Lời hứa đáng giá ngàn vàng! Người xưa coi trọng chữ tín
Người xưa coi trọng chữ tín, một lời hứa đáng giá ngàn vàng, lời đã nói ra thì nhất định sẽ dành cả đời để thực hiện cho bằng được mới thôi.
- Một ngày vợ chồng, trăm ngày ân nghĩa – câu chuyện cảm động với bao người
- Vợ chồng đến được với nhau là do nhân duyên trời định
Nội dung chính
Hai nhà hẹn ước kết thành thông gia
Trình Duẫn Nguyên, tự là Hiếu Tư, nhà thuộc hàng danh gia vọng tộc ở khu vực Hoài Nam. Cha của anh là Trình Huân Trứ, buôn bán đậu quanh khu vực Hoài Dương trong năm Càn Long, thời nhà Thanh. Công việc buôn bán không tốt và ngày càng đi xuống, vì vậy mà bỏ nghề và đi tới kinh thành.
Ở huyện Bình Cốc, Bắc Bình (tên cũ của Bắc Kinh) có người tên là Lưu Đăng Dung, lúc ấy đang muốn vào kinh thành để chờ nhận chức quan ở Bộ tào; vừa hay lúc đó thì gặp Trình Huân Trứ ở một quán bên đường. Hai người trò chuyện với nhau rất vui vẻ. Đương lúc nói về chuyện con cái thì hai người giao hẹn là sẽ kết thông gia với nhau. Lúc ấy Lưu nữ và Trình tử tuổi còn nhỏ.
Về sau Lưu Đăng Dung nhận chức thái thú Bồ Châu, Hà Đông. Ông hơn 60 tuổi mà vẫn không có con trai; trong nhà chỉ có người vợ già, con gái thơ và mấy người nô tỳ mà thôi. Không lâu sau thì vợ Lưu Đăng Dung qua đời; thái thú buồn bã thê lương quá đỗi nên rồi cũng mắc bệnh.
Trước khi lâm chung ông nói với con gái: “Trình Duẫn Nguyên ở Hoài Nam là vị hôn phu của con. Cha mẹ hai nhà đã giao hẹn rồi, người làm mối cũng đã định ra như thế. Con cần phải ghi nhớ không được quên”. Không lâu sau thì Lưu Đăng Dung qua đời.
Lưu nữ giữ trọn trinh tiết đợi vị hôn phu
Còn nói về Trình Huân Trứ thì cũng mất sau khi Lưu Đăng Dung nhận chức quan được vài năm. Trình Duẫn Nguyên để tang một năm. Sau đó đang lúc định đi đến Sơn Tây thì nghe nói nhạc phụ bị bệnh qua đời. Vì vậy mà đi thẳng đến huyện Bình Cốc.
Tới nơi, anh nghe ngóng mấy người hàng xóm thì thấy nói rằng: “Lưu nữ sau khi làm tang cha xong thì không biết là đã đi đâu, để lại mấy gian nhà không. Đến nay cửa nhà vẫn đóng chặt”. Trình tử nghĩ, mình một thân nghèo khó, đi mấy ngàn dặm đường; tiền đi đường cũng dùng hết rồi, bây giờ biết làm như thế nào. Đương lúc loay hoay thì lại được hiệp khách Thích Phùng Nhất giúp đỡ, tặng ít tiền bạc. Lúc này Trình Huân Trứ mới có thể trở về miền Nam.
Mà Lưu Đăng Dung bởi vì là vị quan thanh liêm chính trực, nên sau khi chết thì cũng không dư ra bao nhiêu tiền. Lưu nữ đành phải làm nghề thêu thùa may vá để sống qua ngày. Người ở quê đa phần đều cho rằng nàng là người hiền thục dịu dàng; bởi vậy người cầu hôn cứ chen nhau mà đến, nườm nượp không ngớt. Lưu nữ lần nào cũng phải nói là mình có hôn phu rồi. Nhưng những người đó cứ không chịu tin.
Chấp nhận ở ẩn để tránh thị phi
Lưu nữ có một người cô, xuất gia làm ni cô ở ‘Tiếp Dẫn Am’ tại Tân Môn. Lưu nữ vì muốn tránh những người làm mai mối nên đành phải vào trong am và nhờ vào người cô. Lão ni khuyên cô cũng quy y đi thôi. Lưu nữ nói:
“Thân thể đã gửi ra ngoài, chịu ơn cha mẹ, không dám phá hủy? Hơn nữa phụ thân trong lúc hấp hối, đã ân cần dặn dò là con có hôn ước với người họ Trình. Con làm sao lại dám vi phạm lời ước hẹn này được? Con vì bất đắc dĩ nên mới tìm đến chỗ của cô; cũng là để cho hàng xóm láng giềng khỏi nói ra nói vào. Về phần cạo đầu xuất gia, quy y cửa Phật, thay đổi dung mạo bề ngoài, con thực sự là không dám tuân mệnh”.
