Bạn có bao giờ để ý rằng, người ta khi còn nhỏ luôn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc, nhưng sau khi lớn lên thì niềm hạnh phúc càng ngày càng ít đi và áp lực thì lại ngày càng lớn hơn, tại sao chúng ta càng lớn thì lại càng không vui vẻ? Lý do chính là nhiều người trong chúng ta đã đánh mất đi năng lực vui vẻ.

Sau khi lớn lên chúng ta đã đánh mất đi năng lực vui vẻ

Hạnh phúc không giống như một loại của cải hay đồ vật có thể mua được bằng tiền. Ví dụ, niềm hạnh phúc khi còn nhỏ rất đơn giản, chỉ cần được chơi nghịch trong bùn thì sẽ cảm thấy vô cùng vui vẻ, hào hứng, nhưng khi lớn lên không biết tại sao chúng ta lại rất khó tìm lại được cảm giác vui vẻ được chơi trong bùn.

Nguồn gốc của niềm hạnh phúc là gì?
Trẻ nhỏ vô tư, lúc nào cũng có thể cười đùa (ảnh minh họa Pexels)

Có người nói: “Nếu tôi giàu có thì tôi sẽ có được hạnh phúc”. Tuy nhiên bạn không thể phủ nhận rằng, có nhiều người giàu có, nhưng họ thực sự không hạnh phúc, họ còn có nhiều muộn phiền và căng thẳng trong cuộc sống hơn mọi người. Mặt khác, có những người rất nghèo khó, nhưng lại sống rất vui vẻ và hạnh phúc, dù trong công việc hay cuộc sống họ đều tràn đầy năng lượng. Dù sống trong cảnh nghèo khó, nhưng chỉ số hạnh phúc của họ rất cao, những người như vậy rất đáng ngưỡng mộ, vì họ có năng lực vui vẻ.

Mọi người đều có năng lực vui vẻ khi còn thơ ấu, nhưng thực tế là chúng ta dần dần mất đi khả năng này sau khi lớn lên, cho nên càng lớn lên chúng ta càng không hạnh phúc.

Làm thế nào để tìm được niềm vui

Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy cạnh tranh và áp lực, suốt ngày bận rộn, bôn ba, làm việc cật lực để kiếm vài đồng bạc, đối mặt với áp lực như vậy trong cuộc sống thì làm sao chúng ta có thể tìm được niềm vui và hạnh phúc?

Nguồn gốc của niềm hạnh phúc là gì?
Hạnh phúc không phải do hoàn cảnh, mà là do suy nghĩ của mỗi chúng ta (ảnh minh họa Pexels)

Có một câu chuyện liên quan đến Khổng Tử như sau: Có một lần học trò Tử Lộ của Khổng Tử hỏi ông: “Quân tử có lo buồn không?” Khổng Tử đáp: “Quân tử làm sao có thể lo buồn được? Người ấy đang theo đuổi một điều gì đó, trước khi đạt được điều đó, người ấy sẽ vui sướng trong quá trình theo đuổi nó; Sau khi đã có được nó, người ấy sẽ vui mừng vì thành quả đã đạt được. Vì vậy, quân tử sẽ là người hạnh phúc mỗi ngày và sẽ hạnh phúc suốt cuộc đời”

Tử Lộ lại hỏi: “Kẻ tiểu nhân thì như thế nào?” Khổng Tử nói: “Kẻ tiểu nhân thì không giống như vậy, trước khi có được thì lo sợ không có được, còn sau khi có được thì họ sợ mất đi, cho nên tiểu nhân mỗi ngày đều lo lắng, mỗi ngày đều không vui vẻ”.

Tận hưởng niềm vui trong quá trình hơn là kết quả thực tế

Hãy nhớ lại, niềm hạnh phúc của tuổi thơ chủ yếu là niềm vui được tận hưởng quá trình vui chơi. Chẳng hạn, một đứa trẻ vui vẻ chơi với bùn vì nó thích quá trình chơi với bùn và không quan tâm đến kết quả mà nó mong muốn đạt được. Nhưng khi lớn lên, chúng ta thường vui mừng khi đạt được những kết quả mình mong muốn, nhưng lại cảm thấy lo lắng và đau khổ trong quá trình cố gắng đạt được chúng.

Nguồn gốc của niềm hạnh phúc là gì?
Tận hưởng từng phút giây của cuộc sống, đừng chỉ chờ kết quả sau cùng (ảnh minh họa Pexels)

Giống như Khổng Tử đã nói: “Không có thì sợ không có được, có được thì sợ mất đi”’. Khi chúng ta chưa có được thì lo sợ bản thân sau khi làm việc chăm chỉ mà lại không có được, nhưng sau khi chúng ta có được thì lại sợ mất đi. Làm sao con người có thể hạnh phúc nếu luôn sống trong lo âu về được và mất như vậy? Vì vậy, việc bạn có hạnh phúc hay không thực ra không liên quan nhiều đến việc bạn có tiền hay không, mà mấu chốt nằm ở chỗ bạn có năng lực vui vẻ hay không. 

Hạnh phúc khi có một cuộc sống đơn giản và không truy cầu tiền tài bất nghĩa

Khổng Tử còn nói một câu: “Phạn sơ thực ẩm thủy, khúc quăng nhi chẩm chi, lạc diệc tại kỳ trung hĩ. Bất nghĩa nhi phú thả quý, dữ ngã như phù vân”. Câu nói này có ý nghĩa là, hạnh phúc của ông rất đơn giản, cơm canh đạm bạc, dùng cánh tay mà gối đầu thì đã cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc rồi. Nhưng nếu bảo ông làm điều vi phạm đạo nghĩa, có được một cuộc sống phú quý, giàu sang thì ông không nghĩ đó là hạnh phúc, mà chỉ là mây trôi mà thôi.

Khi đó có người sẽ nói: “Khổng Tử, đây là niềm vui của nghèo khó“. Không sai, với bản sự của Khổng Tử, chỉ cần vi phạm đạo nghĩa một chút và thông đồng làm bậy với một số người có quyền lực thì ông có thể kiếm được rất nhiều của cải và công danh. Nhưng ông không quan tâm đến điều đó, bởi vì dù ông có tiền hay không ông đều có thể hạnh phúc.

Một người nếu không có năng lực vui vẻ thì cho dù người đó giàu có đến mấy hay địa vị cao đến đâu, người đó cũng không thể vui vẻ, hạnh phúc, đây mới là thứ mà chúng ta thiếu nhất hiện nay.

Theo Vision Times