Nhân vô thập toàn, sự vô hoàn mỹ, làm người phải tu dưỡng không ngừng
Nhân vô thập toàn, con người không ai là hoàn hảo cả; nhưng cũng không nên lấy đó làm cái cớ để biện minh cho sai lầm của bản thân.
- Làm việc đừng quá cứng nhắc, làm người đừng quá khôn lanh
- Biết mà không nói là một cảnh giới đời người
“Nhân vô thập toàn” có nhiều nội hàm khác nhau
Người xưa có câu: “Kim vô túc xích, nhân vô hoàn nhân” – Vàng không thuần khiết, người không hoàn hảo. Làm người mà không mắc sai lầm là điều khó. Nhưng nói “nhân vô thập toàn” cũng không có nghĩa là chúng ta có thể buông lỏng bản thân; câu này có nhiều nội hàm khác nhau.
Có một số người hay dùng câu này để bao biện cho khuyết điểm của mình và không muốn sửa đổi, không muốn nghe lời góp ý của người khác. Coi tính xấu của bản thân như là đặc tính riêng của mình; như vậy thì lại không đúng với dụng ý của cổ nhân.
Người xưa nói ra câu này cũng là để cho chúng ta không ngừng sửa chữa bản thân cho đến mức hoàn hảo nhất có thể. Không nên tự cao tự đại, vì con người đang ở trong mê, có thể không mắc sai lầm sao? Vậy nên phải luôn khiêm nhường học hỏi để hoàn thiện chính mình.
Nhân vô thập toàn còn được dùng để bao dung cho lỗi lầm của người khác. Đừng chỉ vì một điểm không tốt của đối phương mà phủ nhận hết những điều tốt đẹp nơi họ. Đời người vô thường, khó biết được ngày mai sẽ ra sao, bao dung với người khác cũng là mở ra cho mình một con đường.
Trong sách “Vi lô dạ thoại”, tác giả Vương Vĩnh thời nhà Thanh viết rằng: “Nghiêm khắc với bản thân, thường trách mình mà không trách người, đó là cách tốt nhất để tránh xa oán hận. Chỉ tin mình mà không tin người, đó là nguyên nhân chủ yếu làm việc bị thất bại”. Dụng ý cũng là khuyên chúng ta đừng suốt ngày bắt bẻ người khác, giữ cho mình một chút khẩu đức, chừa lại đường lui cho bản thân.
Đừng cố làm hài lòng tất cả mọi người
Ngoài ra, “nhân vô thập toàn” còn có một ý nghĩa là: Sống ở trên đời, để làm vừa lòng tất cả mọi người là việc không thể. Có một danh nhân từng nói: “Tôi không biết chìa khóa thành công là gì, nhưng tôi biết chìa khóa thất bại là cố gắng làm vừa lòng tất cả mọi người”.
Về việc này, có một câu chuyện kể về vị tướng tài ba Hứa Kinh Tôn vào thời nhà Đường. Kể rằng, một ngày nọ, Đường Thái Tông hỏi Hứa Kính Tôn: “Trẫm thấy khanh không phải là phường sơ bạc, sao lại có nhiều điều tiếng về khanh?”
Hứa Kính Tôn đáp: “Thưa bệ hạ! Mùa xuân mưa tầm tã như dầu, khiến nông dân vui mừng vì mùa màng tươi tốt, nhưng những kẻ bộ hành lại vì đường đi trơn trượt mà khó chịu.
Trăng mùa thu sáng tỏ vằng vặc như gương treo trên trời, thi nhân nâng chén thưởng nguyệt, thích thú ngâm thơ, nhưng kẻ đạo chích (ăn trộm) lại vì ánh Trăng quá sáng mà căm ghét.
Thiên địa vốn vô tư không thiên vị, nhưng chuyện nắng mưa vẫn bị thế nhân oán trách. Hạ thần vốn không phải người vẹn toàn thì làm sao tránh khỏi điều tiếng chỉ trích chê bai?
Cho nên hạ thần nghĩ, với lời thị phi thì nên bình tâm suy xét. Thiên tử tin lời thị phi thì quan thần bị hại; cha mẹ tin lời thị phi khiến con cái bị ruồng bỏ; vợ chồng tin lời thị phi ắt gia đình ly tán. Điều tiếng của thế gian độc hơn rắn rết, bén hơn lưỡi giáo gươm đao, giết người không thấy máu”.
Người cầu toàn thường hay mệt mỏi vì chuyện không như ý; người cẩu thả lại quá buông lơi khiến việc không thành. Nhớ câu “nhân vô thập toàn” để lòng được nhẹ nhàng hơn, chỉ cần luôn nhớ tu dưỡng bản thân và trở thành người tốt hơn là được rồi!
Tổng hợp