Chỉ cần một trái tim đầy nhiệt huyết, thanh xuân sẽ không bao giờ nhạt phai
Chỉ cần chúng ta có một trái tim đầy nhiệt huyết, không ngừng học hỏi và tiến về phía trước, thì chúng ta sẽ mãi mãi thanh xuân.
- Ông già Noel có tồn tại? Bức thư nổi tiếng thế giới lay động triệu trái tim
- Những câu nói của Audrey Hepburn sưởi ấm trái tim
Đời người thuận theo bốn mùa xuân hạ thu đông, ở từng giai đoạn khác nhau sẽ thể hiện ý vị độc đáo khác nhau. Bởi vậy, không nên dùng tâm thái để tự giới hạn bản thân mình. Cuộc đời vốn mỹ lệ muôn màu, tuổi nào cũng đều đáng để thưởng thức một cách trọn vẹn.
Một nghiên cứu về tâm lý học tại Đại học Montpellier của Pháp phát hiện, những người cảm thấy bản thân trẻ hơn so với tuổi tác thực tế, thì tỷ lệ tử vong thấp, mức độ thoái hóa của đại não cũng chậm hơn nhiều. Điều này cho thấy con người không chỉ sống bằng thân xác, mà quan trọng chính là ‘tâm’! Pháp bảo thần kỳ để duy trì tâm hồn tươi trẻ rất đơn giản, chính là “nhiệt tình học hỏi,” luôn giữ tâm hiếu kỳ, thì cuộc sống sẽ có khả năng vô hạn.
Tuổi tác do tâm quyết định, chứ không phải do thể lực
Nữ nhiếp ảnh gia người Nhật Bản Tsuneko Sasamoto, chồng bà qua đời khi bà 71 tuổi. Khi đó, bà cầm máy ảnh và bắt đầu làm nhiếp ảnh gia tự do. Năm 100 tuổi, bà tổ chức triển lãm ảnh cá nhân, và nhận được giải “trang phục đẹp nhất.” Bà trở thành người cao niên nhất trong lịch sử giành được giải thưởng này.
Vị “đại cô nương” này không vì tuổi tác và thể lực kém mà biếng nhác, ngược lại, bà yêu cái đẹp chẳng kém gì giới trẻ hiện nay. Bà thích trang điểm bản thân, thích phối hợp y phục tỉ mỉ … Mong muốn của bà là bất kỳ lúc nào cũng trẻ trung giống như mới 26 tuổi. Bà thích tiếp xúc với mọi điều lớn nhỏ trong cuộc sống. Buổi sáng, bà đọc báo, xem TV và tập thể dục nhịp điệu. Bà kiên trì tự học Anh ngữ thời gian dài, thường xuyên làm phong phú tâm hồn và kỹ năng vận động của mình.
Có một số người thường già yếu trước tuổi, nhưng một số người thì càng già lại càng mạnh mẽ! Còn có một số ví dụ, cặp vợ chồng người Mỹ Jack và Lori đã 89 và 87 tuổi, v luôn yêu thích thể thao. Khi ông Jack 65 tuổi và bà Lori 63 tuổi, họ có ý tưởng đột phát, muốn tham gia cuộc thi ba môn phối hợp (chạy bộ, bơi và đua xe đạp). Và tất nhiên, hai ông bà là người lớn tuổi nhất trong số những người tham gia.
Sau giải đầu tiên, họ vẫn duy trì việc rèn luyện thể chất và tiếp tục ghi danh tham gia ba môn phối hợp hằng năm. Họ chưa bao giờ nghĩ rằng tuổi tác là một trở ngại. Ông Jack nói: “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc không tham gia cuộc đua nữa, chỉ là tốc độ của tôi ngày càng chậm đi mà thôi.”
“Học tập” là suối nguồn tươi trẻ để chống lão hóa
Bộ não cần được kích thích học hỏi để duy trì sự sống. Nuôi dưỡng bộ não cũng giống như nuôi dưỡng một cái cây, cần có nước để nó tiếp tục tồn tại. Các nghiên cứu đã phát hiện, khi học những điều mới, não sẽ tạo ra các khớp thần kinh mới giữa các tế bào thần kinh, là sự kết nối giữa các tế bào thần kinh hoặc giữa các dây thần kinh và cơ bắp. Việc học liên tục sẽ tạo ra nhiều khớp thần kinh hơn, từ đó hình thành một mạng lưới dày đặc trong đại não. Vì vậy, đại não sẽ ngày càng trở nên linh hoạt hơn.
Trung tâm Y tế Mayo và Hiệp hội Alzheimer tích cực thúc đẩy “học tập suốt đời,” vì nó có thể trau dồi trí lực và ngăn ngừa hoặc trì hoãn sự xuất hiện của bệnh Alzheimer và chứng mất trí nhớ.
Học tập đa phương diện không chỉ kích hoạt sức mạnh của não bộ và cải thiện trí nhớ, mà còn tăng cường sự tự tin và cảm giác hoàn thành khi tự mình làm mọi việc. Trong quá trình học tập, bạn có cơ hội gặp gỡ nhiều người hơn, đồng thời cũng có thể có nhiều sở thích hơn, sẵn sàng chia sẻ thành tích của mình với người khác và tăng cường tương tác giữa các cá nhân. Khi đó, cuộc sống sẽ không phải là một màu xám ảm đạm, mà là một cầu vồng rực rỡ.
Luôn giữ trái tim đầy nhiệt huyết
Nhà văn người Nhật Bản Kishimi Ichiro từng nói rằng: “Khi còn trẻ vì tranh đua mà phải học, khi về già mới cảm nhận được hạnh phúc trọn vẹn của việc học.” Khi còn trẻ, chúng ta học tập chăm chỉ vì áp lực học tập; khi lớn lên, chúng ta gánh chịu áp lực công việc và gánh nặng tài chính của gia đình; chỉ sau khi về hưu, chúng ta mới được tự do và được là chính mình.
Đáng tiếc là nhiều người bị các quan niệm ngăn cản, cho rằng “tuổi già trí nhớ không còn nữa” hay “tuổi này rồi chẳng làm được gì”… Bởi vậy, họ đã lãng phí thời gian ngày này qua ngày khác, cho đến khi qua đời vì tuổi già.
Bà Tsuneko Sasamoto, nhiếp ảnh gia thế kỷ người Nhật, cho biết: “Nếu con người chỉ làm những việc tương xứng với tuổi của mình, thì đó sẽ là một tổn thất lớn!”
Các chức năng cơ thể sẽ lão hóa, nhưng trái tim thì không. Tràn đầy nhiệt huyết với cuộc sống, ánh mắt sắc bén và thái độ sống tích cực lạc quan, thì dù ở tuổi bảy mươi hay tám mươi cũng vẫn tràn đầy sức sống.
Các phương pháp sau đây có thể kích thích não bộ, hồi sinh tâm hồn một cách hiệu quả: học tập liên tục, chơi nhạc cụ, du lịch ngoài trời, chơi thể thao, thử những điều mới, kết nối với gia đình và bằng hữu, luôn tươi cười hạnh phúc mỗi ngày.
“Không ai già đi chỉ vì sống nhiều năm. Người ta chỉ già đi vì từ bỏ lý tưởng của mình.” Vị tướng năm sao của Hoa Kỳ MacArthur đã nói rất có lý. Con người già đi không phải từ nếp nhăn đầu tiên hay sợi tóc bạc đầu tiên, mà là từ khoảnh khắc chúng ta từ bỏ ước mơ. Vì vậy, điều quyết định tuổi tác chính là “tâm thái.” Cho dù hiện tại chúng ta bao nhiêu tuổi, thì có thể nhân sinh cũng chỉ mới bắt đầu ở tuổi 70. Chỉ cần chúng ta có nhiệt huyết, đón nhận thử thách, không ngừng học hỏi và tiến về phía trước, thì chúng ta sẽ mãi mãi thanh xuân.
Theo Epochtimesviet.com