Có người cứ mãi lận đận đường công danh, thi đâu rớt đó, làm gì cũng thất bại, oán trời trách đất không thấu… nhưng đằng sau nó là có nguyên nhân.

Đường công danh lận đận, đi thi nhiều lần không đỗ đạt

Trong “Duyệt vi thảo đường bút ký” của Kỷ Hiểu Lam vào thời nhà Thanh có chép lại một câu chuyện kể rằng, vào thời nhà Thanh có một lão học giả tên là Chu Mậu Quan, nói giọng miền Nam; không nhớ rõ ông là người ở địa phương nào.

Chu Mậu Quan nhiều lần đi thi mà không đỗ đạt, thường lui tới nhà của Hà Hoa Phong và Chu Tây Kình. Hà Hoa Phong vốn cũng họ Chu, hai người này có thể là họ hàng của Chu Mậu Quan. Năm Càn Long đầu tiên, Kỷ Hiểu Lam cũng từng tới bái kiến Chu Mậu Quan. Chu Mậu Quan là người bảo thủ và thận trọng, thực sự là một con mọt sách.

Chu Mậu Quan mỗi lần đi thi đều bị rớt chỉ vì một khuyết điểm nhỏ trong nét bút; hoặc là đã được thông qua rồi, nhưng cuối cùng lại bị loại cũng bởi vì một hai chữ nào đó. Kỳ thực đều là do giám khảo quá xoi mói bài làm của ông.

Ví dụ như đề mục có chữ Viết (曰), Chu Mậu Quan ngẫu nhiên ghi hơi hẹp một chút, thế là bị nhìn lầm thành chữ Nhật (日), vậy là bị đánh trượt. Hay như ông viết chữ Kỷ (己), đầu bút ngẫu nhiên hơi nhích lên một chút, giám khảo lại cho rằng ông viết chữ Dĩ (已), thế là đánh rớt.

Đường công danh; Đường công danh lận đận; Đường công danh trắc trở
Thi rớt vì những nguyên do không đâu (ảnh minh họa Kknews)

Kêu oan với Thần linh

Chu Mậu Quan u buồn uất ức. Có ngày ông đi đến đền Văn Xương và đốt một tờ cáo trạng, nói lên nỗi bất hạnh của mình. Trong đơn ông nói cả đời không làm việc xấu nào, vậy mà lúc nào cũng bị ngăn trở, áp bức; ông muốn kêu oan cho chính mình.

Vài ngày sau, ông nằm mơ thấy có một vị quan mặc áo đỏ, dắt ông đi đến một điện đường. Vị Thần ngồi phía trước kỷ án nói với ông rằng: 

“Ngươi cầu công danh không thuận lợi, lại đến oán trách Thần linh; tâm ngươi tràn đầy thất vọng, không biết nhân quả báo ứng. Kiếp trước ngươi là một vị quan trong Bộ viện. Bởi vì ngươi xảo trá, hay xuyên tạc chơi chữ, cho nên cả đời này phạt ngươi làm một con mọt sách; lại để cho ngươi không có nhiều năng lực. 

Bởi vì ngươi kiếp trước hay bắt bẻ văn chương của người khác. Ngươi biết rõ không sai mà cứ cố tình bới lông tìm vết; lại còn dựa vào cách này mà kiếm tiền. Cho nên phạt ngươi cả đời này chỉ vì nét bút mà bị trượt”.

Đường công danh là gì; Nhân quả báo ứng hiện đời; Nhân quả báo ứng là gì
Kiếp trước bắt bẻ văn chương người khác, kiếp này lỡ đường công danh (ảnh minh họa sogou)

Gieo nhân nào gặt quả nấy

Vị Thần chỉ vào một quyển sổ cho Chu Mậu Quan xem rồi nói: “Nói về vị giám khảo đã đánh trượt ngươi chỉ vì chữ Nhật (日). Người này kiếp trước là vợ của Âm Đức Bố (Yindebu) – vị quan đóng giữ ở Phúc Kiến. Bà là một người có tiết hạnh. Bởi vì muốn biểu dương nên bà đã làm một tờ trình, trong đó có viết chữ Âm (âm đọc là Yin) thành Ân (âm đọc là Yin giống chữ Âm). Đây là chữ hình thanh (lấy sự làm tên, mượn thanh để hợp thành), vốn là chữ chưa xác định. Ngươi lại cứ cố tình bắt bẻ tới lui, khiến cho vị quả phụ này tốn biết bao nhiêu tiền để làm đền thờ. 

Còn nói về vị giám khảo đã đánh rớt ngươi chỉ vì chữ Dĩ (已). Người này kiếp trước làm huyện lệnh mà phạm tội. Vốn là nên cắt bổng lộc của ông ta 3 năm 1 tháng. Ngươi lại vì sách nhiễu người ta không được, nên đã sửa chữ Tam (3) thành chữ Ngũ (5), sửa chữ Nhất (1) thành chữ Thập (10). Vậy là đã cắt bổng lộc của người đó 5 năm 10 tháng. 

Ngươi trong quá khứ đã tạo nghiệp, vậy nên đời này mới gặp cảnh ngộ như vậy, tự nhiên mà bị báo ứng. Ngươi có gì oan mà phải kiện cáo đây? Ngươi tốt nhất là nên thuận theo, không nên lại kiện cáo lung tung nữa. Ngươi nếu không tin, như vậy hòa thượng, đạo sĩ cũng sắp làm khó ngươi. Đến lúc đó ngươi sẽ thực sự hiểu ra”.

Thiện ác hữu báo không hề sai chạy

Nói xong liền đưa Chu Mậu Quan ra ngoài. Lúc này Chu Mậu Quan cũng tỉnh lại. Ông ngồi nghĩ lại thì không hiểu lúc nãy Thần nói “Hòa thượng, đạo sĩ làm khó” là có ý gì. Lúc ấy ông cũng đang ở trong một ngôi chùa. Vì sợ ‘hòa thượng và đạo sĩ làm khó’ nên ông nhanh chóng tránh đi chỗ khác.

Nhân quả báo ứng ba đời; Nhân quả báo ứng có thật; Nhân quả báo ứng có thật không
Nhân quả báo ứng công bằng, gieo nhân nào gặt quả nấy (ảnh minh họa Zhihu)

Về sau, đến năm Ung Chính thứ 13 (năm 1735), ông lại tham gia thi hương. Ban giám khảo đã có quyết định cho ông làm cử nhân thứ 13. Nhưng trong lần thi thứ 2, trong bài thi ông có đề cập đến luận thuật ‘tăng đạo bái phụ mẫu’. Trong đó có câu “lạy dài quân vương và phụ mẫu”. Giám khảo cho rằng câu này dư thừa, vì vậy mà đánh rớt ông. Chu Mậu Quan lúc ấy mới hiểu câu Thần nói “Hòa thượng đạo sĩ làm khó ngươi”, quả là không sai!

Chuyện trên đây là do Chu Mậu Quan lúc làm thầy dạy học ở nhà Trần Mô đã kể lại. Về sau Chu Mậu Quan không biết là đã đi đâu; đại khái là cuộc đời trầm lặng, sau đó chán nản mà qua đời.

Gieo nhân nào gặt quả nấy, thiện ác hữu báo không hề sai chạy, đường công danh của Chu Mậu Quan lận đận cũng vì đã gieo nhân ác trong kiếp trước.

Theo Vision Times