Đôi lúc bạn thấy thất vọng với chính mình vì gần đây bạn hay phán xét, chỉ trích và không thể cảm thông với người khác như mong muốn nữa.

Giới thiệu tác giả: Leo Babauta là tác giả của sáu cuốn sách và là tác giả của Zen Habits, một blog có hơn 2 triệu người đăng ký. Zen Habits hướng đến việc tìm kiếm sự đơn giản và chánh niệm trong cuộc sống hỗn loạn hàng ngày của chúng ta. Đó là việc dọn dẹp những thứ lộn xộn để chúng ta có thể tập trung vào những gì quan trọng, tạo ra điều gì đó tuyệt vời, tìm thấy hạnh phúc. 

Rất nhiều người trải qua điều này: hay phán xét, nhanh chóng chỉ trích người khác, bực bội với cách người khác hành động, phán xét những người có niềm tin khác với mình.

Độc giả đã viết thư cho tôi thực sự ý thức được việc mình đang phán xét – hầu hết chúng ta thậm chí không nhận ra mình đang làm điều đó. Chúng ta nghĩ rằng mình đúng khi phán xét, thất vọng, nổi giận với người khác.

Ngược lại, độc giả này nhìn thấy những hành động kém thân thiện của mình và thấy chúng không phù hợp với lòng tốt mà mình hướng tới, không nhân hậu như tâm hồn vốn có. Anh ấy nhìn thấy những hành động kém thân thiện và muốn thay đổi chúng. Điều đó thật đáng mừng.

Trong phần mở đầu này, tôi muốn nói về cách để hiểu biết hơn về chính mình và sau đó là cách để có lòng từ bi trong chánh niệm hàng ngày. Tất nhiên, tôi cũng không khác mọi người, cũng hay phán xét và kém nhân ái như bất kỳ ai khác, vì vậy tôi không muốn tạo ấn tượng rằng mình cao hơn bất kỳ ai. 

Tôi nghĩ điều này rất quan trọng: khi phán xét, nó sẽ làm tổn hại đến mối quan hệ với người khác và khiến chúng ta thất vọng. Chúng ta có thể hóa giải tất cả những điều đó, hạnh phúc hơn và yêu thương người khác cũng như chính mình hơn.

Một cuốn sách về sự hiểu biết và lòng từ bi
Khi phán xét, nó sẽ làm tổn hại đến mối quan hệ với người khác và khiến chúng ta thất vọng (Pixabay)

Những điều cơ bản của sự hiểu biết

Khi cảm thấy thất vọng với người khác, khi nhận thấy mình đang phán xét người khác… chúng ta có thể sử dụng điều này như một dấu hiệu cho thấy đã đến lúc cố gắng hiểu người khác.

Chúng ta luôn phán xét mọi người:

  • Họ đang hành động tồi tệ, vì vậy chúng ta thất vọng về họ.
  • Họ ăn khác chúng ta nên chúng ta nghĩ họ sai.
  • Họ sống khác chúng ta nên chúng ta nghĩ họ ngu ngốc.
  • Họ có quan điểm chính trị khác với chúng ta nên chúng ta nghĩ họ đang bị lừa dối.
  • Họ thừa cân, nghèo khó, khác tôn giáo, ăn nói kém cỏi, ăn mặc tồi tàn, lúc nào cũng sử dụng điện thoại, chụp ảnh tự sướng quá nhiều, quan hệ tình dục quá nhiều, quá thận trọng, v.v.

Chúng ta không coi tất cả những điều này là mang tính phán xét, nhưng thực tế là như vậy. Vì vậy, khi chúng ta đang làm điều đó, hãy sử dụng nó như một hồi chuông chánh niệm.

Đây là những gì bạn có thể làm khi tiếng chuông chánh niệm vang lên:

  • Tìm cách để hiểu. Thay vì có ý kiến ​​ngay lập tức về ai đó, hãy thử thách bản thân tò mò. Hãy xem liệu bạn có thể cố gắng hiểu người đó thay vì nghĩ rằng họ đã sai hay không. Nếu đang đánh giá ai đó, chúng ta không hiểu họ. Chúng ta thiếu kiến ​​thức nên hay phán xét.
  • Hỏi xem bạn có thể tìm được lời giải thích có tâm. Hãy hỏi xem bạn có thể giải thích hành vi của người khác một cách thiện chí như thế nào. Đối mặt với một hành động, thái độ của người khác, có thế có các cách giải thích khác nhau. Bạn có thể giải thích rằng đối phương thiếu suy nghĩ, thiếu hiểu biết, sai lầm. Và cũng có thể giải thích người kia có ý tốt. 

Điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng nếu ai đó đang làm điều gì đó khiến bạn khó chịu, bạn có thể nghĩ rằng họ chỉ đang cố tỏ ra vui vẻ. Khi ai đó đả kích bạn, họ có thể đang cảm thấy sợ hãi, có lẽ họ muốn bảo vệ trái tim mong manh của mình. 

Luôn có một cách tốt để giải thích một hành động, thậm chí là một hành động mà chúng ta có thể cho là xấu xa. Không cần phải tha thứ cho hành động đó nhưng chúng ta có thể nhìn thấy tấm lòng dịu dàng ẩn chứa bên dưới nó.

  • Hãy nhớ cảm giác trải qua khó khăn đó như thế nào. Tất cả chúng ta đều đã trải qua nỗi sợ hãi, thất vọng, lo lắng, bất an, muốn thoát khỏi sự khó chịu. Nếu nhìn thấy được thiện ý đằng sau hành động đó thì chúng ta có thể thấy được khó khăn mà họ đang gặp phải. Và chúng ta có thể nhớ cảm giác gặp khó khăn tương tự – nhớ nỗi đau, sự sợ hãi, thất vọng, tức giận, đau buồn đi kèm với khó khăn đó.

Một khi chúng ta bắt đầu hiểu con người và hành động của họ, nhìn thấy tấm lòng nhân hậu đằng sau hành động, đồng cảm với khó khăn của họ… chúng ta có thể bắt đầu thể hiện lòng trắc ẩn.

Một phương pháp từ bi đơn giản

Nếu bạn có thể đồng cảm với những khó khăn của người khác, thì bạn có thể thể hiện lòng trắc ẩn với họ:

  • Nếu họ đang phải chịu đau đớn hoặc căng thẳng, bạn chỉ cần cầu mong nỗi đau hoặc căng thẳng đó chấm dứt.
  • Bạn cũng có thể mong họ được hạnh phúc.
  • Bạn thậm chí có thể gửi tình yêu từ trái tim mình đến trái tim họ.

Một thực hành tốt hàng ngày là thiền từ bi. Hãy thử điều này chỉ trong vài phút mỗi ngày:

  • Đơn giản chỉ cần ngồi yên và tưởng tượng bản thân đang đau đớn hoặc căng thẳng (do hành động của bạn hoặc do những thứ khác). Hãy cảm nhận nó trong cơ thể bạn.
  • Chúc bản thân hạnh phúc. Chúc bạn chấm dứt những khó khăn. Hãy dành cho mình một chút tình yêu.
  • Bây giờ hãy lặp lại điều này với người thân, hình dung họ đang đau đớn. Cầu mong họ chấm dứt khó khăn, cầu mong họ hạnh phúc, gửi đến họ tình yêu thương.
  • Lặp lại quá trình này với một người bạn tốt, một đồng nghiệp, một người hàng xóm và một người lạ.
  • Cuối cùng, hãy hình dung mọi người trên thế giới và cầu mong họ được hạnh phúc và chấm dứt khó khăn.

Có thể chỉ mất một vài phút mỗi ngày để thực hành loại thiền này. Nó giúp nuôi dưỡng lòng từ bi bên trong chúng ta. Khi bạn thấy người khác đấu tranh, bạn sẽ nhận thấy điều này thường xuyên hơn và mong họ chấm dứt cuộc đấu tranh đó. Sẽ mất một thời gian, nhưng nếu bạn làm điều này hàng ngày (hoặc gần nhất có thể), tôi tin rằng bạn sẽ thấy sự khác biệt.

Bạn có thể thực hành lòng từ bi và sự thấu hiểu qua lớp thiền định miễn phí online tại đây.

Theo Leo Babauta-The Epoch Times