Làm thế nào để kiểm soát ham muốn khi đối diện trước cám dỗ?
Trong cuộc sống đầy rẫy những cám dỗ này, làm thế nào để có thể ước thúc bản thân, kiểm soát ham muốn để đạt được thành công?
Nội dung chính
Người xưa nhìn nhận về ham muốn
Trong thế giới muôn màu muôn vẻ mọi người sẽ không tránh khỏi những ham muốn khác nhau, ví dụ như có người ham tiền, có người ham sắc dục, có người thích đồ ăn, v.v.. Đây đều là những biểu hiện của dục vọng. Tuy rằng sự thỏa mãn dục vọng có thể mang lại cảm giác vui sướng tức thời cho con người, nhưng nếu buông thả quá mức sẽ gây tổn hại về thể chất và tinh thần, tổn hao phúc phận.
Khổng Tử từng nói “Quân tử hữu tam giới: thiếu chi thì, huyết khí vị túc, giới chi tại sắc; cập kì tráng dã, huyết khí phương cương, giới chi tại đấu; cập kì lão dã, huyết khí kí suy, giới chi tại đắc”. Có nghĩa là quân tử có ba việc phòng ngừa: Lúc nhỏ tuổi huyết khí chưa ổn định phải tránh ham nữ sắc; Khi đã trưởng thành huyết khí đã thịnh vượng phải phòng ngừa tính ham tranh đấu; Khi về già huyết khí suy nhược, cần tránh tính tự đắc tham lam.
Phương Hiếu Nho – một nhà Nho lớn vào đầu thời nhà Minh đã nói rằng: “Ham mê và dục vọng còn mạnh hơn nhiều so với lưỡi kiếm. Con người chỉ chú ý đến tổn thương bên ngoài cơ thể, mà không tính đến việc ngăn ngừa tai họa do ham muốn và sắc dục gây ra”.
Tăng Quốc Phiên là một vị quan nổi tiếng vào cuối thời nhà Thanh, đã nói rằng: “Một phần tinh thần là một phần sự nghiệp, mười phần tinh thần là mười phần sự nghiệp”. Để thực hiện hoài bão làm “trong sạch thiên hạ”, Tăng Quốc Phiên đưa ra ba giới luật đối với những thói quen xấu của mình: Một là bỏ hút thuốc, hai là ngừng nói dối, ba là tránh bất kính trong phòng kín – cũng chính là nói về giới sắc. Ông ấy “một ngày 3 lần tự xét, vô cùng cẩn trọng”. Chính vì điều này, ông đã xây dựng được sự nghiệp to lớn cho bản thân, trở thành trọng thần của triều Mãn Thanh.
Trên thực tế từ xưa đến nay, có rất nhiều tấm gương khắc chế dục vọng, tránh xa cám dỗ, rất đáng để chúng ta học hỏi. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể thông qua những phương pháp dưới đây để kịp thời buông bỏ, tránh xa cám dỗ:
1. Tìm ra nguyên nhân tại sao khả năng kiểm soát ham muốn của bản thân còn kém
Hãy suy nghĩ cẩn thận về thời điểm bạn bắt đầu mất đi khả năng kiểm soát bản thân, phân tích và tìm ra nguyên nhân rồi ghi lại. Vì chỉ khi tìm ra nguyên nhân thì mới có thể kê đơn thuốc phù hợp.
2. Đối mặt với cám dỗ, kịp thời buông bỏ, trì hoãn sự thỏa mãn
Hãy trì hoãn những mong muốn và nhu cầu mà bạn muốn thỏa mãn, đồng thời rời xa nguồn gốc cám dỗ càng sớm càng tốt. Bạn có thể hít một hơi thật sâu, thiền định trong vài phút, nghĩ đến những điều vui vẻ khác, để can thiệp và cắt ngang sự cám dỗ này. Theo cách này, dục vọng của bạn sẽ giảm đi rất nhiều sau vài phút.
