Câu chuyện về chàng công tử mượn xác hoàn hồn đỗ tú tài
Đối với xã hội hiện đại, mượn xác hoàn hồn vốn là câu chuyện khó tin. Tuy nhiên những trường hợp như vậy từ xa xưa không phải là hiếm gặp.
- Linh hồn bất diệt: Câu chuyện chân thực về ‘mượn xác hoàn hồn’
- 3 câu chuyện có thật về hiện tượng “Mượn xác để hoàn hồn”
- Truyền kỳ luân hồi: Hóa giải ác nghiệp giữa các linh hồn
Nội dung chính
Sự cố xảy ra trên đường cùng cha đi nhậm chức
Trong “Khách song nhàn thoại” triều nhà Thanh có ghi chép câu chuyện xảy ra vào cuối thời nhà Minh đầu nhà Thanh.
Chuyện rằng, có chàng công tử mười bảy tuổi nhanh nhẹn tháo vát, giỏi văn chương thơ phú nhưng chưa được nhiều người biết đến. Cha cậu được bổ nhiệm làm huyện lệnh tại một vùng ở tỉnh Tứ Xuyên; cậu theo cha đi nhậm chức. Chẳng ngờ đường đi dốc núi quanh co hiểm trở; con ngựa sợ hãi giật mình phóng như bay khiến cậu bị rơi xuống vách đá và tử vong.
Sau khi linh hồn rời khỏi thể xác, cứ phiêu đãng trôi theo gió. Cậu muốn dừng nhưng không thể. Sau khi trôi đi hàng nghìn dặm; đột nhiên rơi vào thân thể một người đàn ông vừa tắt thở không lâu tại một thôn ở huyện Lịch Thành tỉnh Sơn Đông. Cậu hét lên một tiếng lớn: “Ngã chết tôi rồi”.
Tỉnh lại trong thân thể một người khác
Chàng công tử mở mắt ra thì thấy một người phụ nữ và một đứa trẻ đang khóc bên cạnh. Còn mọi người thấy chàng trai tỉnh dậy; họ lập tức ngừng khóc và hô to: “Sống lại rồi, sống lại rồi”. Một bà lão nói: “Đã tắt thở hơn một ngày rồi, làm sao có thể sống lại được nhỉ?”. Có hai, ba cụ già ngồi gần quan sát kỹ hồi lâu rồi nói: “Thân thể ấm nóng, khí huyết lưu thông. Đúng là sống lại rồi”. Cả nhà đều vô cùng vui mừng.
Bà lão đi tới, sờ mặt vị công tử và hỏi: “Con ơi, sao con lại nói là bị ngã chết, nói cho mẹ nghe đi”. Chàng công tử mở to mắt nói: “Bà là ai, sao dám nói tôi là con bà”. Một ông lão đứng cạnh nói: “Cậu mới sống lại, có lẽ thần trí chưa trở lại bình thường. Đây là mẹ cậu”, rồi chỉ vào một người phụ nữ và nói: “Đây là vợ cậu” và chỉ vào đứa trẻ nói: “Đây là con trai của cậu. Cậu vẫn không nhận ra?”
Vị công tử ngồi dậy nói: “Sai rồi, sai rồi, ta là công tử họ Vương, theo cha đi nhậm chức. Trên đường đến đất Thục ngã ngựa bị gió thổi tới đây. Ta chưa cưới vợ, sao lại có con trai được? Hơn nữa, mẹ ta được phong là nhũ nhân. Bà chỉ là một phụ nữ nông thôn sao lại dám giả mạo?”. Vị trưởng lão nói: “Không được hồ ngôn loạn ngữ nói nhảm nữa. Nếu không tin hãy tự lấy gương ra soi đi”.
Tâm tình chán nản sau khi mượn xác hoàn hồn
Có người mang tới một chiếc gương. Vị công tử nhìn vào thấy xuất hiện trong đó là một người đàn ông mặt rỗ khoảng hơn bốn mươi tuổi; không nhịn được ném chiếc gương đi và bật khóc: “Trả lại khuôn mặt ban đầu cho tôi, như thế này sống không bằng chết”. Mọi người nghe thấy vậy đều cảm thấy buồn cười.
Bà lão giúp vị công tử thoát khỏi rắc rối, nói rằng có thể con trai mình vừa sống lại, thần trí không tỉnh táo, xin mọi người không nên quấy rầy, đợi cậu tĩnh dưỡng một thời gian sẽ khác. Thế là mọi người dần giải tán.
Vị công tử cúi đầu thở dài, đột nhiên trong bụng bỗng đói cồn cào. Người vợ xấu xí mang cho cậu một chiếc bánh. Chiếc bánh xù xì khiến cậu khó nuốt; sau khi miễn cưỡng nuốt, nước mắt lại không ngừng tuôn rơi. Người vợ nói: “Em và mẹ đã ngồi cạnh chàng hơn mười ngày nay; chỉ ăn rau dại. Giờ vì phu quân mới sống lại cần dưỡng sức; nên mới gạt bỏ xấu hổ đi xin cho chàng một miếng bánh ăn cho đỡ đói. Đây cũng là ân tình ấm áp lắm rồi, lẽ nào chàng vẫn chưa hài lòng?”
Vị công tử tức giận, trách móc và đuổi cô ra ngoài. Cậu đưa mắt nhìn xung quanh. Đó là căn nhà ba gian cũ nát, giường đất, quần áo chăn mền rách nát, xộc xệch. Bếp nấu cũng ở trong phòng, bốc lên mùi khét lẹt khó chịu. Nghĩ lại cuộc sống trong nhung lụa khi xưa và tình cảnh trước mắt; đúng là khác nhau một trời một vực. Cậu vô cùng chán nản, muốn chết mà không xong.
