Tiền tài cần thiết trong cuộc sống, nhưng có thể là khởi nguồn của bất hạnh. Cổ nhân đã đúc kết rằng “Người chết vì tiền tài, chim chết vì miếng ăn”.

Có lẽ nhiều người sẽ bất ngờ khi nghe câu nói này. Trong quan niệm của phần lớn con người thời nay, tiền tài là mục tiêu cuộc sống; mọi nỗ lực vất vả đều để có được nhiều tiền hơn.

Mặt trái của tiền tài danh lợi

Theo lẽ thường, cái gì cũng có tính hai mặt. Đối diện với tiền tài, lòng người dễ bị khuấy động, thật khó để sáng suốt.

Trang Tử vốn nhìn xa trông rộng, ông từng nói: “Ngoại trọng giả nội chuyết”. Có nghĩa là, một người càng xem trọng tiền bạc thì càng dễ đánh mất đi nội tâm của mình.

Thực ra con người rất khó làm chủ bản thân, chỉ cần một chút sự việc xảy ra tâm tình liền xao động. Huống hồ thế giới hiện đại này khắp nơi đều là mê hoặc, nhà cao cửa rộng, xe sang mỹ nữ, danh lợi tiền tài… giống như là gió lốc, không ngừng khuấy động tâm can. Nếu bị cuốn theo dòng mà xem trọng những thứ đó, bạn sẽ không cách nào trở lại với bản tính thuần thiện nguyên sơ của mình. 

Xưa có chuyện Tôn Thúc Ngao được vua phong làm lệnh doãn nước Sở, quan lại, bách tính trong cả nước đều tới chúc mừng. Nhưng người cha già lại mặc đồ tang tới chia buồn.

Ông có dụng ý nhắc nhở con trai rằng những người xuất thân thấp kém sau khi tại vị nơi cao, trong cơn thèm khát theo đuổi quyền lực, danh lợi, rất khó giữ vững bản thân, mà mê lạc trong quyền thế, phú quý. Họ chẳng thể vui vẻ với cảnh bần hàn, giữ gìn đạo đức, phẩm hạnh của bản thân, từ đó mất đi cái gốc làm người.

Lời dạy của cổ nhân vẫn còn vang vọng đến hôm nay. Có những người chỉ vì tiền tài mà mất đi cả mạng sống.

Nguồn gốc câu “Người chết vì tiền tài, chim chết vì miếng ăn”

Vào thời cổ đại, trong thôn làng nằm bên cạnh bờ sông có một tên vô lại là A Tam. Anh ta hết ăn lại nằm, luôn muốn “không phải làm mà được hưởng thụ”. Anh ta đến khắp nơi tìm kiếm xem có chỗ nào có thể không cần làm mà được phát tài, giàu có.

Vừa hay, ở nơi A Tam sinh sống cũng có một con chim to lớn, rất tham lam và cũng rất hung ác. Mỗi ngày nó đều ăn thịt những con dê mà người dân trong vùng nuôi. Thời gian lâu sau, những người dân trong vùng vì thế mà chuyển đến nơi khác sinh sống. Bắt đầu từ đó, đồ ăn đối với con chim trở thành một vấn đề lớn.

Một hôm, A Tam nằm trong sân vừa phơi nắng vừa mộng tưởng được giàu có thì con chim từ trên trời sà xuống. A Tam sợ hãi vội vã trốn vào trong nhà. Con chim nói với A Tam: “Chẳng phải ngươi muốn giàu có sao? Ta có thể giúp được ngươi!”.

A Tam vừa nghe thấy từ “giàu có” thì lập tức quên hết sợ hãi, từ trong phòng ló đầu ra hỏi: “Làm thế nào để được giàu có?”

Nguồn gốc câu Người chết vì tiền tài chim chết vì miếng ăn
Con người thường ham muốn giàu có, càng có nhiều vàng bạc lại càng thích. (Ảnh minh họa: pinterest).

Con chim trả lời: “Ở sâu trong biển Đông có một hòn đảo nhỏ, khắp cả hòn đảo nhỏ này đều là vàng. Ta sẽ đưa ngươi đến đảo để nhặt vàng. Sau khi trở về, ngươi trả cho ta mỗi ngày một con dê là được!”

A Tam suy ngẫm thấy vụ thương lượng này có lợi cho mình liền gật đầu đồng ý. Con chim to nói bổ sung thêm: “Nhưng trước khi trời sáng chúng ta phải nhanh chóng rời khỏi đảo. Nếu không, chúng ta sẽ bị ánh sáng mặt trời cao ngàn trượng thiêu cháy”.

Kết cục bất hạnh cho những ai tham lam

A Tam không chờ đợi thêm được nữa. Anh ta sốt ruột nói: “Biết rồi! Biết rồi!”

Con chim liền cõng A Tam trên lưng, bay qua núi cao, lướt qua biển rộng, cuối cùng cũng đến được hòn đảo nhỏ ấy. A Tam mở to mắt nhìn, chỉ thấy trải dài trên hòn đảo đều là vàng óng ánh. Anh ta bắt đầu nhặt một cách vội vã. Anh ta một mực tập trung nhặt vàng và không còn nhớ đến lời cảnh báo của con chim “phải rời khỏi đảo trước khi mặt trời mọc”.

Người chết vì tiền tài chim chết vì miếng ăn
Con chim đã dặn phải rời khỏi đảo trước khi mặt trời mọc. (Ảnh minh họa: duytom.com).

Chẳng mấy chốc trời đã sáng. Con chim to liên tục thúc giục A Tam mau rời khỏi đảo, nhưng anh ta luôn miệng nói: “Chờ một chút!”. Cuối cùng, con chim thấy tình hình không ổn, nó liền bỏ lại A Tam mà bay lên không trung. Ngay tại thời khắc ấy, mặt trời nhô lên, A Tam vì mải nhặt vàng đã bị lửa thiêu cháy.

Con chim to càng nghĩ càng tức giận. Nó nghĩ mình đã cõng A Tam đi xa như vậy, kết quả lại không được thứ gì cả. Nó càng nghĩ càng bực mình, dê cũng không được ăn mà ngay cả thi thể A Tam cũng không được miếng nào. Cuối cùng nó quyết định bay trở lại hòn đảo, lấy A Tam làm bữa tiệc lớn. Nhưng nó chỉ mải ăn mà quên mất thời gian. Mặt trời lại một lần nữa mọc lên và con chim tham lam ấy cuối cùng cũng phải chịu kết cục giống như A Tam.

Con người cần tự cảnh tỉnh bản thân Người chết vì tiền tài
Con người phải kiểm soát được tâm mình, đặc biệt trước tiền tài vật chất. (Ảnh minh họa: Cafebiz).

Lời kết

Con người suốt một đời lao tâm khổ tứ, rốt cuộc vì điều gì? Nỗ lực để có tiền tài, những mong cuộc sống sung túc, dễ dàng hơn một chút. Nhưng chua xót thay, tiền bạc có thể làm méo mó tâm thái con người, dục vọng có thể chi phối con người đến mức hủy hoại chính mình.

Đức Phật dạy rằng tiền bạc thế gian là con rắn độc đáng sợ. Quả đúng như vậy, đối diện với tiền tài cần phải dè chừng, cẩn trọng. Càng có nhiều tiền, càng nên xem nhẹ. Biết chừng mực là then chốt của nhân sinh.

Cổ nhân đã đúc kết “Người chết vì tiền tài, chim chết vì miếng ăn”, đó là lời giáo huấn có ý nghĩa xuyên suốt mọi thời đại.

Xem thêm: