Truyền thống tôn sư trọng đạo: Một ngày làm thầy, cả đời làm cha
Tôn sư trọng đạo là truyền thống tốt đẹp có từ lâu đời, vì người xưa quan niệm ba bậc người phải tôn kính là “quân – sư – phụ”, tức là vua, thầy, rồi mới đến cha.
Trong “Lễ ký . học ký” có nói rằng: “Sư nghiêm, nhiên hậu đạo tôn; đạo tôn, nhiên hậu dân tri kính học”, ý nói thầy mà nghiêm, đạo tự nhiên được tôn kính, đạo được tôn kính, thì tự nhiên dân biết kính trọng việc học.
Giữ gìn sự tôn nghiêm của người thầy, không chỉ yêu cầu cử chỉ ngôn hành của học trò đối với thầy phải thể hiện sự tôn kính, lễ phép, mà thực sự phải kính trọng người thầy từ trong tâm, nghiêm khắc tuân theo lời răn dạy của thầy mà làm.
Doãn Hỉ thành kính cầu đạo bái sư
Doãn Hỉ là quan đại phu thời Tây Chu, từ nhỏ ông đã yêu thích sách cổ, tinh thông lịch pháp, giỏi thiên văn, có thể biết được quá khứ và nhìn thấy tương lai.
Một ngày nọ, ông xem thiên tượng, thấy có điềm lành, biết sắp có Thánh nhân tới. Thấy thế ông liền thỉnh nhờ Huyện lệnh ở Hàm cốc đóng cửa thành và dặn dò lính canh: “Mấy ngày nữa sẽ có Thánh nhân đi ngang qua. Nếu thấy ai có dung mạo thoát tục thì bẩm báo ngay”.
Đồng thời, ông còn phái người quét sạch đường xá, dâng hương dọc đường, nghênh đón Thánh nhân. Vài ngày sau, Doãn Hỉ nhận được tin, có một ông lão đầu bạc, dáng vẻ tiên phong đạo cốt, cưỡi một con trâu xanh đi tới.
Doãn Hỉ lập tức tới nghênh đón, quỳ lạy nói: “Quan lệnh Doãn hỉ khấu bái Thánh nhân”.
Ông lão trả lời: “Ta chỉ là dân thường áo vải, sao phải dùng lễ lớn như vậy, phải chăng có điều gì chỉ bảo?”
Doãn Hỉ vui vẻ đáp: “Vãn sinh sớm biết có Thánh nhân sẽ qua đây, nên đã đợi ở đây nhiều ngày, thành tâm mong được Thánh nhân chỉ giáo”.
Ông lão hỏi: “Làm sao ngươi biết ta sẽ tới?”
“Tháng 10 năm ngoái, sao Thiên Lý đi về phía tây, bắt đầu từ tháng này liên tục có gió hòa, chân khí phương đông như hình rồng rắn hướng về phía tây, đây là dấu hiệu của bậc Đại Thánh nhân, vậy nên vãn sinh biết chắc chắn sẽ có Thánh nhân đi qua quan ải.“ Doãn Hỉ đáp.
Ông lão thấy Doãn Hỉ thành tâm thành ý, lại thiện lương nên cười đáp: “Ngươi biết ta, ta cũng biết ngươi, vậy ta sẽ độ ngươi.”
“Xin hỏi danh tính của đại thánh nhân?” Doãn Hỉ hỏi
“Tên họ ta mịt mù khó nói, hiện giờ họ Lý, tự Bá Dương, hiệu là Lão Đam.” Ông lão nói.
Doãn Hỉ biết là Lão Tử thì vô cùng mừng rỡ, dâng hương dập đầu, cung kính bái lạy.
Lão Tử sau đó đem kiến giải của mình về đạo đức, vũ trụ, nhân sinh; viết nên “Đạo Đức Kinh” với 5 nghìn chữ, truyền thụ cho Doãn Hỉ.
Doãn Hỉ dựa theo lời dạy của Lão Tử, cung kính tu hành, hồng dương học thuyết Đạo giáo. Sau này ông tu thành đắc đạo, được người đời gọi là Doãn chân nhân.
Học trò của Khổng Tử
Khổng Tử là nhà tư tưởng, nhà giáo dục nổi tiếng. Lúc sinh thời, ông đã nổi tiếng khắp thiên hạ. Theo ghi chép, ông có ba nghìn đệ tử và bảy mươi hai đệ tử đức hạnh.
