Làm người mà lúc nào cũng có thể suy nghĩ cho người khác, giúp người không cầu báo đáp thì đó thực sự là một người thiện lương.

Hành thiện mà cứ muốn người khác biết thì không phải là thiện chân thực

Người thiện lương luôn biết đặt mình vào vị trí của người khác để suy nghĩ vấn đề, tiên tha hậu ngã. Còn người lúc nào cũng cầu mong báo đáp thì không coi trọng cảm thụ của đối phương, cho dù là làm việc thiện thì cũng có thể làm tổn thương người khác.

Trong “Lễ ký” có chép lại điển cố về việc “Không ăn đồ bố thí”. Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, thiên tai nhân họa không ngừng. Có một năm nọ, nước Tề gặp tai họa, đời sống người dân vô cùng khó khăn, cơm không có để ăn, rất nhiều người đã bị chết đói.      

Lúc đó có một người tên là Kiềm Ngao, vì muốn có danh tiếng nên đã đi trên đường phân phát thức ăn cho người dân gặp khó khăn. Kiềm Ngao cứ sợ người khác không biết rằng anh ta đang “làm việc tốt”, vậy nên cứ hướng về người đi đường hô lớn: “Thức ăn miễn phí đấy! Mau tới ăn đi!”

Vậy nhưng trên đường không có một người nào quan tâm đến anh ta. Mãi sau mới có một người dân đi ngang qua, Kiềm Ngao ngăn người đó lại, dùng giọng cao ngạo mà nói với người đó rằng: “Này, gọi anh đấy! Tới ăn đi!”

Anh ta vốn dĩ tưởng rằng người dân gặp khó khăn sẽ cảm tạ ân đức của anh ta, sẽ cúi lạy sát đất mà nhận đồ ăn, ai ngờ người này trừng mắt nhìn anh ta một cái và nói rằng: “Tôi thà chết đói cũng sẽ không ăn!”

Có câu rằng, của cho không bằng cách cho, người ta có thể gặp khó khăn và không có gì ăn, nhưng cũng không thể vì miếng ăn mà đánh mất đi sự tôn nghiêm của mình.

Giúp người không cầu báo đáp, đó mới thực sự là người thiện lương
(ảnh minh họa Pinterest)

Trong “Chu Tử gia huấn” có nói: “Thiện dục nhân tri, bất thị chân thiện; ác khủng nhân tri, tiện thị đại ác”. Nghĩa là: Làm việc thiện mà cứ muốn người khác biết thì không phải là thiện chân thực, làm việc ác mà sợ người khác biết thì chính là đại ác.

Thiện lương xuất phát từ nội tâm thì giống như là mưa xuân vậy, cứ nhẹ nhàng, êm dịu, không tiếng động mà tưới mát vạn vật. 

Ngược lại, nếu giúp đỡ người khác mà mong cầu báo đáp thì bất quá chỉ là một màn diễn giả tạo mà thôi. “Bố thí” giả tạo như vậy thì dù với người khác hay với bản thân cũng đều không phải là chuyện gì tốt đẹp.

Làm việc thiện tự sẽ thấy vui, không cần người khác phải trả ơn 

Tăng Quốc Phiên từng nói: “Làm việc thiện vui nhất chính là không cầu người khác biết tới”. Làm việc thiện thì tự trong lòng sẽ thấy vui vẻ, đó là lợi ích dễ thấy nhất của người hành thiện; ngoài ra còn có luật nhân quả, làm việc thiện, giúp đỡ người khác thì tự nhiên sẽ được phúc báo, chứ không cần bản thân cứ phải đi cầu người khác trả ơn. Vậy nên, giúp người không cầu báo đáp thì không những là người thực sự thiện lương mà còn là người rất trí tuệ.

Giúp người không cầu báo đáp, đó mới thực sự là người thiện lương
Làm việc thiện thì trong lòng tự nhiên cũng thấy vui vẻ (ảnh minh họa Pinterest)

Người làm việc tốt mà chỉ nghĩ tới báo đáp, mong được phúc báo, được người khác khen ngợi, tâm chỉ nghĩ tới công danh lợi lộc, thì thật khó mà có được cảm giác hạnh phúc khi làm việc thiện.

“Chiến Quốc sách. Ngụy sách” có nói: “Người có ơn với ta thì không thể quên; ta có ơn với người thì không thể không quên”. Một xã hội như vậy chẳng phải rất tốt đẹp hay sao? Người nhận ân thì khắc ghi trong lòng, chờ ngày báo đáp; người ban ơn thì ghi dấu trên cát, và để cho gió cuốn đi. So với việc làm gì cũng mong người khác báo đáp thì cảnh giới cách nhau thật quá xa rồi.

Theo Sohu