Có người hỏi “Tại sao người Việt không thích xếp hàng?”, đây rất có thể là do văn hóa “cửa sau”, thứ văn hóa làm đảo lộn trật tự xã hội.  

Có một câu nói đã trở thành trò cười trên mạng xã hội thời gian gần đây, đó là “Mày có biết bố mày là ai không?”, nó xuất phát từ một video được đăng trên mạng xã hội, trong đó một thanh niên trong lúc tranh cãi với người khác đã liên tục lặp lại câu nói “Mày có biết bố mày là ai không?”. Và không chỉ một trường hợp này, còn nhiều tình huống tranh cãi khác người ta cũng dùng câu nói này như là một cách để dọa nạt đối phương.

Vấn đề đặt ra ở đây là tại sao người ta lại nghĩ rằng nói như thế sẽ có tác dụng? Tôi cho rằng, đó là bởi vì văn hóa “cửa sau” đã làm xói mòn trật tự xã hội một thời gian dài. “Đi cửa sau”, “chạy cửa sau”, đút lót, con ông cháu cha… đó chính là những biểu hiện quen thuộc của thứ văn hóa này.

Văn hóa “cửa sau” xuất hiện ở hầu hết mọi lĩnh vực trong cuộc sống, như làm các thủ tục giấy tờ, chạy việc, chạy trường, chạy lớp, chạy bằng cấp… Khi đã quen với thứ văn hóa này, người ta làm gì cũng muốn luồn lách cửa sau cho mau được việc, khiến cho những người đường hoàng chính trực lại bị bỏ lại phía sau.

Nói ví dụ như về vấn đề chạy việc, có người tuy không có tài năng gì đặc biệt, nhưng nhờ bỏ ra một số tiền cực lớn để chạy việc mà lại có được vị trí tốt, còn những người có khả năng thực sự thì lại không kiếm được việc làm. Vấn đề này phổ biến đến mức người ta còn nói rằng, trong xã hội thì cứ “Nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, rồi mới đến trí tuệ”.

Văn hóa “cửa sau” cứ dần dần phá hỏng trật tự xã hội, một cách dễ nhận thấy nhất là việc xếp hàng. Có người đặt ra câu hỏi “Tại sao người Việt không thích xếp hàng?”, dù là xếp hàng tính tiền ở siêu thị hay xếp hàng rút tiền ATM, vẫn luôn có người tìm cách chen lấn lên trước; có người chỉ vì bị nhắc nhở xếp hàng mà đánh người khác nhập viện. Tôi cho rằng, đó cũng là do ảnh hưởng của văn hóa “cửa sau”, làm gì cũng muốn nhanh chóng được việc của mình, không cần biết người khác như thế nào, trong tâm không có ý thức về tôn ti trật tự. 

Đảo lộn trật tự xã hội
(ảnh minh họa Dangmylinh)

Giả dối chính là bạn đồng hành của văn hóa cửa sau, và điều đáng buồn là nó đã len lỏi cả vào môi trường giáo dục. Vào ngày 17/6/2022, ông Trần Cao Thành, Phó hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Văn Cừ ở phường Yên Thế, thành phố Pleiku, đã bị buộc thôi việc do sử dụng bằng cấp ba giả; hay như vào năm 2019, bà Hoàng Thị Huê, Hiệu trưởng trường Mẫu giáo Lơ Ku ở huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, đã bị thu hồi bằng tốt nghiệp Trung cấp Lý luận chính trị – Hành chính, do bà Huê đã sử dụng bằng tốt nghiệp cấp ba giả… Những người thầy người cô giả dối như vậy thì hỏi sẽ dạy cho học trò thành những người như thế nào? Quả thật là đáng lo ngại! Một khi giả dối lên ngôi thì lòng người cũng trở nên lãnh đạm, những điều chướng tai gai mắt nhìn lâu lại hóa ra bình thường, dần dần coi rằng xã hội chính là như thế.

Không ít lần tôi coi được những video trên mạng xã hội, thấy có người đôi co với công an, tìm cách chống đối. Tình huống này cứ chiểu theo đúng luật mà xử lý thì cũng không có gì đặc biệt. Nhưng lại có người bình luận rằng: “Cứ thử về phường ăn mấy trận đòn là biết”, hoặc như “tí nữa về phường là ngoan ngoãn ngay”. Không biết từ lúc nào mà công an đánh dân lại có thể cho là việc bình thường trong xã hội? Phải chăng là do có quá nhiều vụ án công an đánh chết người bị phanh phui? Người thi hành pháp luật đáng lý phải để lại hình ảnh liêm chính vô tư cho người dân, chứ không phải là những hành động mờ ám thiếu chuẩn mực sau cánh cửa phòng.

Như câu nói “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, ở lâu trong cái văn hóa “cửa sau” này, người ta cũng trở nên đồng hóa với nó lúc nào không hay, làm việc gì cũng nghĩ cách chạy cửa sau, nhờ người quen, các việc như biếu xén, chạy bằng cấp được cho là bình thường và không có gì đáng phải xấu hổ; những điều bất thường đã dần được coi là bình thường.

Văn hóa “cửa sau” làm đảo lộn trật tự xã hội
Nhiều người nhờ hối lộ mà leo lên được vị trí cao (ảnh minh họa BBC)

Người ta dần mất đi tính phản kháng, tê liệt cảm xúc, nhìn thấy những điều không đúng đắn cũng cứ thế nhắm mắt cho qua, dung túng cho sai phạm. Có người dũng cảm lên tiếng thì lại bị cho là nhiều chuyện, làm phức tạp hóa vấn đề, bị mọi người xa lánh vì sợ dính líu tới họ. Làm người tốt trong xã hội này đã không còn là chuyện dễ dàng.

Nhưng nếu cứ như thế này mãi thì xã hội sẽ đi về đâu? Ai cũng muốn lách cửa sau và dần biến nó thành cửa chính, trong khi cửa chính lại bị biến thành cửa phụ, trật tự xã hội bị đảo lộn nghiêm trọng, và nguy hiểm hơn cả là con người mất niềm tin vào xã hội.

Tôi nghĩ, giải pháp cho tình trạng này chính là chúng ta phải dũng cảm từ chối “cửa sau”, chính trực đường hoàng mà đi “cửa chính”. Tuy ban đầu có thể sẽ phải chịu thiệt đôi chút, nhưng như người xưa vẫn nói “chịu thiệt là phúc”, người ngay chính, thiện lương thì nhất định sẽ được ông Trời giúp đỡ, sống thật với lòng mình mới là hạnh phúc đích thực.

Ngoài ra cổ nhân cũng có câu “Đức không xứng với địa vị, tất sẽ có tai ương”, người đi “cửa sau” để giành được một vị trí nào đó thì thường cũng không bền lâu, tai họa có thể ập đến bất ngờ và tất cả lại trở về con số Không. 

Nếu muốn triệt để loại bỏ thứ văn hóa “cửa sau” này thì chỉ có cách khôi phục lại văn hóa truyền thống, giúp con người sống có đạo đức, tự câu thúc bản thân trong các nề nếp xưa, như vậy thì tâm thường không nghĩ đến việc xấu, và thân cũng không dễ mà có những hành động sai trái, con người làm gì cũng đường đường chính chính, “ngửa mặt lên không thẹn với trời, cúi mặt xuống không thẹn với người”. 

Càng nhiều người lội ngược dòng, giữ gìn phẩm đức mà một con người nên có, thì phong khí của xã hội sẽ ngày càng tốt đẹp hơn, thứ văn hóa “cửa sau” cũng sẽ tự nhiên bị đẩy lùi.