Nhiều người có thể trở nên vĩ đại cũng là nhờ dám loại bỏ đi những lề lối cũ; dám thoát ra khỏi hoàn cảnh hiện tại mà làm những việc phi thường. Do đó không phải lúc nào cũng chỉ nhìn vào người khác mà bạn cũng nên dựa vào suy nghĩ của chính mình; tự lấy mình làm tấm gương soi chiếu bản thân.

Điều nhìn thấy chưa hẳn đã đúng

Nhà khoa học Anbe Anh-xtanh khi còn nhỏ rất ham chơi. Mẹ ông liên tục khuyên bảo ông rằng: “Không thể cứ mãi như vậy được”.

Anh-xtanh không cho thế là đúng và luôn nói lại rằng: “Mẹ hãy nhìn những người bạn của con xem, họ chẳng phải đều như vậy hết hay sao?”

Một ngày nọ, cha của Anh-xtanh mới kể cho ông nghe một câu chuyện thú vị: 

“Hôm qua cha và chú Jack hàng xóm đi làm sạch một cái ống khói ở nhà máy phía Nam. Cái ống khói này chỉ có thể leo lên được bằng cách đi lên một cái thang sắt ở trong ống khói. Chú Jack đi đằng trước còn cha ở phía sau. 

Cha và chú ấy vịn vào lan can; từng bước từng bước leo lên trên. Lúc đi xuống, chú Jack lại vẫn đi trước, cha lại ở phía sau. Lúc chui ra khỏi ống khói, cha nhìn thấy bộ dạng của chú Jack thì thầm nghĩ rằng cha cũng giống như vậy; mặt bị lấm lem như một chú hề. Vì vậy cha đi đến một con suối ở gần đó và rửa cho thật sạch. 

Còn chú Jack, chú ấy thấy cha lúc chui ra khỏi ống khói thì rất sạch sẽ; liền nghĩ rằng chú ấy cũng sạch như vậy. Vì vậy chú ấy rửa tay qua loa rồi đi về. Kết quả là vừa đi ra đường thì mọi người đều ôm bụng cười; mọi người còn tưởng rằng chú Jack bị điên”.

hãy lấy chính mình làm tấm gương
Ảnh chụp Einstein khi còn nhỏ (ảnh coopstudy.blogspot)

Lấy chính mình làm tấm gương

Người cha nói với Anh-xtanh: “Thực ra, không ai khác có thể làm tấm gương cho con ngoài chính bản thân con. Lấy người khác làm tấm gương thì một kẻ ngốc đôi khi lại nghĩ mình là thiên tài”.

Sau khi nghe những lời của cha mình, Anh-xtanh đột nhiên cảm thấy xấu hổ. Từ đó về sau ông đã tách khỏi đám trẻ nghịch ngợm kia. Ông lúc nào cũng lấy chính mình làm tấm gương để soi xét bản thân. Cuối cùng ông đã trở thành một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất thế giới.

Dũng khí và thành công

Năm 1864, nội chiến Hoa Kỳ kết thúc. Có một phóng viên người Pháp tên là Marvel đã đến phỏng vấn tổng thống Lincoln, và họ đã có một cuộc trò chuyện như sau: 

Phóng viên: Theo như tôi biết, Pierce và Buchanan (2 vị tổng thống Mỹ trước đó) đều nghĩ đến việc bãi bỏ chế độ nô lệ; “tuyên ngôn giải phóng nô lệ” cũng đã được soạn thảo; thế nhưng họ đều không thể cầm bút và ký tên vào đó. Tôi muốn hỏi ngài tổng thống, phải chăng là họ muốn lưu cái sự nghiệp vĩ đại đó lại để làm rạng rỡ tên tuổi của ngài?

Lincoln: ‘Có thể là có ý tứ này. Chẳng qua nếu họ biết rằng chỉ cần một chút dũng khí để cầm bút lên thì tôi nghĩ họ đã rất thất vọng’.

Cuộc trò chuyện này diễn ra trên đường Lincoln đi đến Paterson. Trước khi Marvel có thể hỏi thêm bất kỳ câu hỏi nào thì cỗ xe của Lincoln đã khởi hành. Do đó ông cũng không bao giờ hiểu được câu nói của Lincoln có ý gì. 

Tổng thống Lincoln là người đã chấm dứt chế độ nô lệ ở Mỹ
Tổng thống Lincoln là người đã chấm dứt chế độ nô lệ ở Mỹ (ảnh Facebook)

Bức thư tiết lộ ẩn ý

Mãi đến năm 1914, 50 năm sau cái chết của Lincoln, Marvel mới tìm thấy câu trả lời trong một bức thư của Lincoln gửi cho một người bạn; trong đó Lincoln kể về một trải nghiệm thời thơ ấu.

“Cha tôi đang ở trong một trang trại ở Seattle. Có rất nhiều đá ở đó; chính nhờ vậy mà cha tôi mới có thể mua được nó với giá thấp. Có một ngày mẹ tôi đề nghị nên bỏ những viên đá đó đi. Cha tôi nói, nếu có thể bỏ nó đi thì người chủ đã không bán cho chúng ta rồi, đó là những ngọn đồi nhỏ, tất cả đều thông với những ngọn núi lớn.

Một năm nọ, cha tôi đi mua ngựa trong thành phố và mẹ tôi đưa chúng tôi đến trang trại để làm việc. Mẹ nói, chúng ta hãy loại bỏ những thứ cản trở này đi được không nào? Vì vậy chúng tôi bắt đầu đào từng khối đá lên. Không mất nhiều thời gian để bỏ chúng đi; bởi vì chúng không phải là những ngọn đồi nhỏ như mọi người tưởng tượng; nó chỉ là những hòn đá đơn độc; chỉ cần đào xuống một chút là có thể mang chúng đi rồi”.

Điều không thể đôi khi chỉ là tưởng tượng

Lincoln nói ở cuối bức thư, “Có một số điều mà một số người không làm vì họ nghĩ rằng nó là không thể. Kỳ thực, có rất nhiều điều không thể vốn chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng của mọi người mà thôi”.

Khi đọc bức thư này, Marvel đã 76 tuổi, cũng chính vào năm đó ông đã hạ quyết tâm học tiếng Trung. Người ta nói rằng vào năm 1917 ông đã đến Quảng Châu, Trung Quốc để phỏng vấn và nói chuyện với Tôn Trung Sơn (Đại Tổng thống Lâm thời Trung Hoa Dân Quốc) bằng tiếng Trung thông thạo. Vậy là tuổi tác cũng không thể ngăn cản con người làm được việc mà họ thực sự đặt tâm làm. Thật ra với những việc có ý nghĩa, khó khăn chỉ là khảo nghiệm để xem con người có thể kiên định bước qua chông gai không. Không có thành công nào mà không có mồ hôi và nước mắt.

Người xưa đã giảng: “nan nhẫn năng nhẫn, nan hành năng hành”. Điều đó có nghĩa là dù khó kiên nhẫn cũng cứ kiên nhẫn đi, dù khó làm cũng cứ làm đi, rồi sẽ thấy được thành quả của việc này.

Theo Secret China