Khi bạn có những suy nghĩ mất kiểm soát, bạn cũng có thể làm điều gì đó mình thích để vượt qua sự cám dỗ của những dục vọng này.
Việc kéo dài thời gian như vậy có thể có tác dụng to lớn làm giảm dục vọng của con người, điều quan trọng là phải làm gián đoạn suy nghĩ ham muốn và rời xa nguồn gốc khiến bạn phát sinh ham muốn.
3. Suy nghĩ rõ ràng về ý nghĩa của việc đang làm hoặc cho nó một sứ mệnh to lớn
Trong cuộc sống có rất nhiều người dễ dàng bỏ cuộc và không thể thực hiện được mục tiêu của mình, nguyên nhân chủ yếu là bởi người đó thiếu sự kiên trì. Nếu bạn muốn kiên trì làm một việc gì đó, bạn phải suy nghĩ rõ ràng về lý do tại sao bạn làm việc đó, sau đó mang lại cho nó một ý nghĩa về sứ mệnh to lớn. Như thế, bạn sẽ sẵn sàng dành trọn trái tim mình để tiến bước mà không còn lo sợ thất bại hay thử thách.
4. Thay đổi nhỏ, điều chỉnh từng bước và hình thành thói quen
Đôi khi, nếu chúng ta muốn có những thay đổi to lớn ngay lập tức thì bản thân chúng ta sẽ chống lại theo bản năng hoặc tìm đủ mọi lý do để trì hoãn.
Vì vậy, chúng ta cần bắt đầu với một số điều nhỏ nhặt, rồi dần dần tăng lên và cuối cùng bồi dưỡng thành thói quen của chính mình.
Ví dụ, nếu bạn muốn chạy bộ vào buổi sáng, bạn có thể đi bộ chậm 50 mét vào ngày đầu tiên, sau đó tăng dần cường độ lên theo mỗi tuần. Vì nhiệm vụ này rất nhỏ và đơn giản, có thể hoàn thành ngay, nên cũng sẽ giảm thiểu rất nhiều khả năng trì hoãn và tính lười biếng của bản thân.
5. Tránh xa nguồn cám dỗ
Có một cách cũng rất hiệu quả để kiểm soát ham muốn của bản thân, chính là kết bạn nhiều hơn với những người bạn tích cực và có tính kỷ luật, tránh xa những người có khả năng tự chủ kém, giảm bớt những thứ xung quanh ảnh hưởng đến sự tự chủ của bạn, tránh xa nguồn cơn luôn cám dỗ bạn.
6. Không quên tâm nguyện ban đầu
Bạn hãy hít một hơi thật sâu, bình tĩnh lại và tự hỏi bản thân, bạn có thực sự muốn từ bỏ những ham muốn này không? Trước giờ làm nhiều như vậy chẳng lẽ là uổng phí cả sao? Khi bạn bắt đầu có mong muốn thỏa mãn ham muốn hay dục vọng của bản thân, tại sao bạn không nghĩ về lý do mình muốn bỏ nó là gì?
7. Tìm một tấm gương và một môi trường tích cực
Có những lúc trong cuộc sống chúng ta sẽ rất khó để có thể kiên trì làm một việc gì đó. Nhưng nếu có một môi trường tốt và một nhóm bạn cùng chí hướng, thì tự nhiên chúng ta sẽ có thể kiên trì tiếp tục.
Đồng thời, chúng ta hãy chọn cho mình một tấm gương thành công để bản thân có thể học hỏi, điều này có thể cải thiện đáng kể khả năng tự kiểm soát bản thân.
Những phương pháp này dù hiệu quả đến đâu, nhưng điều quan trọng nhất chính là bản thân bạn có thực sự kiên định và quyết tâm để buông bỏ những ham muốn và dục vọng của mình hay không? Chỉ có tự kỷ luật và ước thúc bản thân, chúng ta mới có thể hoàn thành mục tiêu của mình và biến ước mơ thành hiện thực.
Theo Vision Times