Chủ Nhật , 19 Tháng Năm 2024

Giải mã dấu vết lạ trên hộp sọ chiến binh 2.000 năm tuổi 

01/11/22, 18:24 Bí ẩn khoa học
Giải mã dấu vết lạ trên hộp sọ chiến binh 2.000 năm tuổi 

Theo nhận định của các chuyên gia, dấu vết lạ trên hộp sọ chiến binh đã tiết lộ người này từng trải qua cuộc phẫu thuật “vá sọ” thành công cách đây ít nhất 2.000 năm.

Hộp sọ chiến binh Peru cổ đại 

Viện bảo tàng Osteology thuộc bang Oklahoma, Mỹ đã công bố hộp sọ được tìm thấy bởi các nhà khảo cổ học. Hộp sọ này có thể là của một chiến binh Peru cổ đại. Nó đã bị vỡ trong một trận chiến và được các bác sĩ thời đó dùng một mảnh kim loại để ghép những mảnh bị vỡ lại.

Giải mã dấu vết lạ trên hộp sọ chiến binh 2.000 năm tuổi 
Cận cảnh miếng kim loại ghép các mảnh não bị vỡ lại với nhau (ảnh: 24h)

Các chuyên gia nói rằng, người chiến binh này sống sót sau cuộc phẫu thuật. Và hộp sọ gắn kim loại này chính là một bằng chứng quan trọng chứng minh con người cách đây hàng nghìn năm đã có khả năng thực hiện những ca phẫu thuật phức tạp.

Hộp sọ chiến binh” thuộc về chủng người nào?

Hộp sọ kỳ lạ này có cấu trúc thuôn dài, nhìn chung, những hộp sọ được tìm thấy ở khu vực Peru đều sở hữu điểm đặc trưng là thuôn dài về phía sau đầu.

Một số các nhà khoa học cho rằng, người Peru cổ xưa có phong tục chỉnh sửa hộp sọ. Họ cố tình làm biến dạng hộp sọ của trẻ nhỏ bằng cách buộc chúng bằng vải hoặc ép bằng 2 mảnh gỗ từ khi đứa bé mới sinh ra; khiến cho hộp sọ phát triển dài ra một cách khác thường.

Tuy nhiên, một số khác lại khẳng định, những hộp sọ thuôn dài này thuộc về một chủng người hoàn toàn khác. Bởi biến dạng hộp sọ là giả thuyết không khả thi. Hoặc giả hộp sọ có thể bị biến dạng, nhưng không thể làm thể tích hộp sọ cũng như thể tích não tăng lên. Thậm chí sự ức chế xương có thể khiến hộp sọ kém phát triển.

Giải mã dấu vết lạ trên hộp sọ chiến binh 2.000 năm tuổi 
Thông qua hộp sọ, các chuyên gia đã khôi phục tạo dựng hình ảnh chiến binh người Peru (ảnh: Daily Mail)

Trong khi đó, những hộp sọ thuôn dài này có thể tích lớn hơn đến 25% so với hộp sọ của con người bình thường. Cho nên, họ chỉ đồng thuận với quan điểm, hộp sọ chiến binh này thực sự đã được phẫu thuật bằng phương pháp y học đầy sáng tạo.

“Đây là hộp sọ thuôn dài, đặc trưng của người Peru. Hộp sọ này có một chi tiết bất thường đó là có gắn mảnh kim loại. Nó được cho là thuộc về một chiến binh Peru, người bị thương ở đầu trong một trận chiến cách đây 2.000 năm. Nó là một trong những hộp sọ lâu đời và thú vị nhất của chúng tôi” –  đại diện bảo tàng Osteology cho hay. 

Ông nói thêm: “Chúng tôi không có nhiều thông tin về hộp sọ này, nhưng chúng tôi biết rằng chiến binh này đã sống sót sau ca phẫu thuật. Các bạn có thể thấy phần xương và kim loại kết hợp chặt chẽ với nhau. Đó là dấu hiệu của một ca phẫu thuật thành công”.

Sự nổi tiếng đến từ mảnh kim loại kỳ lạ

Hộp sọ ban đầu được lưu giữ trong bộ sưu tập tư nhân của bảo tàng Osteology, nhưng chi tiết “vá” hộp sọ bằng miếng kim loại nhanh chóng lan truyền khiến nó trở nên nổi tiếng. Năm 2020, hộp sọ chính thức được trưng bày công khai tại viện bảo tàng. 

Các nhà khoa học cho rằng, chấn thương ở đầu thường gặp ở người Peru cách đây 2.000 năm khi một loại vũ khí sử dụng “đạn” (chủ yếu là đá) được sử dụng phổ biến. Bởi vậy, các nhà phẫu thuật cũng đã tìm ra cách “ghép” chúng lại để duy trì sự sống cho những chiến binh.

Giải mã dấu vết lạ trên hộp sọ chiến binh 2.000 năm tuổi 
Bức tranh “Nhà phẫu thuật” vào năm 1555, của tác giả Jan Sanders van Hemessen, miêu tả một ca phẫu thuật khoan sọ (ảnh: Wikipedia)

Theo tờ Daily Mail, các bác sĩ thời đó sẽ khoét một lỗ trên hộp sọ của người bị thương mà không cần sử dụng các kỹ thuật vô trùng hoặc gây mê như ngày nay. 

“Họ sớm biết đây là một phương pháp có thể cứu sống con người. Chúng tôi có nhiều bằng chứng cho thấy phẫu thuật khoan sọ không liên quan tới hoạt động nghi lễ thuần túy mà thường dành cho các bệnh nhân bị thương nặng ở đầu, dẫn đến vỡ hộp sọ”– nhà nhân chủng học, thuộc trường Đại học Tulane (Mỹ) John Verano, nói trên kênh National Geographic.

Ngoài ra, các nhà khoa học không biết được thành phần làm nên miếng kim loại mà các bác sĩ Peru cổ đại sử dụng để vá sọ là kim loại gì.

“Chúng tôi không rõ chính xác loại kim loại mà họ sử dụng. Thông thường, bạc và vàng rất hay được sử dụng cho loại phẫu thuật này”, một phát ngôn viên của bảo tàng Osteology chia sẻ.

Mặc dù có sự tranh cãi nhưng hộp sọ chiến binh này là một minh chứng cho thấy, y học thời cổ đại đã phát triển đến một mức độ nhất định. Để xếp được những miếng sọ vỡ lại và gắn thêm phần kim loại thì đó chắc chắn là một cuộc phẫu thuật khá phức tạp. Nếu không có sự hỗ trợ của thuốc mê và các phương pháp hồi sức tối tân mà cuộc phẫu thuật có thể thành công thì đó là điều khó có thể tưởng tượng được.

Theo Aubtu

x