Thứ Sáu , 17 Tháng Năm 2024

Điều không bao giờ nên chia sẻ với người bạn đời

16/07/23, 17:20 Nhân sinh cảm ngộ
Điều không bao giờ nên chia sẻ với người bạn đời

Bạn đời là người đồng hành với chúng ta kể từ ngày cưới đến hết cuộc đời. Nhưng không phải vì thế mà điều gì chúng ta cũng tuỳ tiện kể với họ. Chúng ta có thể chia sẻ với nhau một cách có chọn lọc để duy trì bình yên, hạnh phúc.

Những điều từng trải qua cùng người yêu cũ

Thành thật là một tính cách tốt. Tuy nhiên, một số sự kiện đã xảy ra và kết thúc trong quá khứ; chúng ta chỉ nên tự mình chiêm nghiệm, rút ra bài học từ lỗi lầm và không ngừng vun đắp cho tương lai. Hiện tại và tương lai mới là điều chúng ta cần trân trọng.

Vì sao những điều chúng ta từng trải qua với người yêu cũ thì không bao giờ được phép tuỳ ý chia sẻ với vợ hoặc chồng của mình?

Thông thường thì người yêu cũ của bạn là người có khả năng khiến người vợ hay người chồng của bạn phải suy nghĩ; thậm chí khiến tình cảm tốt đẹp của anh ấy hay cô ấy dành cho bạn bị tổn thương. Và khi tình cảm bị tổn thương sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ.

Kể về quá khứ chỉ khiến mọi việc tệ hơn

Một người bạn thời cấp III của tôi bị chồng đối xử rất lạnh nhạt. Ban đầu anh chồng chấp nhận việc cô ấy không còn trinh trắng. Tuy nhiên, sau một thời gian dài chung sống và không thể có con. Cô cũng vô tình nghe được chuyện nhân quả báo ứng và cảm thấy lí do cho việc mình khó thụ thai là vì quá khứ cô từng phá thai. Không chia sẻ với bạn thân và chị em ruột, cô thẳng thắn thú nhận với chồng và xin anh tha thứ.

Từ một người luôn đứng ra bảo vệ vợ khi bố mẹ nói ý tứ về chuyện chưa có cháu bế bồng, anh dần trở nên buồn bã, dễ cáu gắt và thường xuyên đi chơi đêm về muộn. Vào một lần say rượu anh vừa khóc vừa chỉ trích cô là đồ tồi khi đã vứt bỏ giọt máu của mình. Dù không li hôn nhưng mối quan hệ của họ rất gượng gạo.

Điều không bao giờ nên chia sẻ với người bạn đời
Có những sai lầm đã thuộc về quá khứ, nhưng chúng có thể khiến người bạn đời của chúng ta bị tổn thương (ảnh: Cuasotinhyeu)

Những điều không nên xảy ra dù sao cũng đã xảy ra, chúng ta có thể thất vọng về bản thân hoặc tự cảm thấy tội lỗi. Nhưng đừng vì thế mà huỷ hoại tâm hồn người chồng hay người vợ của mình (cho dù bạn không cố ý làm như vậy). Khi người bạn đời có những ý niệm tốt về chúng ta, hãy cố gắng duy trì điều đó. Thái độ sống tốt, không khí gia đình hạnh phúc có thể hoá giải được các kiếp nạn.

Người yêu thương chúng ta, họ cũng chỉ là con người, làm sao chúng ta có thể đòi hỏi một người có thể lập tức bao dung cho tất thảy tội lỗi của người khác? Thậm chí trong họ còn sinh ra cảm giác tổn thương của một nạn nhân bị lừa dối.

Không phải ai cũng sẵn sàng tha thứ cho chúng ta

Ai mà không từng phạm lỗi? Nhưng hãy xưng tội với Chúa để được tha thứ hoặc tìm đến cha xứ nếu bạn muốn được an ủi và nghe những lời khuyên có ích. Nếu tín Phật, bạn có thể chuộc lại lỗi lầm của mình bằng cách tu tâm hành thiện để bù đắp tội lỗi. Và thiết thực hơn cả là luôn đối xử đúng đạo nghĩa với bạn đời của mình và những người xung quanh. Chỉ có như vậy, tội lỗi mới vơi đi, phẩm hạnh mới mà bạn đang nỗ lực trau dồi sẽ giúp bạn chiêu mời những điều tốt đẹp hơn ở phía trước.

Giữ lại một số bí mật cho riêng mình, không có nghĩa bạn là kẻ lừa dối hay sống giả tạo. Đó là biểu hiện của tinh thần trách nhiệm với những người thân yêu, với cuộc sống và khả năng tự gánh vác trách nhiệm cuộc đời của chính mình.

