Trong mắt của bậc trí giả, người đau khổ nhất chính là những người luôn tìm cách thỏa mãn dục vọng của bản thân, bởi vì đó căn nguyên của thống khổ đời người.

Cha mẹ cưỡng ép lấy vợ

Trong số các đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni, Ma-ha-ca-diếp được công nhận là một người tu khổ hạnh. Ông từ nhỏ đã thường lánh xa đám đông và thích cô độc một mình, ông thông minh và hiểu chuyện hơn người. Tuy sinh ra trong một gia đình giàu sang phú quý, nhưng ông lại không quen với cuộc sống xa hoa.

Ngày tháng thoi đưa, Ma-ha-ca-diếp đã trở thành một thanh niên anh tuấn, bởi vì tài hoa và dung mạo của ông xuất chúng, nên đã khiến cho rất nhiều cô gái ngưỡng mộ, cha mẹ cũng rất thương yêu ông, muốn kiếm cho ông một người vợ xinh đẹp, môn đăng hộ đối, Ma-ha-ca-diếp sau khi biết được ý định của cha mẹ thì liên tục từ chối.

Bởi vì trong lòng ông chỉ nghĩ đến tu hành, và việc có vợ sẽ làm cản trở nguyện vọng của ông. Nhưng cha mẹ ông không đồng ý, liên tục thúc giục, thậm chí không thèm để ý đến việc ông có đồng ý hay không, mà đã thu xếp để kén vợ cho ông. 

Ma-ha-ca-diếp không biết làm sao từ chối được, liền nghĩ ra một kế, tự mình vẽ ra một bức tranh, người trên bức họa chính là hình ảnh người phụ nữ xuất hiện khi ông thiền định, hết sức xinh đẹp nhưng lại từ bi trang nghiêm. Ông mang bức tranh đưa cho cha mẹ và nói: “Nếu như nhất định muốn con lấy vợ, trừ khi tìm thấy người giống như trên bức tranh vẽ này, còn không thì con thà ở một mình cả đời”.

Cha mẹ ông nghe vậy thì vô cùng lo lắng, liền đi tìm bạn bè người thân, biết nhà ai có con gái xinh đẹp, thì đều mang bức tranh đến xem thử có giống không, nếu tìm được thì sẽ gả cho Ma-ha-ca-diếp.

Thật trùng hợp, trong một gia đình giàu có ở thành Vaisali, có một cô gái xinh đẹp như tiên nữ tên là Diệu Hiền, khi nhà giàu có đó nhìn thấy người trên bức họa giống hệt con gái mình, liền nhờ người nói cho cha mẹ Ma-ha-ca-diếp, rằng con gái họ chính là người ở trong bức tranh.           

Kết hôn

Cha mẹ Ma-ha-ca-diếp sau đó lập tức tổ chức lễ thành hôn cho con và đón con dâu về nhà. Chỉ là vào đêm tân hôn, mỹ nhân mặc áo gấm, đeo đồ trang sức mỹ lệ, nhưng lại cau mày thật sâu, Ma-ha-ca-diếp cũng mang tâm sự nặng nề, không nói lời nào.

Thống khổ đời người; Thống khổ đời người là gì; Thống khổ đời người như thế nào
(ảnh minh họa Pinterest)

Cuối cùng, khi bình minh dần ló rạng, Ma-ha-ca-diếp phá vỡ sự im lặng và hỏi: “Nàng có tâm sự gì sao?”

“Hạnh phúc của thiếp đã bị chàng phá hỏng rồi”, Diệu Hiền đáp.

Ma-ha-ca-diếp kinh ngạc hỏi: “Chẳng lẽ trong lòng nàng có người khác sao?”

“Không phải, chàng đã phá hỏng nguyện vọng của thiếp”. Từng giọt nước mắt chảy xuống khuôn mặt mỹ lệ của Diệu Hiền. 

“Ta rốt cuộc đã làm chuyện gì không phải, xin nàng giải thích được không?” Ma-ha-ca-diếp lại hỏi.

 “Thiếp một lòng chỉ muốn thanh tĩnh tu hành, chán ghét ngũ dục (sắc dục, thanh dục, hương dục, vị dục, xúc dục), thoát ly ngọn nguồn của khổ đau, thế mà cha mẹ thiếp hài lòng với tài phú của nhà chàng, không để ý tới nguyện vọng của thiếp, muốn hủy hoại thiếp”. Diệu Hiền nói đầy bi thương.

Ma-ha-ca-diếp nghe vậy thì mừng rỡ, chính là thiên ý, ông cũng không muốn lấy vợ, vì cha mẹ vội vã mà buộc phải làm vậy, ông cũng cảm nhận sâu sắc rằng, khổ đau đời người đều từ dục vọng mà ra, ông chán ghét ngũ dục, nguyện thanh tĩnh tu hành.

Vì vậy họ quyết định chiểu theo ý chí của mình, trên danh nghĩa tuy vẫn là vợ chồng, nhưng trên thực tế lại là đồng tu.

Cha mẹ của Ma-ha-ca-diếp rất nhanh phát hiện trong phòng của cặp vợ chồng trẻ có 2 chiếc giường, liền cho người tháo một chiếc mang đi.

