Một đứa trẻ quá “hiểu chuyện”, không bao giờ đòi hỏi thứ gì, đó có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ bị thiếu cảm giác an toàn và tình yêu thương.

Khi trẻ cư xử ngoan ngoãn, hiểu chuyện, cha mẹ sẽ rất hài lòng vì con mình có EQ (trí tuệ cảm xúc) cao. Chỉ là có một số đứa trẻ tỏ ra quá hiểu chuyện thì cha mẹ cần phải lưu ý, có thể trẻ đang kìm nén cảm xúc bên trong hoặc đang phát ra tiếng kêu cứu thầm lặng. 

Một nhà giáo dục trẻ em từng nói rằng: “Hiểu chuyện nghĩa là tuyệt vọng sâu sắc, nó không phải là điều gì tốt đẹp. Chỗ tốt của nó là sẽ bớt việc cho phụ huynh, nhưng có lẽ ở tận sâu bên trong chính là sự sợ hãi.”

Có người từng chia sẻ trải nghiệm cá nhân của mình, cô cảm thấy con của mình từ nhỏ đã ngoan ngoãn, biết nghe lời, bạn bè thân thích cũng cho rằng đứa trẻ hiểu chuyện. Gần đây, vì sắp đến sinh nhật của đứa trẻ nên bạn bè của cô muốn tặng quà sinh nhật cho bé. Nhưng khi hỏi đứa trẻ muốn cái gì thì không ngờ bé lại rất lễ phép mà từ chối.

Bạn bè của cô cho rằng con của cô ngại nên không muốn nói, vậy nên mới nói cô về nhà hỏi lại xem bé thích gì; nhưng không ngờ câu trả lời của bé vẫn là như vậy. Cô đành nói với bạn bè của mình rằng có lẽ là do con cô có EQ cao, không cần quà sinh nhật, cho nên không cần mua gì hết.

Nhưng bạn bè lúc này mới nhắc nhở cô, làm gì có đứa trẻ nào lại không thích quà sinh nhật được, có lẽ cô nên quan tâm đến con của mình nhiều hơn, xem xem có điểm nào bất thường không, suy nghĩ xem đứa trẻ ngày thường có hay nói với cô nhu cầu của nó hay không.

Nghe bạn bè nói vậy, cô mới bàng hoàng nhận ra, con cô hiếm khi nào mà nói nó cần cái gì, hơn nữa hành vi cử chỉ đều là phù hợp với sở thích của cô, ngay cả ăn uống cũng như vậy, điều này khiến cô nhận ra mình không hiểu gì về con cả.

Cuối cùng, vào ngày sinh nhật của bé, bạn bè của cô đã chuẩn bị rất nhiều quà, chỉ thấy đứa trẻ bề ngoài rất lễ phép nhận quà và nói cảm ơn, nhưng trong quá trình đó vẫn không ngừng liếc nhìn cô, xem xem sắc mặt của cô như thế nào. Chính vào lúc này cô mới phát hiện ra phương pháp giáo dục của mình có vấn đề.

Đừng vội mừng khi thấy con quá “hiểu chuyện”
(ảnh minh họa Adobestock)

Chúng ta đều cảm thấy tự hào khi đứa trẻ hiểu chuyện, chính là có EQ cao. Nhưng chúng ta không biết được rằng, một đứa trẻ quá hiểu chuyện, thì rất có khả năng là nó đang bị thiếu tình yêu thương của cha mẹ, không có cảm giác an toàn, chỉ có thể thỏa mãn nhu cầu của bản thân bằng cách không ngừng làm hài lòng cha mẹ.

Ví dụ khi trẻ có những hành vi sau đây thì cha mẹ cần phải chú ý, đó có thể là dấu hiệu của việc trẻ thiếu tình yêu thương.

1. Làm hài lòng cha mẹ một cách vô thức

Những đứa trẻ thiếu tình yêu thương và cảm giác an toàn thì thông thường sẽ rất cố chấp vào sự khen ngợi của cha mẹ, chúng sẽ vô thức vứt bỏ suy nghĩ và mong muốn của bản thân, cố gắng hết sức để làm hài lòng cha mẹ, làm việc gì cũng có thói quen là xem biểu hiện của cha mẹ như thế nào. Một khi thấy cha mẹ không vui thì sẽ lập tức dừng lại hành vi của mình, chỉ đến khi nào cha mẹ cảm thấy vui mới thôi.

Đừng vội mừng khi thấy con quá “hiểu chuyện”
Trẻ cố gắng làm hài lòng cha mẹ có thể là vì muốn được quan tâm (ảnh minh họa Adobestock)

2. Quá hiểu chuyện

Trẻ trong quá trình trưởng thành thì thường sẽ hay lấy mình làm trung tâm, không khống chế được cảm xúc, đây là hiện tượng rất bình thường. Nếu như cha mẹ thấy trẻ nói gì là nghe nấy, như vậy thì rất có khả năng là trẻ thiếu tình yêu thương, muốn thông qua việc làm hài lòng cha mẹ để được quan tâm. Lúc này cha mẹ nên nghĩ lại bản thân mình, có phải là do công việc quá bận rộn nên không có thời gian quan tâm đến con?

3. Không đưa ra yêu cầu

Trẻ em rất ngây thơ, thuần phác, luôn cảm thấy hiếu kỳ với tất cả mọi thứ trên thế giới, thấy cái gì là cũng muốn có cho bằng được. Nếu một đứa trẻ từ trước tới nay chưa từng đưa ra yêu cầu gì, người khác cho cái gì cũng đều nhìn mặt cha mẹ trước, vậy thì đứa trẻ này có thể là đã bị thiếu tình yêu thương nghiêm trọng.

Đừng vội mừng khi thấy con quá “hiểu chuyện”
(ảnh minh họa Adobestock)

Nếu phát hiện trẻ có khuynh hướng như vậy thì cha mẹ nên quan tâm đến con cái nhiều hơn. Cho dù trẻ có làm sai điều gì đó thì lúc phê bình cũng nên giữ ngữ khí ôn hòa, để cho trẻ biết được rằng cha mẹ phê bình cũng là muốn tốt cho nó. Cũng tránh so sánh con với những đứa trẻ khác, điều này chỉ khiến trẻ thêm thất vọng mà thôi.

Và trước khi đưa ra ý kiến của mình, bạn cũng nên bình tĩnh nghe ý tưởng của con, sau đó đưa ra ý tưởng của riêng mình để con tham khảo. Bằng cách này bạn có thể hiểu con hơn, tránh để khoảng cách thế hệ ngày càng sâu sắc hơn.

Theo Vision Times