Rất nhiều các mối quan hệ đổ vỡ cũng chỉ vì một cơn nóng giận, vì vậy kiểm soát được cảm xúc của bản thân là điều rất quan trọng.

Mỗi người đều có tính cách và hoàn cảnh sống khác nhau, vậy nên mọi người cũng thể hiện sự tức giận theo những cách khác nhau. Có người thì nổi trận lôi đình, có người thì âm thầm chịu đựng, có người thì lại tự trách chính mình. Dù là kiểu tức giận nào thì điều quan trọng nhất là bạn phải hiểu rõ hình thái và lý do của cơn giận để có thể kiểm soát cảm xúc hiệu quả hơn.

Tạp chí Real Simple của Mỹ đã đưa ra 6 loại tức giận mà người ta hay gặp phải:

1. Cơn giận bùng nổ

Ví dụ: “Nếu bạn lại đặt áo khoác xuống sàn một lần nữa, tôi sẽ rời bỏ bạn”. Có lẽ sẽ cần nhiều sự việc dồn lại để có thể đẩy cảm xúc của bạn đến mức cực đoan; nhưng khi bạn bị đẩy đến cực hạn thì nó sẽ giống như núi lửa phun.  

Nguyên nhân: Không học được cách xử lý cơn tức giận; chỉ quen nhẫn chịu cho đến khi không thể nhẫn được nữa; vượt quá giới hạn thì sẽ bộc phát ra.

Tổn thương: Khi tức giận mà bạn nói hay làm việc gì thì sau đó thường sẽ cảm thấy hối hận.

Cách cải thiện: Chờ đến khi cơn giận qua đi. Ronald Efron, một chuyên gia kiểm soát cơn giận ở Calgary, Wisconsin, Hoa Kỳ nói rằng: “Phản ứng tức giận của thần kinh chỉ kéo dài 2 giây. Khi bạn tức giận thì hãy thầm đếm đến 10 để xem cảm xúc muốn bùng nổ đó có còn hay không”.

Kiểm soát cảm xúc là gì; Kiểm soát cảm xúc bản thân; Kiểm soát cảm xúc tiêu cực
Đừng để cơn giận bị dồn nén đến cực điểm (ảnh Adobestock)

2. Tự giận chính mình

Ví dụ: “Anh ấy không giúp tôi thì cũng đều là do lỗi của tôi. Tôi là một người vợ tồi tệ”. Bất cứ lúc nào bạn cũng đổ mọi tội lỗi cho bản thân.

Nguyên nhân: Có một lúc nào đó lòng tự trọng của bạn đã bị đánh bại. Vì vậy bạn cho rằng nổi giận với chính mình thì an toàn hơn là đi tức giận người khác.

Tổn thương: Việc thường xuyên trách móc chính mình có thể gây ra cảm giác thất vọng; thậm chí là trầm cảm.

Cách cải thiện: Học cách nhìn nhận tình huống thay vì chịu mọi trách nhiệm. Học cách đánh giá cao bản thân, liệt kê tất cả những ưu điểm của bản thân. Một trong những cách để ngừng than trách về bản thân đó là phải thiết lập được giá trị thực sự của bản thân.

3. Trốn tránh

Ví dụ: “Tôi ổn, không sao, mọi thứ đều ổn”. Mặc dù đã chuẩn bị đi tới cực hạn chịu đựng của bản thân, nhưng bạn vẫn nở một nụ cười để che đi sự tức giận của mình.

Nguyên nhân: Phụ nữ thường được khuyên là dù có như thế nào cũng nên tỏ ra là ổn. Nếu họ tức giận thì họ có thể mất đi danh tiếng, hôn nhân, bạn bè và công việc. Khi bạn lớn lên trong một gia đình đầy sự tức giận và ngược đãi, bạn rất khó tin rằng tức giận có thể được kiểm soát hoặc có thể được biểu hiện một cách bình tĩnh.

Tổn thương: Chức năng quan trọng nhất của sự tức giận là báo hiệu rằng có điều gì đó không ổn và cần được giải quyết. Coi thường lời cảnh báo này thì có thể sa vào hành vi tự hủy. Ví dụ như ăn uống quá độ, điên cuồng mua sắm.