Ông đối với học trò đều là ngôn truyền thân giáo, nghiêm khắc với bản thân để giáo hóa học trò và thế nhân. Cả đời theo đuổi chân lý, lý tưởng và nhân cách hoàn mỹ.
Ông là người chính trực, thiện lương, khiêm tốn. Tất cả những điều đó đã ảnh hưởng sâu sắc đến học trò của ông.
Học trò của ông cũng thành tâm tôn kính thầy, coi thầy như cha, coi chí lớn của thầy như của mình, thực hành và truyền bá đạo đức.
Ví như Nhan Hồi, sống trong thanh bần đạo hạnh, tu thân, nghiêm khắc tuân thủ lễ nghĩa và những lời giáo huấn của thầy.
Mật Tử Tiện dùng đàn mà bình thiên hạ, lấy lễ nhạc mà trị quốc; khiến dân chúng an cư lạc nghiệp, đức nhập dân tâm. Tử Hạ soạn sách, làm giáo dục, thiện hóa dân chúng,.v.v.
Các đệ tử đi theo Khổng Tử không ngại cực khổ chu du các nước truyền bá tư tưởng nhân nghĩa. Khi có người phỉ báng Khổng Tử, họ đều đứng ra bênh vực Thầy, bảo vệ nhân cách cao thượng của thầy. Tấm lòng của họ đối với Thầy hết mực tôn kính.
Hoàng đế duy hộ truyền thống tôn sư trọng đạo
Hoàng đế Đường Thái Tông là một bậc minh quân trong lịch sử Trung Hoa. Ông rất chú trọng giáo dục con cái, thầy giáo mà ông chọn cho các hoàng tử đều là những bậc đức cao vọng trọng, uyên bác như Lý Cương, Trương Huyền Tố, Ngụy Chính, Vương khuê, v.v
Ông luôn dạy các Hoàng tử phải kính trọng thầy giáo. Một lần, Lý Cương bị bệnh ở chân, đi lại khó khăn; chế độ hoàng cung lúc bấy giờ rất nghiêm ngặt, quan viên đừng nói là ngồi kiệu, ngay cả ra vào hoàng cung cũng hết sức dè dặt, lo sợ.
Khi Hoàng đế biết chuyện, ông đã cho Lý Cương ngồi kiệu vào cung giảng dạy, đồng thời ra lệnh cho hoàng tử đón thầy.
Một lần khác, Hoàng đế nghe nói có người phàn nàn rằng tứ Hoàng tử Lý Thái không tôn kính thầy mình là Vương khuê. Ông đã chỉ trích Lý Thái trước mặt Vương Khuê và nói: “Sau này mỗi lần gặp lão sư, hãy cung kính ông ấy như cung kính với ta, tuyệt đối không được tùy tiện”. Từ đó trở đi, Lý Thái nhìn thấy Vương khuê thì luôn lễ phép chào hỏi, vâng lời dạy bảo.
Đường Thái Tông gia giáo nghiêm khắc nên các Hoàng tử đều kính trọng thầy giáo.
Ông từng nói: “Trẫm tra trong kinh sử, minh vương Thánh Đế, có ai mà lại không có thầy dạy!… Vua Chuyên Húc học Lục Đồ, vua Nghiêu học Doãn Thọ, vua Thuấn học Vụ Thành Chiêu, Hạ Vũ học Tây Vương Quốc, Thành Thang học Uy Tử Bá , Văn Vương học Tử Kỳ, … Không học thì không hiểu rõ đạo cổ nhân.”
Một mặt, ông nhấn mạnh việc kính thầy, ban hành chỉ dụ quy định lễ nghi, dặn dò các hoàng tử phải coi thầy như cha mình; mặt khác, ông khuyến khích các vị thầy khiển trách lỗi lầm của các Hoàng tử.
Sau khi Cửu hoàng tử Lý Trị được phong làm thái tử, Hoàng đế Thái Tông đã có những yêu cầu khắt khe. Mỗi lần Lý Trị nghe lời dạy của phụ Hoàng và lão sư đều đứng cung kính trang nghiêm.
Người xưa có câu: “Một ngày làm thầy, cả đời làm cha”. Truyền thống tôn sư trọng đạo vẫn luôn được lưu truyền qua các thế hệ, thúc đẩy giáo dục và đạo đức con người phát triển thăng hoa.
Theo Vision Times