Có những việc bạn không chú ý, nhưng chính nó lại khiến bạn trở thành người khó gần, và dần dần không còn ai muốn chơi với bạn nữa.

Bạn có bao giờ bước vào một căn phòng đầy người lạ, cảm thấy hưng phấn, nhưng sau một hồi lại thấy chỉ có bản thân đứng một mình ở đó, trong khi mọi người đang nói chuyện rôm rả xung quanh?

Bạn cũng không cô đơn đâu, có nhiều người cũng bị rơi vào tình huống giống như bạn. Có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng dưới đây là một vài thói quen khiến bạn vô tình trở nên khó gần mà bạn không nhận ra:

1. Bạn hiếm khi cười

Một nụ cười ấm áp và chân thành là một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất của một người dễ gần. Nếu bạn hiếm khi cười, thì sẽ tạo cho người khác cảm giác lạnh lùng hoặc không có hứng thú, điều này có thể khiến người khác không dám nói chuyện với bạn.

Có thể bạn sẽ thấy hơi gượng ép khi cười, nhưng một nụ cười xã giao cũng không hại gì, mà nó lại cho người khác thấy rằng bạn có thiện ý muốn nói chuyện. Nếu bạn là người cực kỳ ít cười, vậy có thể cũng nên học cười một chút.

Mặc dù không nhất thiết lúc nào nụ cười cũng phải ở trên môi, nhưng nỗ lực cười nhiều một chút, đặc biệt là vào những lúc bế tắc, một nụ cười có thể phá vỡ mọi chướng ngại và khiến người khác có ấn tượng tốt về bạn.

2. Than phiền quá nhiều

Không ai thích một người luôn phàn nàn, ở bên cạnh họ có thể khiến bạn mệt mỏi, cạn kiệt sức lực.  

Khi bạn thường xuyên phàn nàn, cho dù đó là về công việc, cuộc sống cá nhân hay thậm chí là các sự kiện thế giới, bạn đang tạo ra bầu không khí tiêu cực khiến người khác không muốn tiếp cận bạn. 

Khó gần là gì; Khó gần nghĩa là gì; Khó gần là sao; Người có khuôn mặt khó gần
Không ai thích gần gũi với người suốt ngày phàn nàn (ảnh minh họa Adobestock)

Mặc dù nói ra những nỗi thất vọng của bản thân là điều tự nhiên, nhưng bạn cần hiểu rằng, tập trung vào những điều tồi tệ trong cuộc sống sẽ chỉ khiến bạn bất hạnh thêm mà thôi.

3. Bạn luôn giễu cợt người khác

Không phải ai cũng có khiếu hài hước giống bạn, một số người sẽ cảm thấy phát ốm với những trò đùa thô thiển, tục tĩu. Mặc dù sử dụng sự hài hước để chọc cười người khác có vẻ vô hại đối với bạn, nhưng trên thực tế nó có thể khiến người khác cảm thấy không thoải mái, thậm chí là tổn thương.

Chính vì vậy mà có người không dám tiếp cận bạn, vì sợ sẽ trở thành trò cười của bạn. Hài hước một cách phù hợp thì sẽ khiến mọi người thích thú, nhưng nếu làm quá lố, thì thành ra lại khiến mọi người xa lánh bạn. 

4. Không giao tiếp bằng ánh mắt

Giao tiếp bằng mắt là một phần quan trọng của giao tiếp phi ngôn ngữ. Khi bạn tránh giao tiếp bằng mắt, điều đó có thể được coi là không hứng thú, hoặc là thiếu sự chân thành. Người khác vì vậy mà cũng e ngại khi nói chuyện với bạn.

Đôi khi đây cũng không phải là bạn cố ý, mà chỉ là thói quen. Vậy nên bạn có thể luyện tập giao tiếp bằng mắt trong những tình huống ít căng thẳng hơn, ví dụ như trò chuyện với bạn thân hoặc gia đình.

5. Ăn mặc quá tùy tiện

Quy định về trang phục có vẻ như là thành phần ít quan trọng nhất trong một tình huống xã hội, nhưng trong thực tế, đôi khi nó lại là yếu tố quyết định trong một cuộc trò chuyện.

Người ta vẫn nói “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, nhưng không thể phủ nhận một điều rằng cái người ta chú ý trước tiên vẫn là bề ngoài của bạn. Việc ăn mặc không phù hợp có thể khiến người khác đánh giá sai về bạn, từ đó mà không muốn tiếp xúc với bạn.

6. Bạn luôn sử dụng điện thoại di động

Khi mọi người đang nói chuyện vui vẻ thì bạn dán mắt vào chiếc điện thoại, mà thực ra bạn chỉ đang lướt mạng xã hội chứ không có công việc gì khẩn cấp cần phải xử lý ngay, điều này có thể khiến cho người khác cảm thấy họ ít được tôn trọng, vậy nên cũng ít mở lời với bạn.

Những thói quen khiến bạn trở nên khó gần
(ảnh minh họa Adobestock)

Khi có người kể chuyện, dù bạn không có hứng thú với câu chuyện đó, thì cũng phải chú ý lắng nghe như một phép lịch sự; đừng làm việc riêng quá nhiều, người nói sẽ chú ý đến thái độ của mọi người xung quanh khi họ nói, một khi họ để ý thấy bạn không quan tâm đến lời họ nói, vậy thì họ cũng sẽ không có ý bắt chuyện với bạn thêm về sau.

7. Trả lời cụt lủn

Đối thoại là hai chiều, khi bạn không ngừng đưa ra những câu trả lời ngắn ngủn, người khác sẽ cảm thấy bạn không muốn nói chuyện, hoặc thấy bạn là người không cởi mở, nên cũng không nói chuyện với bạn nữa.

Khi được người khác hỏi thì nên cố gắng đưa ra câu trả lời càng chi tiết càng tốt; còn khi người khác vừa nói xong, nếu được thì bạn cũng nên đặt một vài câu hỏi nhỏ để tỏ ra rằng bạn có quan tâm đến câu chuyện của họ, như vậy mới làm cuộc nói chuyện thêm thú vị.

8. Bạn không tôn trọng không gian riêng của người khác

Biết cách tôn trọng không gian cá nhân là một khía cạnh quan trọng để trở nên dễ gần. Khi bạn xâm phạm không gian của ai đó, rất có thể họ sẽ cảm thấy không thoải mái và ngừng tham gia vào cuộc trò chuyện tiếp theo.

Có những điều thuộc về cá nhân mà bạn không bao giờ nên hỏi, trừ khi đối phương tự kể ra; một khi bạn hỏi trúng điều họ không muốn nói, họ sẽ vẫn trả lời bạn, nhưng cuộc nói chuyện tiếp theo có thể sẽ rất lâu nữa mới diễn ra, họ tìm cách xa lánh bạn mà bạn không nhận ra.

Bạn có vướng phải thói quen nào ở trên không? Nếu có thì tốt nhất nên sửa ngay, đừng để đến khi nhìn lại xung quanh không còn có ai muốn chơi với bạn nữa.

Theo Sohu