cho chính mình. 

Chừa lại đường lui cho người khác, không phải là nhu nhược, mà là tu dưỡng; Nhường lại danh tiếng cho người khác, không phải là bất tài, mà là phẩm đức; Nhường lại lợi ích cho người khác, không phải là ngu xuẩn, mà là trí huệ. Trên đường đời, nếu bạn có thể để cho người khác 3 phần thì con đường càng vững vàng, khoan dung cho người 3 điểm thì vạn sự càng hanh thông.

Theo 360 doc