Nếu từng xem phim cổ trang, chắc hẳn bạn cũng thấy trong phòng ngủ của người xưa thường đặt những chiếc gối cứng, dạng hình hộp, chất liệu có thể là gỗ, trúc, ngọc, thậm chí là đá.

Người xưa rất thích sử dụng những chiếc gối cứng, đối với người hiện đại mà nói, thì điều đó chẳng khác nào đang tự làm khổ bản thân. Con người làm sao có thể yên giấc trên những chiếc gối vừa cao vừa cứng như vậy kia chứ?

gối sứ; gối ngọc; gối trúc
Gối thời xưa thường được làm từ gỗ, trúc, sứ, ngọc..v.v. (ảnh:Sohu)

Ngày nay, người ta thiết kế rất nhiều loại gối với nhiều loại kiểu dáng và họa tiết khác nhau; nhưng chúng đều mềm mại dễ chịu, chất liệu thường là bông, len, cao su,… 

Chính vì vậy, chúng ta thường quan niệm rằng, gối thì phải mềm mại, êm ái mới khiến chúng ta dễ ngủ. Đó là công dụng chính của gối. Vậy thì tại sao người xưa lại sử dụng những chiếc gối cứng như vậy? Không lẽ là do sự lạc hậu và kém phát triển? 

Có lẽ, khi chúng ta dùng nhận thức ở thời đại này để nhận thức vấn đề của thời đại trước thì khó mà liễu giải được. Bởi tư tưởng con người mỗi thời mỗi khác nhau. 

Vậy nên chỉ khi chúng ta tìm hiểu rõ về nhận thức của người xưa thì mới có thể hiểu được quan niệm của họ, ví như về những chiếc gối này. Lý do họ chọn gối cứng là gì? Gối có công dụng gì đối với họ? 

Nguồn gốc của gối cứng 

Nói về nguồn gốc thì rất khó xác định rõ ràng được gối cứng xuất hiện từ khi nào. Nhưng theo những ghi chép lịch sử và khảo cổ học, thì có thể suy luận rằng gối cứng xuất hiện từ thời đầu Tây Chu. Về sau đã trở nên phổ biến vào thời nhà Tùy.

Ngoài gối gỗ, người xưa còn sử dụng nhiều loại chất liệu khác. Các nhà khảo cổ từng khai quật được một chiếc gối trúc trong một lăng mộ nước Sở từ thời Chiến quốc, ở Tín Dương, Hà Nam. 

Những chiếc gối được tìm thấy trong các ngôi mộ từ thời nhà Hán khá đa dạng, có gối ngọc, gối đá, gối gỗ, gối trúc, gối đồng (loại gối được làm từ đồng xanh), gối đồng nạm ngọc, còn có túi gối bằng vải. 

Đến thời nhà Tùy, nhà Đường, các học giả còn phát hiện ra gối sứ. 

Có thể dựa theo chất liệu của các loại gối mà suy ra được thân phận của mộ chủ. Ví dụ nếu khai quật được gối đồng và gối ngọc thì thường chủ nhân có thân phận tương đối cao, thường là vương tôn quý tộc. 

Trong bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh, có một chiếc gối hình em bé bằng sứ Định Diêu có từ thời Bắc Tống. 

gối sứ; gối ngọc; gối trúc
Chiếc gối sứ Định Diêu tại bảo tàng Cố cung Bắc Kinh (ảnh: Sohu)

Nhìn vào chất men trắng tinh mỹ, ai cũng phải thán phục trước tạo hình sinh động, sắc men ôn nhuận, chạm khắc hoa văn tinh tế, trang nhã của người xưa.

Chiếc gối Định Diêu này hiện là chiếc gối sứ duy nhất có khắc chữ “Nguyên Hữu năm thứ nhất đời Bắc Tống“, điều này cung cấp cơ sở quý giá cho việc xác định niên đại của những chiếc gối sứ thời Nhà Tống.

