Chùa Tiêu trong ký ức tuổi thơ tôi
Ngôi chùa Tiêu (hay còn gọi là chùa Tiêu Sơn) cổ kính, linh thiêng, tọa lạc tại sườn núi Tiêu, thuộc thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, là một trong những danh lam cổ tự lâu đời đại diện cho vùng đất Kinh Bắc. Nơi đây không chỉ có những danh sư đắc Đạo mà còn chứa nhiều câu chuyện tâm linh huyền bí được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Nội dung chính
Vùng đất mang nhiều truyền thuyết dân gian
Vùng đất Từ Sơn, Tiên Du, nơi phong cảnh nên thơ với “bờ xôi ruộng mật”, với những đền chùa rêu phong cổ kính. Vẻ đẹp khiến tiên nữ Giáng Hương đi trẩy hội đầu xuân, xuống hạ giới vin cành mẫu đơn bên một ngôi chùa cổ ở Tiên Du, mải vui suýt nữa trời tối không kịp về trời. Để rồi có truyền thuyết Từ Thức gặp Tiên làm bao thế hệ người Việt Nam vẫn say sưa truyền kể cho con cháu nghe. Đó chính là quê nội của tôi.
Thời thơ ấu chị em tôi đắm chìm vào thế giới thần tiên ấy. Không chỉ có vậy, chúng tôi còn nhớ về quê bởi những ký ức mà hơn nửa thế kỷ trôi qua vẫn luôn trở về khắc khoải trong tôi.
Ngày ấy cách đây gần 60 năm, trong những lần theo cha về quê trên chiếc xe đạp cà tàng. Thời ấy có xe đạp đi là sang lắm rồi! Ngày xưa ấy, bắt đầu từ chuyện về ngôi mộ tổ của dòng họ Nguyễn Vĩnh Kiều chúng tôi, to lớn đường bệ uy phong thờ cụ Tiến sĩ thượng thư bộ lễ Nguyễn Văn Huy thời Mạc Đăng Dung rất nổi tiếng ở trấn Kinh Bắc kia. Rồi là mộ của bà cô tổ họ Nguyễn, tuổi chừng mười tám đôi mươi, đầu xuân đi hội rồi bạch nhật phi thăng bay thẳng về trời.
Con chó đá linh thiêng
Rồi đến những câu chuyện kể về cái lô cốt ở đầu làng; chứng tích lịch sử khó quên… một khẩu đại bác thép sáng choang. Đã nhiều lần chúng tôi đòi cha cho trèo vào tận nơi để đu, để xoay, để sờ mó cho thỏa trí tò mò của trẻ thơ.
Rồi chuyện về viên quan ba Nhật mới được bổ nhiệm về đây. Khi hắn phi ngựa vào làng Tiêu, đến gần chỗ chú chó đá canh cổng làng. Lý trưởng ra đón thưa rằng: “Bẩm quan lớn! Xin ngài xuống ngựa qua đây rồi mới đi tiếp, phong tục của làng con như vậy!” Nghe tên thông ngôn bẩm vậy hắn vênh mặt lấy hai gót giày sau thúc ngựa đi tiếp.
Đột nhiên con ngựa bất kham hí lên một tiếng ghê rợn rồi đứng thẳng bằng hai chân sau hất viên quan ba Nhật xuống vệ đường. Khi lý trưởng và thông ngôn đỡ hắn dậy thì hắn đã hộc máu tươi, mặt mày xây xát. Hắn sợ quá lồm cồm quỳ gối vái lấy vái để con chó đá. Hôm sau hắn cho lính làm mâm cỗ thịnh soạn nhờ một già làng ra chỗ chó đá kêu xin tha tội rối rít.
Xưa nay các cụ vẫn truyền câu “phép vua thua lệ làng”, tên giặc ngoại xâm ngông cuồng tưởng là ai kia chứ mà khi đến đây dám hỗn hào trước Thần linh trông coi nơi này!