Vì vậy mà Lưu nữ từ đó về sau ở ẩn trong mật thất. Hàng ngày đều ngửa mặt lên trời âm thầm cầu khẩn, mong có thể được gặp Trình Duẫn Nguyên một lần, như vậy thì có chết cũng không hối hận.
Giữ trọn chữ tín
Trình Duẫn Nguyên sau khi trở về nhà, mỗi ngày cuộc sống lại càng thêm khó khăn. Có người khuyên anh nên tìm một người khác để kết duyên. Nhưng Trình Duẫn Nguyên buồn bã mà nói: “Lưu nữ sinh tử tồn vong còn chưa biết được. Nếu như chết rồi, thì tất chuyện này sẽ xong. Nếu như nàng còn sống, một mực vì tôi mà giữ trinh tiết, chờ đợi nơi khuê phòng; vậy thì tôi làm sao có thể bỏ rơi nàng được”.
Trình Duẫn Nguyên cứ như vậy mà một thân một mình sống hơn 30 năm, cho tới gần 50 tuổi, cơm rau dưa đạm bạc vẫn không thể như ý. Về sau anh xin được một vị trí trong đội thuyền vận chuyển, đi theo thuyền ngang dọc Nam Bắc.
Tháng 4 năm Đinh Dậu thời Càn Long, thuyền đỗ ở Tân Môn. Trình Duẫn Nguyên từ thuyền bước lên bờ và vào một quán trà để uống nước. Trùng hợp lúc đó lại có người đàm luận về chuyện của Lưu nữ, anh cẩn thận nghe ngóng, cuối cùng thì biết được tin tức của Lưu nữ.
Hoàn thành lời ước hẹn
Anh lập tức đi đến ‘Tiếp Dẫn Am’ để cầu kiến. Lão ni đã kể lại cho anh toàn bộ sự việc. Sau đó lão ni lại kể lại cho Lưu nữ nghe. Lưu nữ nói: “Đào và mai quý ở chỗ có thể hái kịp thời. Con bây giờ cũng già rồi, nếu như bằng lòng cùng anh ấy ký kết hoa chúc, hoàn thành hôn phối. Người ngoài biết được chắc là sẽ cười chê, cho là quái dị. Con kính tạ thành ý của Trình quân, chỉ trách con duyên phận bạc bẽo, con còn biết nói thế nào nữa đây?”. Trình tử thành tâm cầu khẩn hết lần này đến lần khác, nhưng Lưu nữ vẫn nhất định không đồng ý.
Trình Duẫn Nguyên bất đắc dĩ mà đi đến huyện nha và nói sự việc này cho huyện lệnh Kim Chi Trung. Huyện lệnh Kim là người lương thiện, toàn tâm toàn ý vì người dân. Ông nghe xong sự việc thì lập tức đi đến ‘Tiếp Dẫn Am’, ra sức khuyên bảo. Ngày hôm sau, cuối cùng Lưu nữ cũng chấp nhận vào nhà môn, cùng với Trình Duẫn Nguyên thành hôn, kết làm vợ chồng.
Lời hứa đáng giá ngàn vàng
Huyện lệnh Kim Chi Trung không chỉ thành toàn cho hai người, mà còn giúp cho hai vợ chồng có tiền lộ phí để trở về nhà; cũng hết lời khen ngợi hai vợ chồng có tình có nghĩa. Ông cũng đề xuất mấy vị thương nhân và thân sĩ buôn bán đậu ngày xưa giúp đỡ cho họ. Nhờ có lời của vị quan huyện, người đến giúp đỡ rất nhiều, từ tiền bạc đến vật tư. Vậy là hai người có thể mua thuyền trở về Nam, xây dựng lại nhà cửa, an tâm làm ăn, giản dị tiết kiệm mà sống qua ngày.
Có thương nhân đi từ Hoài Nam trở về nói rằng, Trình Duẫn Nguyên sau khi trở về Nam thì liên tiếp sinh được hai con trai. Lưu nữ đến 60 tuổi mà vẫn có thể mang thai, việc này xưa nay cũng là chưa từng có. Quả thực trời xanh đã cảm động và ban thưởng cho hai người.
Chỉ vì một lời hẹn ước mà chờ đợi hơn 30 năm, người xưa coi trọng chữ tín, quả thực một lời hứa đáng giá ngàn vàng!
Theo Vision Times