Phúc khí của con người từ đâu mà đến?
Phúc khí của con người kỳ thực không phải tự nhiên có được, mà chính là thông qua sự tu dưỡng không ngừng của bản thân.
Ý nghĩa từ “Phúc”
Trí tuệ của người xưa vô cùng rộng lớn và uyên thâm, đã để lại cho người đời sau rất nhiều nội hàm thâm sâu trong văn tự chữ Hán. Chúng ta hãy xem bố cục của chữ “Phúc” (福) trong “Phúc khí”, bên trái là bộ thị 礻(lễ bái thờ cúng tế tự hoặc thần tiên, ở đây có thể hiểu là sự cầu thị, mong muốn, khát khao của con người về điều gì đó), bên phải gồm nhất 一 (một), khẩu 口 (miệng) và điền 田 (ruộng). Trên mặt chữ có thể hiểu là chỉ mong làm sao có đủ gạo cho vào miệng, hàm ý ấm no chính là phúc.
Vậy hạnh phúc cũng thật là đơn giản, chúng ta chỉ cần có nhà để ở, có áo để mặc, có cơm để ăn, có công việc để làm, có người thân bên cạnh. Những điều rất đỗi bình thường này chính là hạnh phúc.
Tuy nhiên, có một số người trên đời luôn cho rằng mình không có phúc, mình không sung túc bằng người khác, không giàu có quyền thế như người khác, vợ mình không tài đức như người khác, chồng mình cũng không có khả năng như những người khác. Tóm lại, chuyện tốt đều thuộc về người khác, còn bản thân muốn cái gì cũng không vừa ý, nhìn cái gì cũng không thuận mắt. Người có tâm lý này thường không biết hưởng cái phúc mà mình đang có. Kiểu người này trong lòng chưa bao giờ an yên, theo đuổi nhiều tham vọng, đứng núi này trông núi nọ, làm việc đầu cơ trục lợi, lấy việc chiếm đoạt thành quả lao động của người khác làm niềm vui.
Như thế nào là cầu tiến vươn lên?
Cũng có người cho rằng, bản thân so sánh với người khác là điều cần thiết và đó là biểu hiện của sự cầu tiến, vươn lên. Kỳ thực, đây là do người ấy có sự nhầm lẫn về khái niệm, chúng ta nên hiểu rằng học hỏi người khác với một tâm thái cởi mở là biểu hiện của sự cầu tiến. Còn đằng sau việc so sánh với người khác đều ẩn giấu tâm thái đố kỵ, bất bình.
Hai tâm thái khác nhau này sẽ đưa đến hai kết quả khác nhau. Người học hỏi với một tâm thái cởi mở chắc chắn sẽ được thăng tiến đi lên. Những người so đo, đố kỵ chẳng khác nào tự đặt mình vào ngõ cụt, nhất định sẽ rơi vào cảnh túng quẫn. Tại sao? Bởi vì phúc đức và nhân duyên của mỗi người không giống nhau. Có thể cái người khác có được, nhưng bản thân dành cả đời cố gắng cũng không thể có được! Tương tự như vậy, những gì bản thân có được, nhưng người khác có muốn cũng không có cách nào đạt được.
Vì vậy, kiểu người so đo này cả đời sống trong bóng tối, không thể nhìn thấy điều tốt đẹp của người khác. Cả đời người đó cực khổ tranh đấu, giành giật với người khác, cho đến khi già cũng không cách nào sống theo ý mình muốn.
Phúc khí của con người đến từ đâu?
Vậy phúc khí của con người đến từ đâu? Trong “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” có viết rằng: “Họa phúc vô môn, duy nhân tự triệu”. Có nghĩa là “Phúc và họa không ngẫu nhiên tìm đến mà là do con người tự chiêu mời“. Đúng là thành quả trong cuộc sống đều do chính mình tạo ra, phúc khí của một người cũng là đến từ chính bản thân mình. Giống như câu nói: “Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu”.
Khi bạn có một trái tim lương thiện, bạn sẽ luôn làm những điều tốt đẹp. Như vậy, mọi thứ bạn cho người khác cuối cùng sẽ quay trở lại với bạn, khiến cuộc sống của bạn tràn đầy vận may và phúc khí.
Khi chúng ta nhìn vào cuộc sống, những người có phúc không có nghĩa là họ sinh ra đã may mắn, mà phúc khí của con người có được thông qua sự tu dưỡng tích lũy từng chút một từ lời nói, việc làm và thói quen đúng mực của họ. Đến giờ ăn là ăn, đến giờ ngủ là ngủ, không để tâm vào những chuyện vụn vặt, tâm thái ngay thẳng, luôn tươi cười khi gặp người và làm việc, luôn cho rằng đây là ngày tốt, những biểu hiện này chính là người có phúc.
Theo Vision Times