Lời Phật dạy vốn mang nội hàm thâm sâu, người tu luyện dù ở cảnh giới nào cũng chỉ có thể lĩnh hội được đôi phần; nếu tâm kiêu ngạo dấy động, tùy tiện đàm luận về Phật Pháp thì đã gây ra tội nghiệp rất lớn, nhất định sẽ phải chịu báo ứng.

Vô tình đi vào không gian khác

Vào năm Thiệu Thánh (1094 –1098), thời vua Tống Triết Tông của triều đại Bắc Tống, có một vị tăng nhân du ngoạn lên núi Thiên Thai của tỉnh Chiết Giang. Trên đường đi ông bị lạc, cuối cùng ông lại đi đến núi Ốc Tiêu thuộc huyện Tân Xương, Việt Châu (ngày nay là huyện Tân Xương, tỉnh Chiết Giang). Ông phát hiện trước mặt có một ngôi chùa lớn; trong chùa im ắng không một tiếng người.

Vị tăng nhân rất thích thú trước cảnh hàng cây thẳng tắp trong sân chùa. Tiếp đó ông đi vào trong điện sảnh lớn của ngôi chùa; nhìn thấy các quan lại đang xử án rất nghiêm minh. Ông bắt đầu cảm thấy nơi đây không giống cảnh tượng một ngôi chùa trong núi sâu. 

Một lát sau, ông từ từ tiến vào nơi giảng pháp, đi ngang qua hai tòa nhà; cuối cùng nhìn thấy mấy vị trưởng lão Phật giáo. Các vị trưởng lão ngồi đối diện nhau, im lặng không nói lời nào. Vị tăng nhân bước lên muốn hỏi thăm, trưởng lão xua tay ngăn ông lại; tăng nhân cũng không dám hỏi thêm nữa.

Phá hoại giới luật, chịu báo ứng thê thảm

Giữ trọng trách trong chùa mà lại ngang nhiên phá bỏ giới luật thì sẽ phải nhận báo ứng thê thảm
Giữ trọng trách trong chùa mà lại ngang nhiên phá bỏ giới luật thì sẽ phải nhận báo ứng thê thảm (ảnh: Adobe Stock).

Vị tăng nhân bèn đi xuống tăng đường, đứng bên cạnh quan sát. Một lúc sau, nghe thấy có người mời một vị trưởng lão thăng đường; trưởng lão đó kêu khóc ngồi vào chỗ. Có một người mặc áo tím mang theo sớ vàng đứng trước mặt trưởng lão. 

Trong nháy mắt, chỉ thấy lửa từ trong thân trưởng lão bốc lên; tràn ra cháy khắp toàn thân, không sót lại gì, hết thảy đều đốt thành tro. Sau đó lại theo thứ tự thăng đường, vòng đi vòng lại. 

Tăng nhân hỏi viên quan, họ đang làm gì ở đây. Viên quan trả lời rằng, mấy trưởng lão Phật giáo này lúc còn sống không tuân thủ giới luật Phật giáo; lại làm người trụ trì trong chùa; còn phỉ báng Phật Pháp; vậy nên phải nhận báo ứng này. Tăng nhân biết đây không phải là nhân gian, lấy làm sợ hãi vội vàng rời khỏi chùa. 

Đàm luận lung tung về Phật Pháp khiến người thân bị liên lụy

Đến lưng chừng núi, thấy có mấy tên lính đang đuổi theo một bà lão; bà lão này trông có vẻ rất giống mẹ của ông. Tăng nhân vội vàng ngoảnh đầu nhìn kỹ, nghe thấy bà lão kêu gào với ông rằng, vì ông bình thường hay đàm luận lung tung về trí huệ của Phật Pháp nên mới khiến bà bị liên lụy đến bước đường thê thảm thế này. Mấy tên lính đuổi theo phía sau rất gấp nên hai mẹ con cũng không nói thêm được lời nào nữa.

Vị tăng nhân xuống núi tìm đường, hỏi người địa phương đây là núi gì, trên núi có chùa gì. Người địa phương nói vùng này không có ai lên núi, cũng không có chùa miếu nào; họ còn chỉ cho ông đường lên núi Thiên Thai; ông hỏi thời gian mới biết đã 3 ngày trôi qua rồi. 

Vị tăng nhân cũng không đi du ngoạn nữa, thẳng đường trở về nhà. Về đến nơi thì phát hiện mẹ già đã qua đời rồi. Lúc đó câu chuyện này được lan truyền rộng rãi; có mấy vị trưởng lão trong chùa sau khi nghe chuyện lập tức từ chức không đảm đương nữa.

Phật Pháp từ bi nhưng cũng uy nghiêm
Phật Pháp từ bi nhưng cũng uy nghiêm (ảnh: Adobe Stock).

Phật Pháp uy nghiêm, báo ứng vô tình

Câu chuyện này thật khiến người ta kinh ngạc, Phật Pháp từ bi nhưng đồng thời cũng uy nghiêm. Trưởng lão Phật giáo trong câu chuyện có thể nói là người phụ trách của nhóm người tu luyện trong chùa; nếu như bản thân tu không tốt, còn phỉ báng Phật Pháp, thì đó chính là can nhiễu nghiêm trọng đến những người tu luyện khác, gây phá hoại lớn từ trong nội bộ; đó thật sự là tội quá lớn rồi. 

Còn vị tăng nhân kia cũng vì tùy tiện đàm luận Phật Pháp mà đã gây liên lụy đến người thân. Quả thật đây là bài học cảnh tỉnh cho chúng ta; khi đàm luận Phật Pháp nhất định phải cung kính, trân trọng; tuyệt đối không được đưa ra định nghĩa, có hành vi bóp méo, trộm Pháp; tu luyện Phật Pháp là điều cực kỳ nghiêm túc.

Tài liệu tham khảo: “Di kiên chí”.

Theo Chánh Kiến