Mục đích sử dụng gối của người xưa

Tuy nhiên, nhìn những chiếc gối cứng này, con người hiện đại không khỏi hiếu kỳ; không hiểu tại sao những bậc phú hào quyền quý thời cổ đại, có thể mặc lụa là gấm vóc, nhưng lại không muốn dùng một chiếc gối mềm mại? Không lẽ họ lại muốn đêm đến khó ngủ để khổ luyện bản thân?

Lý do để người xưa ưa chuộng gối cứng, có lẽ bắt nguồn từ mục đích sử dụng của họ. Trái với công dụng của người hiện đại, gối là để giúp con người cảm thấy êm ái, dễ chịu và dễ ngủ. Người xưa lại dùng gối như một phương pháp để nhắc nhở bản thân tránh “tham ngủ”.

Đặc biệt là đối với các bậc nho sinh, thư sinh ngày đêm dùi mài kinh sử; với mong muốn đỗ đạt khoa cử để làm rạng danh tổ tông. Họ luôn muốn bớt thời gian ngủ nghỉ để trau dồi học vấn. 

Điều này không tránh khỏi việc ban đêm cần khêu đèn đọc sách, nếu buồn ngủ quá họ có thể chợp mắt một lúc trên chiếc gối gỗ. Nhưng nếu ngủ say, một chút cử động cũng có thể khiến họ bị trượt xuống và bừng tỉnh. Vì vậy gối này còn được gọi là “gối cảnh tỉnh“; điều này cũng tương tự như cách buộc dây vào cổ và treo lên xà nhà, để cảnh tỉnh bản thân ngủ gật trong lúc đọc sách. Thậm chí, có nhiều người còn lắp thêm chuông lên gối để “cảnh tỉnh” bản thân tránh sa vào tham ngủ.

Vậy thì chiếc gối cứng dễ khiến người ta tỉnh giấc kia, không hề khiến cổ nhân cảm thấy khốn khổ gì như người hiện đại vẫn nghĩ; ở đây chính là mục đích sử dụng khác nhau.

Tác dụng y học của gối cứng

Bên cạnh đó là công dụng từ góc độ y học, sử dụng gối cứng còn được coi là phương pháp trị liệu rất tốt cho sức khỏe và rất khoa học. 

Hầu hết gối thời cổ đại thường có công dụng thanh nhiệt, an thần. Đồng thời, loại gối này không phải dùng để gối đầu mà dùng để kê dưới cổ.

Theo y học cổ truyền, những chiếc gối cứng sẽ phù hợp với độ cong sinh lý của cơ thể, đặc biệt đối với những người có vấn đề về cột sống cổ.

Tục ngữ có câu: “Tam thốn trường thọ, tứ thốn vô ưu“, cũng như câu nói “gối cao không lo ưu phiền”.

Đặt gối cao ba tấc dưới cổ khi ngủ là phương pháp tốt nhất cho xương cổ. Các bác sĩ cũng thường khuyên những người bị thoái hóa đốt sống cổ là dùng khăn cuộn lại đặt dưới cổ khi ngủ, giúp nâng đỡ vùng xương cổ. 

Theo như tục ngữ thì chiếc gối “vô ưu” là 4 thốn, tương đương khoảng 12 cm, chiếc gối “trường thọ” khoảng 9 cm.

Ngoài ra, thời cổ đại, người xưa còn phát minh ra một loại gối gọi là gối thuốc. Đại y học gia Lý Thời Trân từng đề cập trong “Bản thảo cương mục” về “gối minh mục” (gối sáng mắt). Đây là một loại gối thuốc, sử dụng các loại thảo dược làm ruột gối, giúp làm dịu nhiệt hỏa trong đầu và giúp sáng mắt, đồng thời nó cũng là một liệu pháp chữa trị chứng hoa mắt chóng mặt đơn giản. 

Đến đây thì chắc hẳn mọi người cũng đã minh bạch rằng, những chiếc gối cứng của người xưa không phải ngẫu nhiên mà được tạo ra. Có thể thấy cổ nhân không hề lạc hậu mà còn rất khoa học. 

Theo Vision Times