Được một ông lão hiểu sự tình đến khuyên giải
Đến tối, người vợ và cậu con trai muốn lên giường ngủ cùng, vị công tử đuổi họ ra ngoài. Bà cụ phải để con dâu và cháu trai ngủ cùng mình.
Hôm sau, có một ông lão hàng xóm đến thăm và nói: “Tôi và anh là bạn tri kỷ; nghe nói sau khi khỏi bệnh tính tình anh thay đổi hoàn toàn, coi mẹ và vợ con mình như kẻ thù; e rằng dân làng không thể dung thứ cho người bất hiếu, bất nghĩa như vậy. Sau này người thân khinh thường, đồng hương không thèm quan tâm; anh lại nghèo khó như vậy, lấy gì để nuôi gia đình? Vì vậy tôi muốn đến khuyên anh vài lời”.
Vị công tử khóc mà nói: “Cảm ơn ý tốt của ngài. Thông qua lời nói của ta, xin hãy giúp ta phân biệt một chút, ta có phải là người bạn tốt năm xưa của ông không?”.
Ông lão nói: “Người thì phải, tuy nhiên nghe khẩu khí thì không phải. Tôi biết anh chính là mượn xác hoàn hồn. Tuy nhiên giờ anh đã trở thành người này rồi; không phải là nên làm những việc người này cần làm hay sao? Cũng giống như việc một người làm quan, vốn là một vị quan lớn như thống đốc, nhưng đột nhiên bị giáng chức làm quan sai vặt; lẽ nào không an phận làm tốt công việc của một vị quan sai nha cần làm? Dù bây giờ anh có rời khỏi đây, đi tới chỗ cha anh, nhưng dung nhan và thân xác anh đều không còn nữa, dù cha anh có thương xót anh, nhưng người khác không thể chấp nhận”.
Chấp nhận cuộc sống mới sau khi mượn xác hoàn hồn
Vị công tử cảm thấy những lời ông ta nói rất có đạo lý nên thỉnh giáo ông sau này nên làm như thế nào.
Ông lão nói: “Phụng dưỡng người mẹ hiện nay, nuôi dạy cậu con trai này, nghĩ cách để nuôi sống bản thân, chính nhà nhiệm vụ của thân xác này”.
Vị công tử đáp: “Kiếp trước tôi từng viết văn, làm thơ, dạy học cho trẻ nhỏ, những việc như kinh doanh thì không có khả năng, vậy giờ làm thế nào?”
Ông lão cảm thấy như vậy rất tốt liền nói: “Ta sẽ nói với người trong làng, nói cậu có thể dạy học cho trẻ nhỏ, đây cũng là một cách tự kiếm sống nuôi thân”. Vị công tử đứng dậy cảm tạ.
Sau đó, ông lão nói với mọi người về khả năng đặc biệt của vị công tử. Ông nói anh là người một chữ bẻ đôi không biết; đột nhiên sau một trận ốm, lại biết sáng tác thơ văn. Những người hiếu kỳ tò mò từ nơi xa cũng tìm tới nói chuyện. Vị công tử nói có sách mách có chứng, phong thái chậm rãi đĩnh đạc khiến mọi người đều bội phục; có rất nhiều người tới nhờ dạy học cho con.
Dựa vào bản sự này, vị công tử có mức thu nhập đủ sống và có thể nuôi dưỡng gia đình hiện tại. Mặc dù sau khi dạy học anh sống trong một ngôi chùa cổ, không về nhà; nhưng mẹ và vợ con (của thân xác hiện tại) đều được ăn no mặc ấm, mọi người đều sống yên ổn hòa thuận với nhau.
Tham gia khoa cử và đỗ tú tài
Không lâu sau, vị công tử tham gia khoa thi và đỗ tú tài. Khi đó có một người dân trong vùng đi tới Tứ Xuyên. Vị công tử nhờ anh ta mang cho người cha (của linh hồn mình kiếp trước) một phong thư, trong đó kể rõ tình tiết mọi việc. Cha cậu cảm thấy sự việc vô cùng kỳ lạ nên đã gửi cho cậu một khoản tiền và một phong thư bảo cậu tới Tứ Xuyên.
Sau khi đến Tứ Xuyên, vì tướng mạo khác hoàn toàn so với ban đầu nên cha của vị công tử vô cùng nghi ngờ, mẹ cậu cũng không tin cậu, hai người anh trai của vị công tử nói cậu là người giả mạo. Vị công tử tủi thân kể lại những trò mình thường chơi khi nhỏ và những điều bí mật mà cha mẹ từng nói cho cậu.
Sau khi cha cậu nghe thấy mới tin; cảm thấy vị công tử trở thành như vậy cũng vô cùng đáng thương. Tuy nhiên người mẹ và hai anh trai của vị công tử vẫn không tin. Không còn cách nào, người cha chỉ có thể cho cậu một nghìn lạng bạc để cậu về Sơn Đông. Người kể chuyện cho biết lúc đó vị công tử vẫn còn sống; sau đó kết cục như thế nào thì người kể không rõ.
Có câu nói rằng: “Một lần sảy chân để hận nghìn đời, quay đầu nhìn lại đã già trăm tuổi” câu nói này cũng dùng để ám chỉ những người phải mượn xác hoàn hồn như vị công tử trên.
Theo The Epochtimes