Truyền thuyết về phượng hoàng: Loài chim mang theo ngũ đức
Phượng hoàng ngày nay chỉ còn tồn tại trong các truyền thuyết thần thoại, nhưng vào thời xưa nó đã từng được nhiều người nhìn thấy và ghi chép lại.
- Truyền thuyết loài nhện: Khinh nhờn Thần nên phải sống kiếp giăng tơ
- Rồng trong truyền thuyết thực sự tồn tại, ‘bà ngoại tôi đã tận mắt nhìn thấy’
Nội dung chính
Bề ngoài của phượng hoàng
Trong “Hàn thi ngoại truyện” có miêu tả về hình dáng của loài phượng hoàng. Thiên Lão là một vị đại thần của Hoàng Đế, ông từng bàn về phượng hoàng với Hoàng Đế: Đầu của phượng hoàng giống như gà; hàm giống én; cổ giống rắn; đuôi giống cá; trước ngực giống như hồng nhạn; thân thể giống như rùa; có hoa văn vảy rồng.
Lông của phượng hoàng có 5 màu. Hoa văn trên đầu giống như chữ Đức – 德; hoa văn trên cánh giống như chữ Thuận – 順; hoa văn trên lưng giống như chữ Nghĩa – 義; hoa văn ở bụng giống như chữ Tín – 信; hoa văn trên mặt lại giống như chữ Nhân – 仁.
Trong “Sơn hải kinh . Nam sơn kinh” lại viết: “Ở trong núi Đan Huyệt có một loài chim. Hình thể giống gà, toàn thân là lông ngũ sắc, gọi là phượng hoàng. Hoa văn trên đầu nó là hình chữ Đức; hoa văn trên cánh giống như chữ Nghĩa; hoa văn trên lưng giống như chữ Lễ – 禮; hoa văn trước ngực là chữ Nhân; hoa văn ở bụng là chữ Tín. Phượng hoàng ăn uống tự nhiên thong dong, tự mình ca hát khiêu vũ, chỉ cần nó xuất hiện thì thiên hạ sẽ thái bình”.
Ngoài ra trong sách “Khổng diễn đồ” có viết rằng: “Phượng hoàng là hỏa tinh, sống ở núi Đan Huyệt; chỉ đậu trên cây ngô đồng, chỉ ăn hạt cây trúc và chỉ uống nước suối ngọt”.
Tiếng kêu
Phượng hoàng cũng có sự khác biệt rất lớn ở con trống và mái, từ bộ lông cho đến tiếng kêu. Như trong “Luận hành . Giảng thụy” của Vương Sung thời nhà Hán có viết rằng: “Con trống gọi là phượng, con mái gọi là hoàng. Con trống kêu tức tức, con mái kêu túc túc”.
Trong “Tả truyện . Trang công nhị thập nhị niên” còn nói rằng, con trống và con mái mà cùng kêu thì sẽ có tiếng như là tiếng chuông.
Biểu tượng của phượng hoàng
Phượng hoàng trong mắt người xưa là một loài chim báo hiệu điềm lành, biểu tượng cho thiên hạ thái bình. Nếu gặp phải thời thái bình thịnh thế thì phượng hoàng sẽ bay đến. Cổ nhân còn cho rằng, quân vương nếu như có nhân đức làm cảm động thiên địa, thì sẽ xuất hiện những hiện tượng huyền diệu, đó là cảm ứng với sự cát tường. Ví như vào lúc Thiếu Hạo – con trai của Hiên Viên Hoàng Đế tại vị, hoặc khi Chu Thành Vương đăng cơ thì đều có phượng hoàng bay đến chúc mừng.
Trong “Tả truyện . Chiêu công thập thất niên” có viết rằng, Thiếu Hạo – con trai của Hiên Viên Hoàng Đế, là tổ tiên của quốc vương Đàm Tử của Đàm Quốc thời kỳ Xuân Thu. Lúc Lỗ Chiêu Công 17 tuổi, Đàm Tử đến Lỗ Quốc thăm hỏi, Lỗ Chiêu Công mới hỏi ông: “Thiếu Hạo vì sao lại lấy tên chim đặt thành chức quan?”
Đàm Tử đáp: “Tổ tiên Thiếu Hạo của chúng tôi vào lúc tại vị thì có phượng hoàng bay đến chúc mừng; vì vậy mới dùng tên các loài chim khác nhau để đặt cho chức quan. Về cái tên Phượng, là để chỉ chức quan chủ quản thiên văn lịch pháp”.
Loài chim mang theo ngũ đức
Phượng hoàng thân mang ngũ đức Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín, tượng trưng cho việc duy trì sự hài hòa an định của xã hội cổ đại; vì vậy nó được cho là loài chim báo hiệu điềm lành cho các vị thánh hiền mang theo thiên mệnh.
Ngoài việc được coi là một dấu hiệu của điềm lành, cổ nhân cũng thường dùng hình ảnh của rồng phượng để chỉ những người có đức hạnh. Lão Tử, ông tổ của Đạo gia cũng từng dùng hình ảnh của phượng hoàng để so sánh với Khổng Tử, ca ngợi phẩm đức cao thượng của Khổng Tử, có nhân có đức.
Khổng Tử cũng từng ví Lão Tử với rồng, nói rằng: “Thần long thấy đầu không thấy đuôi, cao thâm khó lường”, khen ngợi tri thức và kiến giải của Lão Tử như rồng trên thiên thượng, động tĩnh tùy ý, tư duy ngang dọc đất trời mà không bị hạn chế.
Phượng hoàng đã đi vào truyền thuyết giống như hầu hết các câu chuyện thần thoại khác, nhưng quả thực nó đã từng có một thời kỳ huy hoàng trong quá khứ.
Theo Epoch Times