Thay vì trực tiếp chỉ ra lỗi sai và nói những lời nặng nề, hãy thử dùng lời thiện lương khuyên nhủ, kết quả có thể sẽ khiến bạn ngạc nhiên.

Sức mạnh của lời nói

Người xưa có câu: “Lời nói thiện tâm ấm lòng 3 đông, lời nói lạnh lùng rét ròng 6 tháng”. Có thể thấy, lời nói của chúng ta sẽ có tác động rất lớn đối với người khác.

Lời nói thiện tâm động viên người khác sẽ tích đức cho người nói, còn lời nói ác ý làm tổn thương người khác sẽ tạo thành ác báo khôn lường. Kẻ xấu bịa đặt vu khống hãm hại người khác tự cho mình thông minh hơn người, nhưng họ lại không biết rằng, những gì đợi chờ họ phía trước là báo ứng còn to lớn hơn. 

Nói lời thiện lương, từ bi đãi người
“Lời nói thiện tâm ấm lòng 3 đông, lời nói lạnh lùng rét ròng 6 tháng” (ảnh minh họa Pinterest)

Tôn Tử cũng nói: “Tặng người lời nói, quý như châu báu, hại người bằng lời nói, hơn cả kiếm giáo”. Dùng lời nói thiện ý khuyên bảo người khác còn quý hơn ngọc châu; dùng lời lẽ ác độc tấn công người khác thì tổn thương gây ra lớn hơn cả thanh kiếm.

Đối với người có sự tu dưỡng thì việc tu khẩu là rất quan trọng, cần phải làm được không nói dối, không nói lời ác ý và không nói bừa. 

Người xưa thường nói: “Tĩnh tọa thường tư kỉ quá, nhàn đàm mạc luận nhân phi”, có nghĩa là khi tĩnh tọa thường nghĩ đến điều lỗi của mình, lúc nhàn đàm đừng bàn đến điều sai trái của người khác. Đây là tu dưỡng cơ bản của một người.

Ngôn ngữ là cầu nối câu thông giữa con người với nhau và là phương tiện quan trọng để nhận thức thế giới bên ngoài. Muốn lời nói dễ đi vào lòng người thì phải nói lời lương thiện và mang lòng từ bi, như vậy mới có thể tạo phúc cho người khác và được mọi người khen ngợi.

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát dùng lời nói thiện lương cảm hóa dân chúng

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng dẫn 500 tăng lữ đến nước Ca Sư Na hoang sơ lạc hậu để truyền bá Phật Pháp. Vì để dẫn dắt những người có duyên, tôn giả Mục Kiền Liên là người đầu tiên tiến vào trong thành Ca Sư Na.

Khi Mục Kiền Liên chứng kiến ​​một số hành vi hoang đường không phù hợp của người dân đất nước này, tôn giả đã dùng thuyết nhân quả để chỉ cho dân chúng biết rằng hành vi ngu ngốc của con người chắc chắn sẽ gặp quả báo và chịu đau khổ. Người dân sau khi nghe xong thì không thể chấp nhận, nên họ đã nổi giận đùng đùng và đuổi Mục Kiền Liên ra ngoài thành, khiến chuyến đi đến nước Ca Sư Na của tôn giả trở nên vô ích.

Sau đó, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni phái Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát đến nước Ca Sư Na. Sau khi vào trong thành, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát không lập tức tuyên dương Phật Pháp, mà trước hết khen ngợi người dân Ca Sư Na cần cù siêng năng, chất phác, lương thiện.

Những lời khuyên nhủ ấm áp khiến người dân Ca Sư Na vui mừng phấn khởi. Cuối cùng, mọi người đều dâng hoa thơm, món ngon, châu báu và thành tâm thành ý cúng bái Thần Phật. Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát dẫn người dân Ca Sư Na đến nơi Đức Phật để cung kính hành lễ và lắng nghe tâm Pháp của Phật Đà.

Nói lời thiện lương, từ bi đãi người
Lời nói lương thiện mới có thể làm cảm động người khác (ảnh minh họa Afamily)

Chỉ khi dùng thiện tâm để nói thì mới có thể chạm đến trái tim của người nghe, từ đó kết được thiện duyên. Khi nhìn thấy tài năng, học ​​​​thức, phẩm đức và thiện hạnh của người khác thì cần chân thành khen ngợi và học hỏi từ họ, đồng thời cũng cần loại bỏ sự ghen tị và kiêu ngạo của bản thân, để mở rộng tâm lượng của chính mình. Nếu mọi người đều có thể nói những lời thiện lương, tốt đẹp thì xã hội sẽ tự nhiên mà tốt đẹp theo.

Theo Vision Times