Cách cải thiện: Thành thực đối mặt với cảm xúc của bản thân. Học cách đối diện với nó bằng một thái độ lành mạnh; nói với người làm phiền bạn một cách tích cực và mang tính xây dựng. Tất nhiên đối phương có thể ngạc nhiên và thậm chí tức giận vì điều đó; nhưng họ sẽ nhận ra sai lầm của mình và khắc phục nó.

Kiểm soát cảm xúc công sở; Kiểm soát cảm xúc tức giận; Kiềm chế cảm xúc
Chúng ta phải thành thực đối diện với cảm xúc của bản thân (ảnh Adobestock)

4. Châm chọc

Ví dụ: “Bạn đến muộn cũng không sao, để tôi có thời gian đọc thực đơn 40 lần”. Bạn vòng vo và cười nửa miệng để bày tỏ sự không hài lòng.

Nguyên nhân: Có thể bạn cho rằng việc bộc lộ cảm xúc tiêu cực một cách trực tiếp là không tốt nên bạn thể hiện chúng theo cách gián tiếp. Nếu mọi người có tức giận thì đó là lỗi của họ, không phải của bạn; vì dù sao bạn cũng chỉ đang nói đùa thôi mà?

Tổn thương: Mặc dù một số người khẳng định rằng chế nhạo là một khiếu hài hước thông minh; nhưng ngôn ngữ sắc bén có thể làm hỏng các mối quan hệ của bạn.

Cách cải thiện: Hãy thẳng thắn! Châm chọc là một hình thức giao tiếp phản kháng thụ động. Bạn có thể nói ra cảm giác thực của mình thay vì cứ phải mỉa mai người khác.

Kiếm chế cảm xúc trong giao tiếp; Kiềm chế cảm xúc nóng giận; Kiềm chế cảm xúc tiêu cực
Đôi khi bạn nên nói thẳng thay vì cứ mãi châm chọc người khác (ảnh Adobestock)

5. Phản đối tiêu cực

Ví dụ: “Ồ! Có phải tôi đã xóa tất cả các chương trình bóng chày cũ khỏi máy ghi hình kỹ thuật số không?” Bạn không che giấu hay kìm nén sự tức giận của mình, nhưng bạn thể hiện nó một cách không rõ ràng.

Nguyên nhân: Bạn không thích đối đầu nhưng cũng không dễ bị đối thủ đánh bại. Khi cảm thấy áp lực bên ngoài đe dọa, những người có tính cách thận trọng sẽ dễ có kiểu giận dữ phản đối tiêu cực.

Tổn thương: Bạn cảm thấy thất vọng về người khác, bạn sẽ làm cho người khác sống không được thoải mái. Nhưng bạn lại không sẵn lòng phấn đấu cho hạnh phúc của mình. Cuối cùng thì không ai cảm thấy hạnh phúc cả.

Cách cải thiện: Hãy nói với bản thân rằng tức giận là một cách để trút bỏ tâm lý; hãy nói với người khác rằng bạn cảm thấy mệt mỏi vì bị áp bức. 

Làm thế nào để kiểm soát cảm xúc? - 6 kiểu tức giận thường thấy
Dồn nén và che giấu cảm xúc cũng không phải là điều tốt, nó cần được bộc lộ một cách thích hợp (ảnh Adobestock)

6. Thói quen nổi nóng

Ví dụ: “Tôi quá mệt mỏi với việc bạn mượn bút của tôi! Hãy tự tìm cách đi!” Bạn có thể dễ dàng tức giận dù chuyện cũng không có gì đáng kể.

Nguyên nhân: Nếu bạn luôn không hài lòng thì có thể bạn đang có một số cảm giác như tức giận, hối hận hoặc thất vọng đang ẩn giấu trong lòng. 

Tổn thương: Nếu bạn luôn mất bình tĩnh, bạn bè, gia đình và nhân viên của bạn sẽ tốn nhiều công sức để tránh làm phiền bạn hoặc tránh ở bên bạn. Kết quả sẽ như thế nào? Bạn sẽ bị mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn.

Cách cải thiện: Đi thẳng vào cốt lõi của vấn đề, xem xem điều gì thực sự khiến bạn tức giận? Nếu bạn tìm hiểu sâu hơn thì bạn sẽ biết nguyên nhân thực sự của vấn đề. 

Kiểm soát cảm xúc không phải là dồn nén và chịu đựng, nó nên được đối đãi một cách thích hợp để dần dần bạn có thể làm chủ được cảm xúc của bản thân.

Theo Epoch Times