Ngôi chùa Tiêu cổ kính
Rồi chuyện kể về chùa Tiêu tọa lạc trên một ngọn núi nhìn xuống dòng sông Tiêu Tương thơ mộng. Dòng sông trong chuyện tình Chàng Trương Chi và nàng Mỵ Nương con quan Thừa Tướng vẫn còn lưu truyền mãi đến ngày nay…
“Ngày xưa có anh Trương Chi người thì lại xấu, hát thì lại hay
Cô Mỵ Nương vốn ở lầu tây, con quan thừa tướng, ngày rày cấm cung“
Chùa Tiêu là một trong những danh lam cổ tự của nước Nam. Ngôi chùa không chỉ đẹp mà còn đại diện cho cái nôi truyền thống văn hóa tín ngưỡng lâu đời được xây dựng từ thời tiền Lê đến thời nhà Lý. Thiền sư Lý Vạn Hạnh đã từng trụ trì tại đây. Chùa Tiêu đã trở thành một trung tâm Phật giáo lớn nhất ở Kinh Bắc.
Đặc biệt trong chùa còn lưu giữ một pho tượng cổ là nhục thân của Thiền sư Như Trí. Pho tượng cổ này được đặt tại chính điện của chùa. Ngài đã trụ trì tại đây và tu đắc được thân thể bất hoại; điều này làm cho chùa Tiêu đã nổi tiếng lại càng linh thiêng hơn.
Tượng cổ linh thiêng trong chùa Tiêu
Tôi đã được nghe một câu chuyện do một người anh con bà cô ruột của tôi ở làng là thương binh chống Mỹ (năm nay anh đã gần 80 tuổi) kể lại. Anh kể là hồi còn nhỏ đi chăn trâu thấy các anh lớn hơn kể chuyện về có một chàng rể của làng là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc. Anh ấy tên là Phan. Anh Phan cô Tí Ti xinh đẹp ở làng Tiêu Thượng xã Tương Giang này.
Anh Phan vui tính hay chuyện nên được đám thanh niên và lũ trẻ trong làng rất yêu quý. Nghe bọn trẻ kể trong chùa có một pho tượng bằng người thật, anh hẹn đám thanh niên ngày mai sẽ lên chùa xem thực hư thế nào? Thế là máu bốc đồng của một thanh niên được hâm mộ nổi lên; anh về nhà thủ một con dao nhíp nhỏ lên chùa.
Đang ngắm nghía pho tượng cùng đám thanh niên, bất ngờ anh ta rút con dao nhỏ xíu như đầu que đan cắm phập vào mắt pho tượng. Một tia máu nhỏ bất ngờ phụt ra từ đó. Anh ta cùng đám thanh niên sợ quá bỏ chạy thục mạng. Về nhà anh sợ quá lăn ra ốm, hai tháng sau thì chết. Không thuốc thang nào cứu nổi người đã xúc phạm đến thân thể thần linh ấy. Còn cô Tí Ti vợ của anh (họ chưa có con) thời gian ngắn sau thì cũng theo anh về nơi chín suối. Từ đó ngôi chùa đã linh thiêng lại càng thêm linh thiêng…
Con người ngày càng xa rời Thần
Ngôi chùa vẫn sừng sững uy nghiêm đứng đó. Trải qua nhiều lần trùng tu tôn tạo nay càng đẹp và bề thế hơn. Nhưng con chó đá canh giữ ở đầu làng thì không còn nữa. Cái lô cốt thép sáng choang ở đầu làng ấy, có một thời mà phong trào toàn dân tham gia sản xuất thép, chỉ vì chút lợi nhuận từ bán sắt vụn họ cũng dám dùng những máy cắt hiện đại cắt nó ra từng mảnh để bán.
Con người thời nay nhiều khi là như thế đó. Chỉ vì tiền mà họ có thể không điều ác nào mà không làm! Từ việc nhỏ đến việc lớn, bất chấp luân thường đạo lý. Thiên tai, nhân họa, dịch bệnh tất cả là do họ không còn biết sợ. Họ không còn biết đến Thần linh, tâm linh là gì nữa. Họ đã không còn tín ngưỡng Thần nữa, vậy thì Thần đâu có quản họ. Chỉ có những người biết tu luyện, biết tu tâm dưỡng tính thì Thần Phật mới có thể quản họ!
Chùa Tiêu ngày 25/6/2021