Người càng trí tuệ càng đối đãi khiêm nhường với người khác
Người ở vị trí cao thường dễ phát sinh tâm kiêu ngạo, lúc này chính là thể hiện ra sự tu dưỡng của một người, để xem có thể khiêm nhường hay không.
- Nhờ làm việc thiện nhỏ mà thay đổi vận mệnh
- Cha mẹ tích đức, phúc để ba đời, cha mẹ vô đức, họa hại toàn gia
Khiêm nhường là phẩm đức quan trọng
Dù ở thời đại nào, người có tài đức vẹn toàn sẽ được mọi người tôn trọng, đánh giá cao và có thể phát huy tài năng của bản thân để phát triển sự nghiệp. Về 2 phương diện “đức” và “tài”, phẩm đức có vai trò quan trọng hơn.
Khổng Tử đã nói trong “Luận ngữ – Thái Bá” rằng: “Như hữu Chu công chi tài chi mỹ, sử kiêu thả lận, kỳ dư bất túc quan dã dĩ “, có nghĩa là, nếu có người tài năng và nghệ thuật giỏi như Chu Công mà kiêu ngạo, keo kiệt thì những phẩm chất khác của người đó không cần quan sát làm chi nữa.
Theo quan điểm của Khổng Tử, người có phẩm hạnh không tốt thì cho dù có tài giỏi cũng không đáng nhắc đến. Ở đây, Khổng Tử đã chỉ ra rằng, một trong những biểu hiện của phẩm hạnh không tốt của một người đó chính là kiêu ngạo về tài năng của mình.
Người có tài đức vẹn toàn không những phải vượt qua tâm lý kiêu ngạo, mà còn phải dưỡng thành đức tính khiêm tốn, hòa nhã, để tránh tự mãn về khả năng của mình mà khinh thường người khác. Dù bạn có tài trí xuất chúng cũng phải ghi nhớ: Đừng tự cho mình là vĩ đại, đừng tự cho mình là thánh nhân, nên tu dưỡng nội tâm và cư xử khiêm nhường.
Về điều này chúng ta nên học hỏi từ những người bạn của Tăng Tử. Tăng Tử đã nói trong “Luận ngữ – Thái bá”: “Dĩ năng vấn ư bất năng, dĩ đa vấn ư quả, hữu nhược vô, thực nhược hư; Phạm nhi bất giáo…..Tích giả ngô hữu thường tòng sự ư tư hĩ.” Điều này có nghĩa là: Người làm được lại dám đi hỏi người không biết, người biết nhiều lại đi hỏi kẻ biết ít. Có tài năng mà nhìn qua như không có, có học thức mà thể hiện như không. Bị xúc phạm mà không tranh cãi so đo. Trước đây ta từng có người bạn như thế.
Mai Lan Phương dù nổi tiếng vẫn hết mực tôn trọng thầy của mình
Bậc thầy kinh kịch Mai Lan Phương không chỉ có trình độ xuất sắc về nghệ thuật kinh kịch, mà còn rất yêu thích hội họa. Ông đã bái họa sĩ nổi tiếng Tề Bạch Thạch làm thầy, khiêm tốn thỉnh giáo, luôn giữ đúng lễ tiết của người đệ tử và thường giúp Tề Bạch Thạch mài mực trải giấy. Ông chưa bao giờ kiêu ngạo cho dù bản thân là diễn viên nổi tiếng.
Một lần, Tề Bạch Thạch và Mai Lan Phương cùng nhau đến thăm nhà người khác. Tề Bạch Thạch đến trước, ông mặc quần áo vải và đi giày. Những vị khách và bạn bè khác đều là những nhân vật nổi tiếng trong xã hội, hoặc mặc âu phục và đi giày da, hoặc mặc Trường Bào, Mã Quái (một dạng áo khoác bên ngoài truyền thống). Tề Bạch Thạch trông có chút mộc mạc và không làm người khác chú ý.
Một lúc sau, Mai Lan Phương tới, người chủ trì mỉm cười chào đón, những vị khách còn lại cũng kéo đến bắt tay ông. Nhưng Mai Lan Phương biết Tề Bạch Thạch cũng tới dự tiệc, liền nhìn quanh tìm kiếm sư phụ. Cuối cùng, khi ông nhìn thấy Tề Bạch Thạch bị đối xử lạnh nhạt, ông liền lần lượt buông tay của những người đang bắt tay với mình, lách người ra ngoài, cung kính gọi Tề Bạch Thạch: “Thầy ạ!” Và gửi lời hỏi thăm đến Tề Bạch Thạch.