Ma-ha-ca-diếp nói với Diệu Hiền: “Đừng nản chí, chúng ta thay phiên ngủ, thay phiên ngồi thiền. Đây chẳng phải là càng tốt cho việc tu hành hay sao? Họ kỳ thực là đang đốc thúc chúng ta tinh tấn tu trì!”

Diệu Hiền nghe vậy cũng rất hoan hỉ, vậy là cả hai liền làm theo lời đề nghị của Ma-ha-ca-diếp.

Một tối nọ, Diệu Hiền ngủ ở trên giường, Ma-ha-ca-diếp vừa ngồi thiền xong thì nhìn thấy một con rắn ở trước giường, vừa hay tay của Diệu Hiền lại rũ xuống để ra bên ngoài giường, rất gần con rắn độc. Ma-ha-ca-diếp vội vàng dùng áo bọc lấy tay của mình, sau đó nâng tay của Diệu Hiền để lại lên giường. Động tác này đã làm Diệu Hiền tỉnh giấc, nàng có chút tức giận hỏi: “Có chuyện gì vậy?” Sau khi được Ma-ha-ca-diếp giải thích, nàng mới yên lòng, cũng cảm thấy áy náy vì vừa rồi có thái độ không phải với Ma-ha-ca-diếp.

Cứ như vậy, họ cùng nhau trải qua 12 năm, cho đến khi cha mẹ họ qua đời. 

Tu hành trì giới

Ma-ha-ca-diếp nói với Diệu Hiền: “Bây giờ ta quyết định sẽ xuất gia, nàng ở đây chờ ta, chờ đến khi ta tìm thấy một vị thầy chân chính tài đức sáng suốt, thì sẽ về đón nàng cùng đi xuất gia”. Ma-ha-ca-diếp sau khi rời khỏi nhà, khổ nhọc tìm thầy, cho đến khi gặp được Phật Thích Ca Mâu Ni, được cảm hóa bởi uy đức của Đức Phật, ông đã quy y với Đức Phật Thích Ca. Nhưng lúc đầu trong giáo đoàn của Đức Phật không có phụ nữ, nên Ma-ha-ca-diếp cũng không làm sao cho Diệu Hiền xuất gia cùng được.

Dục vọng là căn nguyên của thống khổ đời người
Ma-ha-ca-diếp đã quy y với Đức Phật Thích Ca (ảnh minh họa Pinterest)

Lại nói Diệu Hiền ở nhà chờ tin tức của chồng, 1 năm, rồi 2 năm, Ma-ha-ca-diếp vẫn bặt vô âm tín, nàng dứt khoát mang hết tài sản phân chia cho người khác, tự mình đi tới bờ sông Hằng, bái một vị thầy ở đó để tu hành.    

Về sau Đức Phật cho phép nữ nhân xuất gia, thành lập giáo đoàn tỳ kheo ni, Ma-ha-ca-diếp xin phép Đức Phật để cho Diệu Hiền được gia nhập giáo đoàn tỳ kheo ni. Nhưng bởi vì vẻ ngoài mỹ lệ của cô, nên cô thường trở thành tâm điểm cho sự ghen tị và đàm tiếu của người khác. Diệu Hiền cảm thán vì phải mang thân nữ nhi, lúc ôm bình bát đi khất thực thì đều tránh né mọi người, không lộ diện ở chỗ đông người. Tuy vậy Diệu Hiền vẫn không tránh khỏi bị người khác bàn tán, đặt điều, cô vì vậy mà cảm thấy xấu hổ, nên không đi khất thực nữa.

Dục vọng là căn nguyên của thống khổ đời người
Vì vẻ ngoài mỹ lệ nên Diệu Hiền đã gặp phải rất nhiều phiền phức (ảnh minh họa Sohu)

Ma-ha-ca-diếp thương cảm cho cô, được sự cho phép của Đức Phật, mỗi ngày ông đều mang những thức ăn mà mình đã xin được và chia cho Diệu Hiền một nửa. Cũng vì chuyện này mà lại dẫn đến sự đàm tiếu của mọi người: “Nghe nói họ ở trong nhà thành thân 12 năm, chưa từng ngủ chung giường, vậy mà bây giờ tu hành xuất gia, lại có tình riêng…”        

Tôn giả Ma-ha-ca-diếp nghe vậy cũng không động lòng chút nào, nhưng vì để khích lệ cho Diệu Hiền tu hành, nên ông đã dừng việc chia thức ăn cho cô, không gặp mặt nhau nữa. Diệu Hiền trải qua biến cố lần này thì đặc biệt nghiêm túc tu hành, ngày đêm không ngủ, chính ý tu hành, càng ngày càng tinh tấn, cuối cùng khai ngộ.

Về sau Đức Phật đã khen ngợi cô: “Trong số các tỳ-kheo ni, phải nói rằng ‘túc mệnh thông’ (một loại công năng giúp biết được việc quá khứ và tương lai) của Diệu Hiền là cao nhất”.

Người tu hành phải đoạn dứt dục vọng trần gian thì mới mong có cơ hội tu thành. Những ham muốn đời thường tuy mang lại những xúc cảm nhỏ nhoi, nhưng chính nó lại là ngọn nguồn cho những khổ đau kiếp người.

Theo Sound of Hope