Trong hôn nhân, sự chia sẻ khiến mối liên kết giữa hai người thêm bền chặt, tin tưởng. Nhưng hãy kể câu chuyện của bạn một cách phù hợp mà không tiết lộ mặt xấu nhất của bạn cho bạn đời. Bởi vì bạn sẽ không bao giờ biết được người được nghe câu chuyện của bạn, họ đang nhìn bạn vào lúc đó với suy nghĩ gì.

Điều không bao giờ nên chia sẻ với người bạn đời
(ảnh: We25)

Điều đó có thể sẽ trở thành trở ngại lớn của bạn trong những ngày tháng tiếp theo, bởi vì bạn đã thể hiện khía cạnh riêng tư nhất, là điểm yếu chí mạng của mình ra cho người ta thấy. Mặc dù, bề ngoài họ có thể lắng nghe, hoặc an ủi bạn nhưng họ cũng sẽ có ấn tượng không tốt về bạn.

Trong quan hệ vợ chồng, điều quan trọng là gìn giữ những ý nghĩ tốt đẹp về nhau. Chỉ cần trái tim bạn thật sự tràn ngập tình yêu và lương tri, thì với người bạn đời, chúng ta không nhất định phải xưng tội. Hãy làm điều cần làm trong bổn phận và nghĩa vụ của mình, đời sống của các bạn sẽ dần được cải thiện.

Không kể chuyện không tốt trong quá khứ của bố mẹ chúng ta với bạn đời

Cặp đôi nhà hàng xóm của tôi đôi khi cãi vã, họ thường mang cả phụ huynh của nhau ra để đay nghiến đối phương. Họ tức khí mắng mỏ nhau với ý tứ là anh hoặc cô không được xúc phạm đến cha mẹ đẻ của tôi. Nhưng họ vẫn không thể ngừng xỉ vả cha mẹ lẫn nhau.

Bởi vậy, tôi ngẫm ra một điều, chúng ta không nên bộc lộ sự bất hòa giữa bản thân và bố mẹ của mình cho vợ hoặc chồng của mình biết. Mối quan hệ giữa vợ hoặc chồng bạn với cha mẹ của bạn không được tốt, rất có thể vì chính những trách móc cha mẹ mà bạn đã từng “kể” với anh ấy hoặc cô ấy.

Điều không bao giờ nên chia sẻ với người bạn đời
Khi nói cho vợ/chồng của mình rằng cha mẹ đẻ không đủ tốt thì rất có thể sẽ tạo ra ấn tượng không tốt về cha mẹ trong lòng anh ấy/cô ấy (ảnh: Kenhphunu)

Hãy để mọi sự diễn ra thật tự nhiên. Biết đâu bố mẹ của bạn lại yêu quý chàng rể hay nàng dâu này; biết đâu họ lại hợp nhau và hiểu được chỗ khó xử của nhau. Không nên để lại ấn tượng không tốt về cha mẹ đẻ cho vợ hoặc chồng của mình. Nếu tâm lượng chúng ta không rộng rãi, để tâm đến những điểm chưa hoàn hảo về nhau chỉ khiến các thế hệ bất hoà và chính chúng ta cũng không tránh khỏi hệ luỵ.

Tấm lòng cha mẹ

Cho dù mối quan hệ giữa bản thân và gia đình có phát sinh mâu thuẫn gì đi chăng nữa, chúng ta không thể dễ dàng tiết lộ cho người ngoài. Bạn đã nghe “đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ/ gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha?”

Điều chúng nên làm nhất là cố gắng hòa thuận với gia đình của mình, để thành viên mới thừa hưởng một mái ấm với sự gắn kết và bao dung; điều đó cũng sẽ có ích cho gia đình nhỏ của bạn sau này.

Người xưa có câu “dạy con từ thủa còn thơ, dạy vợ từ thủa bơ bơ mới về”, bạn định dạy vợ hoặc chồng của bạn không cần đối xử tốt với cha mẹ của mình hay sao? Và sau này, khi trở thành những người làm cha, làm mẹ, có thể bạn sẽ không còn nghĩ cha mẹ của mình là xấu nữa. Bởi thế gian đã có câu: “làm cha mẹ mới biết lòng cha mẹ”.

Cuộc sống không ngừng luân chuyển, thời gian trôi đi, mỗi người cũng sẽ liên tục trải qua những thất bại và sự đau đớn để dần trưởng thành hơn với những kinh nghiệm mới. Trong quá trình này, không tránh khỏi những xung đột. Nhưng suy nghĩ của chúng ta rồi cũng sẽ chín chắn hơn, bởi vậy một số chuyện không hay nếu tuỳ tiện nói ra với người ngoài, dù là vợ hay chồng của mình thì cũng là điều không nên.

Theo Aboluowang

x