Những người có mặt đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy điều này! Tề Bạch Thạch cũng xúc động sâu sắc. Vài ngày sau, ông tặng Mai Lan Phương bức tranh “Tuyết trung tống thán đồ” (bức tranh giúp người khi gặp nạn) và đề một bài thơ:
Do ức tiền triều hưởng thái bình,
Bố y sơ thực động công khanh.
Nhi kim luân lạc trường an thị,
Hạnh hữu mai lang thức tính danh!
Tạm dịch nghĩa:
Nhớ lại triều cũ hưởng thái bình,
Áo vải ăn rau xúc động công khanh.
Mà nay luân lạc thành Trường An,
May mắn được Mai Lang biết tên!
Mai Lan Phương không chỉ bái hoạ sĩ làm thầy, mà còn tôn những người bình thường làm thầy của mình. Một lần, trong buổi biểu diễn Kinh kịch “Sát tích”, giữa tiếng vỗ tay trầm trồ khen ngợi của mọi người, ông nghe thấy một khán giả lớn tuổi nói: “Không hay”. Mai Lan Phương không kịp tẩy trang và thay quần áo, liền dùng 1 chiếc xe đặc biệt đưa ông lão về nhà. Ông kính cẩn nói với ông lão: “Người nói tôi không tốt chính là thầy của tôi. Tiên sinh nói tôi không tốt, tất là có cao kiến, xin được chỉ giáo! Học sinh quyết tâm sửa đổi”.
Ông lão nói: “Điệu bộ khi lên lầu và xuống lầu của Diêm Tích Giảo, theo như quy định vườn lê, thì nên là lên 7 xuống 8, bác sĩ (chỉ Mai Lan Phương) vì sao mà lại lên 8 xuống 8?” Mai Lan Phương bừng tỉnh đại ngộ, luôn miệng cảm ơn. Về sau Mai Lan Phương thường mời lão tiên sinh này đi xem ông diễn kịch, nhờ ông chỉ bảo cho, gọi ông ấy là “Thầy!”.
Dù thành công đến đâu cũng cần giữ sự khiêm nhường
Benjamin Franklin đã nói: “Khuyết thiếu sự khiêm nhường chính là khuyết thiếu kiến thức!”
Hardy nói: “Người kiêu ngạo thường dùng sự kiêu ngạo của bản thân để che đậy sự hèn nhát của mình”.
Có thể thấy, người càng kiêu ngạo thì càng không có thực tài. Trên thực tế, những người kiêu căng tự đại, tự cho mình là đúng, hay lên mặt dạy dỗ người khác, thường là những người bất tài vô dụng, hiểu biết nửa vời. Mà những người có tài năng và học thức thực sự thường rất khiêm tốn và thận trọng. Ví dụ, Khổng Tử là người sáng lập Nho gia, đến lúc về già vẫn còn học lễ nhạc. Khổng Tử đã đạt được nhiều thành tựu như vậy, nhưng vẫn đến Lão Tử để thỉnh giáo về “lễ nghi”.
Có một câu chuyện như sau, trong một buổi họp mặt các nhà văn, một nhà văn luôn coi thường người phụ nữ ăn mặc giản dị và im lặng bên cạnh mình. Anh ta nói với giọng điệu khiêu khích: “Xin lỗi, chị cũng là nhà văn à?“. Người phụ nữ gật đầu nói: “Đúng vậy”. Người đàn ông lại hỏi: “Tôi đã xuất bản hơn 300 cuốn tiểu thuyết, còn chị thì sao?”. Người phụ nữ nhẹ giọng đáp: “Ồ, không nhiều, chỉ 1 quyển mà thôi.” Người đàn ông càng xem thường cô và nói: “Một cuốn sách à? Là quyển gì vậy?”
Người phụ nữ cười nói: “Cuốn theo chiều gió”.
Nhà văn đó nghe đến chữ “Cuốn theo chiều gió” thì như sấm đánh ngang tai! Lập tức choáng váng, không nói ra lời. “Cuốn theo chiều gió” là một cuốn sách nổi tiếng khắp thế giới, nhưng tác giả lại rất khiêm nhường.
Còn nhà văn kia tuyên bố đã viết hơn 300 cuốn tiểu thuyết, tuy nhiên nhiều người lại không để ý đến tên tuổi của anh.
Người khiêm tốn sẽ có nhiều người gắn bó; người kiêu ngạo sẽ có nhiều người khinh thường. Làm một người khiêm tốn, hòa ái, vừa có tài vừa có đức, đó mới là điều chúng ta nên kiên trì theo đuổi.
Theo Vision Times