Tức giận làm bạn không kiểm soát được bản thân và nói ra những lời làm tổn thương người khác, dưới đây và cách nhận biết và khống chế cơn nóng giận.

Cách nhận biết sự giận dữ

Nhận biết thông qua dấu hiệu thể chất: Khi bắt đầu cảm thấy tức giận thì cơ thể sẽ có những dấu hiệu thể chất. Việc quan sát những biến đổi của cơ thể sẽ giúp bạn nhận ra được nó. 

Một số dấu hiệu thể chất có thể bao gồm: Cứng hàm và căng cơ; đau đầu hoặc dạ dày; tim bắt đầu đập nhanh; ra mồ hôi, kể cả ở lòng bàn tay; mặt đỏ; cơ thể hoặc tay trở nên run rẩy; cảm thấy choáng váng, chóng mặt v.v.

Nhận biết thông qua dấu hiệu cảm xúc: Cảm xúc của bạn đột nhiên trở nên bất thường, từ đó dần dần dẫn tới cảm giác tức giận. 

Một số dấu hiệu cảm xúc mà bạn có thể bắt gặp bao gồm: Khó chịu; buồn bã; chán nản; tội lỗi; oán hận; lo lắng; phòng thủ v.v.

Bạn từng có những cảm giác giống như vậy chưa? Nếu bạn để ý kỹ thì đó chính là thời điểm mà cơn nóng giận chuẩn bị bùng nổ.

Không làm tổn thương người khác; Nóng giận mất khôn; Đừng nóng giận; Đừng tức giận
Nhận biết cơn nóng giận cũng là một cách làm cho nó suy yếu (ảnh minh họa Adobestock)

Khi đã nhận biết được nó rồi, thì việc tiếp theo bạn cần làm là phải tìm cách hạ nhiệt dần dần và tiến tới kiểm soát để cơn nóng giận không bộc phát ra ngoài.

Cách kiểm soát cơn nóng giận để không làm tổn thương người khác

Hít thở sâu

Cách này thường tỏ ra rất hiệu quả để hạ bớt cơn nóng giận. Nó vừa giúp bạn lấy lại nhịp thở bình thường, vừa cho bạn một khoảng thời gian để có thể bình tĩnh trở lại.

Bạn có thể thử cách hít thở như sau: Hít vào và đếm từ một đến bốn, giữ bốn nhịp và thở ra cũng trong bốn nhịp. Bạn cứ lặp lại như thế cho đến khi cảm thấy bình tĩnh hơn.

Đếm đến mười

Nếu cách trên không hiệu quả thì bạn cũng có thể thử đếm từ một đến mười. Đếm càng chậm rãi càng tốt; chủ yếu là việc này sẽ cho bạn thời gian để có thể suy nghĩ kỹ hơn về tình huống đang xảy ra. Cứ mỗi vòng lặp lại thì tin rằng hỏa khí trong người bạn lại nguội đi đôi chút.

Thay đổi hoàn cảnh

Nếu bạn cảm thấy không thể nào đối diện với người hay sự việc trước mặt, vậy thì tốt nhất là hãy bỏ đi chỗ khác. Khi không còn hình ảnh kích thích tức giận trước mặt thì bạn tự nhiên cũng có thể trở nên bình tĩnh hơn. Ngoài ra, việc đi bộ cũng có thể giúp tinh thần đỡ căng thẳng và giải phóng bớt năng lượng. 

Đừng nói khi nóng giận; Đừng quyết định khi nóng giận; Đừng nói khi đang nóng giận
Hít thở sâu, thay đổi hoàn cảnh cũng là cách giúp bạn bình tĩnh hơn (ảnh minh họa Adobestock)

Tuy vậy, 3 cách trên chỉ là giải quyết tình huống cấp bách, giúp bạn không nói hay làm những việc thất thố khiến người khác tổn thương. Nếu muốn chuyện này không lặp lại quá thường xuyên thì bạn nên tìm cách để hiểu sâu hơn về cơn nóng giận của mình.

Phân tích sâu hơn về sự nóng giận

Khi bạn đã thực sự bình tĩnh trở lại và có một không gian cho riêng mình, vậy thì hãy thử tìm hiểu xem vì đâu mà bạn lại tức giận?

Bạn có thể tự đặt ra các câu hỏi và đối diện chân thành với chính mình. Phải chăng bạn muốn kiểm soát hành động của người khác mà không được? Người khác không làm được như bạn kỳ vọng? Ai đó đang muốn điều khiển bạn? Người khác hiểu lầm bạn? Tức giận với chính mình vì một sai lầm nào đó? Phải chăng bạn tức giận là để chạy trốn sự đau đớn và cổ vũ tạm thời cho lòng tự tôn?…

Khi đã tìm ra nguyên nhân của sự tức giận rồi, bạn có thể từ từ đối diện với nó một cách lý trí, làm tiêu hao bớt năng lượng của nó; mãi cho đến khi bạn có thể hoàn toàn vượt qua được nó. Chỉ có như vậy thì sau này gặp lại sự việc tương tự bạn mới không nóng giận.

Chấp nhận sự khác biệt để nâng cao khả năng nhẫn nại

Như bạn có thể thấy, sự tức giận đa phần đều đến từ sự không hài lòng của bạn, có thể là không hài lòng về người khác, về hoàn cảnh, về chính bạn. Nếu bạn có thể chấp nhận càng nhiều sự khác biệt thì có lẽ sẽ càng ít người hay việc có thể làm cho bạn tức giận.

Tức giận là gì; Tức giận hại gan; Tức giận không kiểm soát
Nguồn gốc thực sự của cơn nóng giận là đến từ bên trong bạn (ảnh minh họa Adobestock)

Đôi khi đúng sai không hoàn toàn là vấn đề, mà vấn đề nằm ở chính dung lượng tâm của bạn. Nếu tâm bạn rộng lớn thì việc to cũng hóa nhỏ, việc nhỏ hóa hư không. Nếu tâm bạn hẹp hòi thì đụng việc gì cũng có thể từ bé xé ra to; hơn nữa nhìn ai cũng thấy không thuận mắt.

Bạn tức giận là do ngoại cảnh, nhưng cái gốc lại đến từ bên trong bạn. Kiểm soát ngoại cảnh là bước ban đầu, thay đổi tâm tính bên trong là bước tiếp theo mà bạn nên làm. 

Dù là ai thì cũng nên học cách nhận biết và kiểm soát cơn nóng giận để không làm tổn thương người khác.

Tổng hợp

Xem thêm video: