Chủ Nhật , 19 Tháng Năm 2024

Đạo lý dùng người của hoàng đế Đường Thái Tông

05/01/24, 07:48 Văn hóa truyền thống
Đạo lý dùng người của Đường Thái Tông

Đường Thái Tông nói trong “Trinh Quán Chính Yếu”: “Trẫm coi thiên hạ như nhà mình, không thể có lòng riêng với bất cứ việc gì, chỉ có thể bổ nhiệm người có tài năng đức hạnh…”

Khổng Tử dạy:”Tiến cử người của mình thì không tránh là thân thích; tiến cử người ngoài thì không tránh là kẻ thù. Có tài là cử, tuyển người tài để phụng sự việc công; đó vốn là từ đạo lý chọn quan. Ai có thể làm được theo lời dạy đó tất sẽ xuất hiện thịnh thế”. Vua Đường Thái Tông cũng chính vì nỗ lực làm theo nên mới có được thời thịnh thế Trinh Quán lưu danh thiên cổ.

Để làm được như lời dạy của Khổng Tử thì yêu cầu bậc đế vương dùng người phải buông bỏ ân oán tình thù, chí công vô tư, không chút thiên vị. Khi chọn quan, không lấy sở thích cá nhân và mối quan hệ thân sơ làm tiêu chí, mà phải xem xét người ấy có lợi cho dân cho nước hay không, xét xem người ấy có phải là hiền tài để gánh vác được trách nhiệm nơi chức quan đó hay không.

Trong chương “Luận công bình” của sách “Trinh Quán Chính Yếu”, đã ghi lại chi tiết quá trình vua Thái Tông thực hiện lời dạy của các bậc thánh nhân và nó đã trở thành hình mẫu cho thế hệ sau về cách tuyển dụng người và trị quốc.

Đường Thái Tông phải đối mặt với những lời trách móc từ cận thần

Đoạn đầu tiên của chương “Luận công bình” đề cập đến việc Thái Tông chọn quan chức mà không né tránh thù hận, điều này làm dấy lên sự bất mãn trong thuộc hạ cũ. Tuy nhiên, Thái Tông vẫn cứ phụng sự theo lẽ công của thiên hạ, có tài là tiến cử, không bị chi phối bởi quan hệ thân sơ.

Khi Đường Thái Tông vừa mới lên ngôi, Trung thư lệnh Phòng Huyền Linh dâng tấu: “Những bộ hạ của Tần Vương Phủ (Thái Tông vốn là Tần Vương) đã theo Hoàng thượng vì chưa được phong chức quan, nên họ đều oán trách Bệ hạ, nói rằng thuộc hạ của Tề vương phủ và Thái tử Đông cung được giao các chức quan sớm hơn họ”.

Đạo lý dùng người của Đường Thái Tông
(ảnh: NTD)

Đường Thái Tông nói: “Thời xưa, bậc có công trạng lớn đều là người nhân đức rộng lượng, công bình vô tư. Đan Chu, Thương Quân là con trai của vua Nghiêu, vua Thuấn nhưng vì họ vô đức vô tài nên mới phế truất họ. Quản Thúc và Thái Thúc là huynh đệ của Chu Công nhưng ông lại giết họ. Do đó có thể thấy rằng, đã là bậc quân vương cai trị thiên hạ thì phải lấy thiên hạ làm công bằng, không thể có tâm thiên vị.

Trước kia Gia Cát Khổng Minh chỉ là thừa tướng của một nước Thục nhỏ, ông ấy từng nói: ‘Lòng ta công bằng như cán cân, không thể vì người mà đối xử bên trọng bên khinh’. Huống chi bây giờ ta đang trị vì một đất nước lớn; cơm ăn áo mặc của ta và các khanh đều từ bách tính. Điều đó có nghĩa là, sức lực của bách tính đã phụng sự cho triều đình, nhưng ân huệ của chúng ta chưa lan tỏa đến muôn dân; sở dĩ ngày nay triều đình chọn người tài là để an định muôn dân.

Dùng người chỉ quan tâm liệu họ có đủ năng lực gánh vác hay không, sao lại vì mối quan hệ thân sơ, cũ mới mà đối xử khác nhau? Phàm là người, gặp một lần cũng cảm thấy thân thiết, huống chi là thuộc hạ cũ, làm sao có thể quên ngay được. Nhưng nếu không đủ tài năng gánh vác, thì làm sao lại vì là thuộc hạ cũ mà phong quan tước được? Nếu hôm nay họ không quản việc mình có thể đảm đương hay không mà chỉ nói rằng họ có lời oán trách, đây lẽ nào là đạo lý công bằng?”

Lời thoại bên trên đã cho chúng ta thấy, vua Thái Tông nắm Vương quyền không thiên vị, tiến cử người ngoài không né tránh.

Vì lợi ích chung thì không tính đến thù riêng trong quá khứ

Hai nhân vật Thái tử Đông cung và Tề vương được đề cập phía trên chính là Lý Kiến Thành – anh cả của Thái Tông và Lý Nguyên Cát – em trai thứ tư của Thái Tông. Khi Thái Tông còn là Tần vương, hai anh em này vì ghen ghét công lao bình định thiên hạ của Tần Vương, đã nhiều lần hãm hại Tần Vương trước mặt Đường Cao Tổ, muốn dồn Tần Vương vào chỗ chết.

Vì vậy, dùng lời ngày nay mà nói, Thái Tông cùng với những thuộc hạ trước đây của Thái tử và Tề vương là kẻ thù của nhau. Tuy nhiên, Thái Tông đã không vì điều này mà bài xích họ, vì thế mà khiến một số thuộc hạ ban đầu của Thái Tông phàn nàn rằng, Thái Tông đã bổ nhiệm chức quan cho thuộc hạ của kẻ thù sớm hơn so với người thân tín của mình. Nghĩa là ngài đối đãi với kẻ thù tốt hơn người của mình.

Đạo lý dùng người của Đường Thái Tông
Đương Thái Tông dùng cả người dưới trướng của kẻ thù (ảnh minh hoạ: Ngoisao và vandieuhay)

Trên thực tế, Thái Tông bất quá chỉ là có tâm đối xử công bằng với mọi người. Dù thân sơ ra sao, có ân oán thế nào, đã từng có thù hay không, miễn là có thể yên định thiên hạ, có lợi cho bách tính thì ông sẽ sử dụng. Nguyên nhân là bởi, ngài đã ở ngôi hoàng đế thì đã không chỉ còn là chủ của những người thân cận của mình nữa, ngài đã là chủ của toàn thiên hạ, kẻ thù cũng vậy, người thân cận cũng vậy, đều đã trở thành thần dân của mình, cần phải thương yêu như nhau.

Những ân oán tình thù cá nhân không nên trở thành tiêu chuẩn tuyển dụng người của bậc Đế Vương, vì vậy ngài chỉ có thể chiểu theo địa vị bá chủ thiên hạ mà làm theo đạo: khoan dung tha thứ và công bằng.

Kỳ thực, người phàn nàn chuyện này vốn là thuộc hạ cũ của Thái Tông, không phải tất cả. Tất cả thuộc hạ, tùy theo khả năng an lòng dân chúng, đều đã được Thái Tông sắp xếp thỏa đáng. Nếu thuộc hạ của kẻ thù có năng lực và thích hợp hơn thì bố trí cho họ nhậm chức, tiêu chuẩn duy nhất là có tài và phù hợp thì tiến cử. Cũng không phải là đối xử với kẻ thù tốt hơn với người “cùng hội cùng thuyền”; cũng không theo thứ tự trước sau; nếu không có năng lực thì có thể cả đời không được bổ nhiệm.

Thái Tông là bậc quân vương rất sáng suốt, mục đích của bổ nhiệm chức vụ là mang ân trạch cho bách tính, làm yên lòng dân. Các chức quan cũng đều là những người làm việc công, họ không phải là tài sản riêng phục vụ nhu cầu của hoàng đế, mà ngài có thể tùy tiện ban cho tước vị. Cho nên, nhất định phải dùng người theo lẽ công bằng.

Đây chính là hàm nghĩa “Hoàng quyền vô tư” mà cổ nhân đã dạy. Thái Tông nêu ra các vị thánh vương được công nhận như Nghiêu, Thuấn và các đại thần nổi tiếng như Chu Công và Gia Cát Lượng để minh họa rằng ông chỉ là làm tròn trách nhiệm của một đế vương, đối xử công bằng với mọi người, ngăn chặn những lời lẽ sai trái này một cách có căn cứ, bác bỏ những lời phàn nàn của một số cựu thần.

Đạo lý dùng người của Đường Thái Tông
(ảnh: DKN)

Nói thẳng ra, Thái Tông đứng ở góc độ bảo vệ bách tính, trong khi những thuộc hạ phàn nàn chỉ nhìn vấn đề từ góc độ lợi ích cá nhân của họ. Vì thế mà sinh tâm bất bình. Cách làm của Thái Tông ở đây chính là thực tiễn của việc “tiến cử người ngoài thì không tránh kẻ thù”, có tài là cử.

Ý nghĩa chân chính của câu: “Người có tài là tiến cử

Tài ở đây là chỉ người hiền tài, cũng chính là nói phải có tài đức vẹn toàn. Người chỉ có tài trí mà không có đức thì bị cổ nhân mặc định là tiểu nhân. Tài trí của kẻ tiểu nhân chỉ mang lại tai họa. Người xưa vốn có yêu cầu rất cao đối với phẩm hạnh con người. Cơ bản người tài trước hết đều phải là người chiểu theo tiêu chuẩn nhân- lễ- nghĩa- trí- tín; đồng thời phải có trí tuệ, có kiến thức và khả năng cụ thể thì mới có thể làm quan.

Đoạn văn dưới đây của chương “Luận công bình” có thể chứng minh cái tài mà Thái Tông đã nói là chỉ người có tài đức vẹn toàn:

“Năm Trinh Quán thứ nhất, có người dâng sớ tấu, xin cho các binh sĩ trước kia của Tần vương phủ đều được nhận chức võ quan, bổ vào cung cấm làm thị vệ.

Thái Tông nói: ‘Trẫm coi thiên hạ như nhà mình, không thể có lòng riêng với bất cứ việc gì, chỉ có thể bổ nhiệm những người có tài năng đức hạnh, sao có thể vì người mới người cũ mà có sự khác biệt trong đối xử? Huống hồ cổ nhân nói: ‘Dùng binh như dùng lửa, dùng mà không kiểm soát được sẽ thiêu mình’. Ý kiến này của khanh không ích gì cho việc trị nước’”.

Đường Thái Tông dùng người có tài trí đức hạnh, không kể đến mối thâm thù trong quá khứ, miễn là có lợi ích cho quốc gia bách tính đều có thể được tiến cử làm quan. Nhà Đường nhờ được cai trị bởi vị minh quân công bằng này mà có thể thái bình thịnh trị.

Theo Chánh Kiến

x