Trong lịch sử có ghi chép lại chuyện mẹ kế con chồng thay nhau nhận tội để bảo vệ người kia. Sự thiện lương của hai người đã khiến quan phủ cảm động.

Chuyện mẹ kế con chồng xưa nay

Thông thường khi nói về mẹ kế con chồng, mọi người có xu hướng nghĩ rằng đó là một mối quan hệ không mấy tốt đẹp. Bởi vì mẹ kế và con chồng không có cùng máu mủ ruột già. Trong xã hội ngày nay, người ta không khỏi rùng mình trước những chuyện mẹ kế bạo hành con chồng, thậm chí hành hạ đến mức tử vong. Vấn đề không phải ở chỗ khác máu tanh lòng; mà nguyên nhân sâu xa là do đạo đức con người đã đi xuống. Con người đối xử với nhau không còn lòng nhân nữa thì mới xảy ra những cơ sự như vậy.

Dù mẹ kế và con chồng là những người dưng xa lạ đến với nhau, đó vẫn là một mối quan hệ duyên nợ mà mỗi người đều nên trân quý. Con người khác động vật chính ở tấm lòng trắc ẩn. Xưa nay, càng là những mối quan hệ đặc biệt như mẹ kế con chồng, hay mẹ chồng nàng dâu thì càng nên đối xử tốt với nhau. Trong lịch sử có chuyện người con dâu thà chết bảo vệ mẹ chồng; lại cũng có chuyện mẹ kế con chồng thay nhau nhận tội để bảo vệ người kia. Họ không màng thua thiệt hay sống chết của bản thân. Tấm lòng nhân đức ấy thật khiến người ngày nay muôn phần ngưỡng mộ.

Thiện ác hữu báo: Những câu chuyện cảnh tỉnh thế nhân
Người quân tử dù phải khốn cùng phiêu dạt cũng không rời xa đạo nhân (ảnh minh họa: epochtimes.com).

Thương người như thể thương thân

Trong “Chính mông – Trung chính”, Trương Tái viết: “Dùng cái lòng yêu thương mình để yêu thương người, đó là tận cùng của nhân đức.” Nếu một người có thể yêu thương người khác như yêu thương bản thân, thế thì có thể nói là đã hoàn toàn đạt đến cảnh giới tinh thần của người nhân đức rồi.

Trong tác phẩm “Phòng nhân sự 56, quyển 415 Thái bình ngự lãm” của Lý Phưởng đời Tống, Minh Huệ Net đưa tin, có ghi chép lại chuyện mẹ kế con chồng tranh nhau chết để bảo vệ người kia. Sự thiện lương của hai người đã cảm động cả quan phủ.

Đó là vợ kế và con gái vợ trước của huyện lệnh huyện Chu Nhai thời xưa (Thị trấn Long Đường, khu Quỳnh Sơn, thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam ngày nay). Con gái của huyện lệnh Chu Nhai 13 tuổi. Trong huyện Chu Nhai có nhiều ngọc trai. Mẹ kế của cô xâu ngọc trai thành chuỗi, đeo ở cánh tay.

Tình huống không may xảy ra

Sau đó, huyện lệnh qua đời. Hai mẹ con đưa quan tài huyện lệnh từ nơi ông nhậm chức trở về quê. Pháp luật lúc đó quy định rằng người giấu ngọc trai trong hộp mà lén vận chuyển ra khỏi cửa ải sẽ bị xử tội chết.

Do đó, mẹ kế vứt vòng tay ngọc trai đi. Con trai ruột mẹ kế 9 tuổi, chưa hiểu chuyện, nhặt lại những vòng ngọc trai. Cậu bỏ vào hộp nữ trang của mẹ mà mọi người đều không biết.

Đến khi quan viên cửa ải lục soát, lục ra vòng ngọc trai từ hộp nữ trang. Viên lại nói: “Ai chịu trách nhiệm về việc này?”

Chuyện mẹ kế con chồng bảo vệ nhau

Cô con gái cho rằng mẹ kế của cô đã bỏ vào trong hộp nữ trang. Để cứu mẹ kế, cô bèn nói: “Cha tôi không may qua đời. Mẹ kế tôi tháo từ cánh tay vòng ngọc trai vứt đi. Tôi trong lòng cảm thấy vứt đi tiếc quá, nên nhặt lại, bỏ vào trong hộp nữ trang của mẹ kế. Mẹ kế không biết.”

Quan tòa nghĩ ra một cách để giúp tìm lại công bình cho người phụ nữ giữ tròn đạo hiếu
Một vụ xét xử của quan tòa thời xưa (ảnh: thepicryl.com).

Mẹ kế tin là như vậy, thương tiếc con chồng, bèn nói: “Những ngọc trai này, là tôi buộc ở cánh tay. Chồng tôi bất hạnh qua đời. Tôi cởi vòng tay ra, lòng không nỡ vứt đi, nên bỏ vào trong hộp. Tôi đáng chịu tội chết”. Do vậy mà khóc đau đớn, người ngoài đều vì vậy mà động lòng.

Viên lại cửa ải cầm bút, trên hồ sơ không thể viết nổi một chữ. Viên quan cửa ải lặng lẽ tuôn lệ, trọn một ngày mà vẫn không thể ra phán quyết thư. Ông bèn nói: “Mẹ kế con chồng có ân nghĩa như thế này; tôi thà bị liên lụy truy cứu trách nhiệm, chứ không nỡ tống đạt công văn phán quyết có tội”. Sau đó qua hỏi han một hồi, mới biết là bé trai 9 tuổi vì không biết đã lẳng lặng bỏ vào hộp nữ trang.

Lời kết

Cả mẹ kế, con chồng đều biết nghĩ cho nhau, không màng sống chết của bản thân. Đến viên quan không một chút quen biết cũng sẵn sàng nhận trách nhiệm về mình thay vì luận tội hai con người nhân nghĩa. Đạo đức người xưa thật cao cả!

Văn hóa truyền thống chính là như vậy, chú trọng chữ Nhân. Nội dung mà Nhân hàm chứa rất rộng lớn, trong đó cốt lõi là “Yêu thương con người”. Ca dao tục ngữ của Việt Nam cũng có câu “Thương người như thể thương thân”.

Nếu có thể ở trong bất kỳ mối quan hệ nào cũng lấy chữ Nhân này làm tiêu chuẩn, thì những chuyện mẹ kế con chồng ân nghĩa như trên sẽ trở nên phổ biến trong xã hội.

Xem thêm: