Trong hoàn cảnh tăm tối nhất của cuộc đời, con người nên làm gì? Nếu tinh thần vô vọng, thân thể sẽ ủ rũ và gục ngã. Ngược lại, trí tưởng tượng tươi sáng và kiên định sẽ đưa sinh mệnh vượt khó nạn một cách thần kỳ. Không có hoàn cảnh nào tuyệt vọng, chỉ có người tuyệt vọng vì hoàn cảnh.

Albert Einstein từng nói: “Trí tưởng tượng còn quan trọng hơn cả kiến thức. Kiến thức thì hạn chế. Trí tưởng tượng lại bao quanh cả thế giới”.

Ngục tù chỉ giam giữ được thân xác con người chứ không thể khiến tinh thần mất đi tự do. Hãy tưởng tượng về những điều tốt đẹp trong những lúc khó khăn. Bởi vì bạn trở nên mạnh mẽ lên hay gục ngã xuống trước hết phụ thuộc vào tâm trí.

Người nghệ sĩ chơi piano trong trí tưởng tượng

Trong chiến tranh thế giới thứ hai, có một người nghệ sĩ piano bị giam cầm suốt 7 năm. Ở trong một cái cũi nhỏ khiến sức khỏe của anh bị hủy hoại, cơ thể biến dạng. Anh còn phải chứng kiến liên tiếp cái chết của các tù nhân khác.

Nhưng người nghệ sĩ dương cầm đã không gục ngã bởi vì anh không từ bỏ hy vọng sống của mình. Vì vậy anh đã thực sự sống sót sau 7 năm gian khổ. Cho đến khi chiến tranh kết thúc, nghệ sĩ dương cầm đã được gửi trở lại quê hương của mình.

Từ đây, anh bắt đầu một cuộc sống mới. Tất cả mọi người đều ngạc nhiên vì kỹ năng chơi đàn của anh không hề bị thui chột sau 7 năm xa cách. Thậm chí tiếng đàn của anh còn tinh tế hơn trước rất nhiều.

Người nghệ sĩ tưởng tượng chơi đàn.
Âm nhạc nuôi dưỡng tâm hồn (ảnh minh họa: Pixabay).

Nghệ sĩ dương cầm đã chia sẻ với mọi người rằng trong suốt 7 năm tù, để vượt qua nỗi sợ hãi và khuyến khích chính mình, ngày nào anh cũng chơi piano trong trí tưởng tượng. Việc đánh đàn trong trí tưởng tượng sinh động và chính xác đến nỗi anh không bao giờ quên dù chỉ một chi tiết nhỏ kỹ năng chơi đàn.

Trong trại tập trung, tưởng tượng đang diễn thuyết

Nhà thần kinh học nổi tiếng người Do Thái – bác sĩ Viktor Emil Frankl đã chịu đựng đau khổ khôn cùng trong một trại tập trung. Ông phải chứng kiến cái chết và máu khắp nơi bởi vì mỗi ngày nhiều phụ nữ, trẻ em, người già bị tra tấn đến chết.

Hoàn cảnh đó khiến ông sống trong sự lo sợ tột độ đồng thời bản thân cũng chịu đựng những khổ cực về thể lực và tinh thần. Một ngày nọ, ông đi theo những người bị giam để làm lao động ngoài trại và suy nghĩ “có lẽ không thể sống sót để trở lại trại giam tối nay”.

Khi phân nửa công việc được hoàn thành, nhìn thấy dây giày của mình đột nhiên bị đứt, ông lại cho rằng đó là một điềm xấu. Trong lòng ông đầy những suy nghĩ hỗn loạn và ông bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, chán ghét cuộc sống này.

Để trấn an tâm trí, ông bắt đầu tưởng tượng bản thân tràn đầy sức sống và đang giảng bài trong một phòng học rộng rãi sáng sủa. Bài diễn thuyết hùng hồn. Ông bỗng nhiên cảm thấy thật dễ chịu và nở một nụ cười.

Ông tưởng tượng mình đang diễn thuyết hùng hồn trong một căn phòng rộng rãi.
Ông tưởng tượng mình đang diễn thuyết hùng hồn trong một căn phòng rộng rãi (ảnh minh họa: Pixabay).

Ngay lúc đó ông tự hào hứng nhắc mình: “Thật là tuyệt vời! Chừng nào tôi còn có thể thấy được nụ cười, tôi sẽ không chết trong cái trại tập trung này và tôi sẽ sống sót bước ra khỏi đây”. 

Ông đã thật sự bước ra khỏi trại tập trung sau tất cả những suy nghĩ tươi sáng và kiên định đó. Bạn bè đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy toàn thân ông toát lên một tinh thần mạnh mẽ và khuôn mặt không để lộ chút đau khổ nào.

Nhân sinh thật diệu kỳ! Cho nên mới có câu “Tướng tùy tâm sinh, cảnh tùy tâm chuyển” là như vậy.