Hàm nghĩa của “Ngôn truyền, thân giáo” trong văn hóa truyền thống
Cha mẹ chính là những người thầy đầu tiên của con trong cuộc đời. Giáo dục trong gia đình chú trọng vào “ngôn truyền thân giáo”.
Nội dung chính
Thế nào là “ngôn truyền thân giáo”?
“Ngôn truyền” có nghĩa là cha mẹ dùng lời nói để truyền giảng những kiến thức, đạo lý, hành trang cho con trưởng thành. “Thân giáo” là cha mẹ lấy chính bản thân để làm tấm gương giáo dục con; bằng những suy nghĩ, hành động, lời nói tử tế và sự thiện lương mà giáo dục con cái nên người.
Giáo dục trong gia đình có ý nghĩa quan trọng với cả cuộc đời một đứa trẻ. Ngày nay rất nhiều truyền thống về giáo dục trong gia đình đã bị mai một.
Nói về giáo dục, đa số người ta thường chú trọng đến giảng dạy kiến thức, kỹ năng, dùng giáo viên để giải quyết các vấn đề mà quên đi cái gốc của giáo dục. Giáo dục khởi nguồn từ gia đình, lấy gia đình làm gốc. Trồng cây trước tiên phải ươm giống, thành tài trước tiên phải giáo dục thành người. Mà gia đình chính là trường học đầu tiên của con, cũng là khởi nguồn của giáo dục.
Cách giáo dục con cái của danh thần Phạm Trọng Yêm
Thời Bắc Tống có một danh thần tên là Phạm Trọng Yêm, cả đời thanh bần, phẩm hạnh xuất chúng. Ông vô cùng chú trọng việc giáo dục con cái, thiết lập gia phong, ngôn truyền thân giáo.
“Lo trước vui sau, cần kiệm liêm khiết quản giáo gia đình, tuân thủ quy củ, giữ chí lớn, lấy tĩnh dưỡng đức”.
Lời nói và việc làm của ông đã trở thành cái gốc của gia phong trong gia đình. Ông thiết lập những quy tắc của gia tộc, giáo huấn trong gia đình. Nghiêm khắc dạy dỗ con cháu, phẩm hạnh cao thượng của ông được hậu thế muôn đời kính ngưỡng.
Dạy con sự lương thiện bác ái
Phạm Trọng Yêm thường dạy các con rằng: “Cứu người gặp nạn là bổn phận làm người”.
Một lần ông nói con trai thứ là Thuần Nhân, dùng thuyền mang 500 đấu lúa mì tới Tô Châu cứu tế họ tộc. Khi đi qua Đan Dương, anh nghe thấy tiếng khóc bi thảm từ chiếc thuyền gần đó.
Thuần Nhân lần theo tiếng khóc, bước lên thuyền hỏi thăm, biết được là Thạch Mạn Khanh đang hộ tống linh cữu thân nhân về quê an táng; trên đường trở về thì tiền và lương thực đều hết.
Thạch Mạn Khanh, là nhà văn, nhà thơ thời Bắc Tống, từng làm đến chức Thái tử trung doãn, Bí các hiệu lý. Vì ông là một vị quan liêm khiết, nên gia cảnh bần hàn.
Thuần nhân nhận ra Thạch tiên sinh, liền đồng cảm và quyết định tặng 500 đấu mì cho ông. Thạch Mạn Khanh cảm kích không thôi, tiết lộ rằng gia đình ông có ba người chết chưa an táng được. Thuần Nhân rộng lượng, quyết đoán, liền để lại thuyền và đồ đạc có giá trị cho Thạch tiên sinh và đi bộ trở về .
Phạm Trọng Yêm thấy con trai về, liền hỏi: “Con đã giao xong lúa mì chưa?”
Thuần Nhân kể lại sự việc gặp Thạch Mạn Khanh. Phạm Trọng Yêm vội nói: “Sao con không đem lúa mì cho ông ấy?”
Thuần Nhân đáp: “Con đã đưa hết lúa mì cho ngài ấy rồi. Nhưng con thấy an táng ba người thân một lúc như vậy thì không đủ”.
Trọng Yêm lại nói: “Sao con không đưa luôn thuyền cho ông ấy”.
“Vâng, con đã để lại thuyền và đồ đạc cho ngài ấy, nên mới đi bộ trở về ạ”. Thuần nhân lễ phép thưa cha.
Phạm Trọng Yêm mừng rỡ: “Tốt lắm! Không hổ danh là con trai của ta”.
Ăn uống đạm bạc, cần kiệm siêng năng
Khi mãn nhiệm chức quản lý quân đội Quảng Đức, ông chỉ còn một con ngựa, sau đó còn phải bán ngựa mà lấy lộ phí trở về nhà.
Sau này vì lập được công lớn ở biên cương, nên được triều đình ban thưởng rất nhiều vàng bạc. Nhưng ông lại chia hết cho thuộc hạ cấp dưới, không giữ lại cho mình dù chỉ một xu.
Phạm Trọng Yêm thân là trọng thần có địa vị, nhưng nếu nhà không có khách, thì bữa cơm chỉ có một món mặn; cơm ăn áo mặc của vợ con cơ bản đều là tự túc.
Lo trước cái lo của thiên hạ
“Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” (lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ), là câu nói nổi tiếng của Phạm Trọng Yêm trong tác phẩm Nhạc Dương lâu ký.
Có điển tích kể rằng, Phạm Trọng Yêm từng mua một khu nhà vườn, dự định chuyển tới đó ở. Thầy địa lý nói rằng nơi đây phong thủy cực tốt, ắt sẽ không ngừng có người làm quan. Phạm Trọng Yêm nghe xong nói: “Nếu đã là vậy, thay vì một nhà hiển quý, chi bằng để lại cho thư sinh trong vùng Giang Tô, nếu có thể tới đây thụ nhận giáo dục, vậy mỗi người họ đều có thể hiển quý”. Vì thế nơi này đã được sửa lại thành trường học.
Một lần Phạm Trọng Yêm gọi con cháu tới mà nói: “Lúc nghèo khó, cuộc sống khó khăn, ta lo lắng cung dưỡng phụ mẫu, phu nhân của ta phải tự mình kiếm củi nấu cơm. Khi đã làm quan, thụ hưởng bổng lộc, ta thường lo lắng cho những kẻ hay oán hận, những người không biết tiết kiệm mà tham hưởng phú quý”.
Thụ nhận sự giáo dục đức hạnh của cha, bốn người con trai của ông sau này đều thành đạt, đều tài năng và đức độ. Mỗi người đều theo tâm nguyện của cha mình, trở thành những vị quan thanh liêm, phụng sự cho quốc gia và dân chúng.
Phạm Trọng Yêm từng nhận xét về các con rằng: “Thuần Nhân là người có chí, Thuần Lễ có tĩnh khí, Thuần Túy thì mưu lược giỏi”.
Sở dĩ gia tộc của Phạm trọng Yêm có thể hưng thịnh suốt 8 trăm năm mà không suy bại, là do ảnh hưởng bởi sự giáo dục, ngôn truyền thân giáo của ông.
Theo Sound Of Hope