Một câu chuyện luân hồi kỳ lạ xảy ra ở Myanmar, một cặp vợ chồng sinh cùng ngày, chết cùng ngày, và cuối cùng chuyển sinh thành một cặp song sinh.

Năm 1849, tại một ngôi làng nhỏ yên bình ở Myanmar (Miến Điện), hai đứa trẻ dễ thương đã cất tiếng khóc chào đời. Bé trai tên là Maung San Nyein, bé gái tên là Ma Gywin. Hai gia đình ở sát vách nhau, nên hai đứa trẻ đã trải qua tuổi thơ cùng với nhau, cùng nhau đùa giỡn, cùng nhau trưởng thành.

Thời gian trôi qua thật nhanh, những tình cảm vô tư thời thơ ấu đã dần thăng hoa thành tình yêu. Họ đã kết hôn với nhau. Sau khi cưới, họ trở thành cặp vợ chồng son nổi tiếng trong thôn, cùng nhau làm ăn trên một mảnh đất cằn cỗi. Tuy đất xấu, trồng hoa màu cũng không được tốt lắm, nhưng cuộc sống của hai vợ chồng trẻ vẫn rất hạnh phúc.

Vài năm sau, cuộc chiến Anh- Miến nổ ra lần thứ 3, ngọn lửa chiến tranh đã thiêu rụi ngôi làng Oksitgon của họ. Cả hai vợ chồng đã đột ngột qua đời trong cùng một ngày. Về nguyên nhân của cái chết, người kể chuyện cũng không có tiết lộ. Bởi vì là thời kỳ chiến loạn, nên mọi việc phải làm thật đơn giản, hai người họ được mai táng qua loa ở bên ngoài thôn. Và chuyện của họ cũng nhanh chóng trôi vào quên lãng.

Mấy tháng sau, anh Maung Kan và vợ ở cùng thôn với hai vợ chồng trên đã sinh được một cặp con trai sinh đôi, vô cùng đáng yêu. Không lâu sau, họ chuyển đến một ngôi làng nhỏ tên là Kabyu, cách khá xa nơi ở cũ, và họ đã định cư ở đó.

Hai vợ chồng chuyển sinh thành một cặp song sinh
(ảnh minh họa Adobestock)

Hai đứa trẻ sinh đôi tên là Maung Gye và Maung Nge, rất yêu thương nhau, như hình với bóng, luôn thì thầm nói chuyện với nhau không ngớt. Có một ngày, người cha (Maung Kan) trong lúc vô tình đã nghe thấy hai đứa bé nói chuyện, và được một phen kinh hãi. Bởi vì chúng xưng hô với nhau là Maung San Nyein và Ma Gywin. Đây không phải là tên của cặp vợ chồng trẻ vừa mới qua đời ở trong thôn hay sao? Trên đời lại có chuyện trùng hợp đến như vậy sao?!

Myanmar là đất nước mà tất cả người dân đều tin theo đạo Phật. Hai vợ chồng Maung Kan lập tức nghĩ rằng, hai đứa trẻ này phải chăng là cặp vợ chồng kia chuyển sinh? Mấy năm sau, chờ cho tình hình chiến sự tạm ổn, họ liền mang hai đứa trẻ trở về quê cũ.

Và họ đã đoán không sai. Vừa mới vào trong thôn, hai đứa trẻ đã tự mình chạy về nhà cũ của cặp vợ chồng kia như đã quen thuộc từ lâu. Tiến vào trong nhà, chúng rất nhanh nhận ra được quần áo và đồ dùng hàng ngày của mình trong kiếp trước. Trên đường trở về, Ma Thet – một cô gái ở cùng thôn – đã cùng hai đứa trẻ chào hỏi. Không ngờ một đứa trẻ đã chỉ vào cô gái nói: “Tôi còn thiếu cô 2 đồng ru-pi”.

Ma Thet ngây người, đứa nhỏ này đang nói cái gì đây? Người cha thấy thế liền giải thích một chút, Ma Thet lúc này mới nhớ ra. Năm đó, Ma Gywin có mượn cô 2 ru-pi và chưa có trả.      

Hai vợ chồng chuyển sinh thành một cặp song sinh
Myanmar là đất nước mà tất cả người dân đều tin theo đạo Phật (ảnh: Adobestock)

Bằng cách này, người trong thôn đều biết về câu chuyện đầu thai của hai vợ chồng Maung San Nyein. Một truyền mười, mười truyền một trăm, câu chuyện kỳ lạ này rất nhanh chóng đã truyền đến tai của Harold Fielding-Hall – một viên chức cấp cao của nước Anh đóng quân tại Myanmar. Harold rất thích văn hóa Phật gia ở Myanmar, ông đặc biệt quan tâm đến vấn đề nhân quả và luân hồi. Ông quyết định đi thăm một chuyến, để xem chuyện này rốt cuộc là như thế nào.  

Lúc ông gặp cặp song sinh thì chúng đã được 6 tuổi. Đứa trẻ mà kiếp trước là người chồng thì dáng người tương đối cao lớn, khỏe mạnh; trong khi đứa trẻ mà kiếp trước là người vợ thì tương đối nhỏ và gầy, hơn nữa biểu hiện lại giống như là con gái. Ông đã trò chuyện với hai đứa nhỏ rất nhiều về chuyện trong kiếp trước, cũng nói tới việc sau khi chết thì linh hồn bay trong không trung, rồi núp ở trong rừng cây mấy tháng liền.

Về sau, trong một cuốn sách giới thiệu về cuộc sống ở Myanmar tên là “The Soul of a People” (tạm dịch: Linh hồn của một dân tộc), Harold đã đem câu chuyện của cặp vợ chồng sinh cùng ngày, chết cùng ngày, và chuyển sinh thành một cặp song sinh, giới thiệu đến thế giới phương Tây. Mà câu chuyện này về sau cũng trở thành một trường hợp nổi tiếng trong lĩnh vực nghiên cứu luân hồi.

Theo Vision Times