Gia trưởng đúng nghĩa là gì? 6 đặc điểm của người đàn ông gia trưởng thời nay
Trong xã hội hiện đại, “gia trưởng” là tính từ dùng để miêu tả tính cách, chỉ đàn ông độc đoán, cứng nhắc, kiêu ngạo; áp đặt ý chí của mình lên người khác. Nhưng “gia trưởng” có thực sự mang nghĩa xấu như vậy không?
- Một ngày vợ chồng, trăm ngày ân nghĩa – câu chuyện cảm động với bao người
- Hai cách đối đãi giữ đạo nghĩa vợ chồng của người xưa
- Trân quý duyên vợ chồng, tròn đạo nghĩa phu thê
Nội dung chính
Chồng gia trưởng khiến vợ tổn thương
Tôi từng đọc đâu đó câu chuyện của một người vợ. Anh chị tay trắng gây dựng sự nghiệp; chưa tới 10 năm đã trở nên khấm khá. Họ suy nghĩ trái chiều trong sinh hoạt gia đình nhưng lại cùng quan điểm kinh doanh.
Anh là một người gia trưởng, hai người có ba đứa con, đều một tay chị chăm lo vun vén. Không những vậy chị vừa có công việc riêng, vừa cùng chồng xây dựng sự nghiệp chung. Trong công ty chị kiêm nhiều vị trí quan trọng; tiết kiệm được nhân sự cho các vị trí lớn này; hỗ trợ chồng khá tốt. Nhìn chung người ngoài đều khen ngợi.
Với chị, người phụ nữ cần tự có sự nghiệp riêng để chủ động trong mọi việc. Chị hài lòng với mọi thứ hiện tại; duy chỉ có tính gia trưởng của chồng làm chị tổn thương. Anh hay sỉ nhục chị trước mọi người nhà chị để chứng tỏ bản lĩnh đàn ông.
Cứ mỗi độ tết đến xuân về, vì biết cha mẹ chồng ở xa trông ngóng nên chị luôn cố gắng thu xếp đưa con về đoàn tụ; nhưng nhà chồng lại cho rằng đó là nghĩa vụ và trách nhiệm. Nhiều lần muốn tìm cách thay đổi để cân bằng cả nội và ngoại nhưng chị đều không thành công. Cũng vì lẽ đó, chị cảm thấy căng thẳng mỗi khi thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới tới.
6 đặc điểm của người đàn ông gia trưởng thời nay
Kiểm soát mọi việc của bạn
Anh ta luôn muốn biết mọi thứ về bạn; dù chỉ mới quen nhau nhưng anh ta luôn muốn bạn gái phải cư xử đúng mực như một người vợ. Muốn đi chơi với ai, đặc biệt là người khác giới đều phải được anh ta đồng ý.
Ghen tuông những thứ không đâu
Người gia trưởng có tư tưởng chiếm hữu rất cao. Anh ta không muốn bạn tiếp xúc với người khác giới, mặc dù đôi khi đó chỉ là công việc; rồi lại ghen bóng ghen gió chì chiết người yêu hay vợ của mình.
Lúc nào cũng cho là mình đúng
Anh ta lúc nào cũng cho là mình đúng và coi thường người khác. Giả sử có phát hiện ra là mình sai thì cũng không bao giờ nhận lỗi. Người khác mà mắc phải lỗi gì thì sẽ bị anh ta đay nghiến mãi không thôi.
Cái tôi lớn, chỉ muốn bạn nhận sự giúp đỡ từ anh ta
Khi bạn gặp khó khăn gì trong cuộc sống hay công việc, anh ta chỉ muốn bạn nhờ vả anh ta chứ không được nhờ người khác; mặc dù anh ta không giỏi việc đó và không giúp bạn được gì. Anh ta coi cái Danh của mình còn lớn hơn cuộc sống của bạn.
Thường dùng bạo lực để giải quyết vấn đề
Bạn hiểu một con người ích kỷ, ghen tuông, hay nóng giận thì khi gặp vấn đề khó giải quyết anh ta sẽ làm như thế nào không? Anh ta sẽ quát mắng hoặc dùng bạo lực để giải quyết nó. Mặc cho bạn bị tổn thương, anh ta chỉ cần xả được cơn tức giận của mình.
Coi việc nhà là của phụ nữ và không bao giờ đụng tay vào
Anh ta không chịu san sẻ công việc nhà với bạn; coi đó là việc của đàn bà phụ nữ. Chỉ tiếc là anh ta cũng không thể một mình gánh vác được kinh tế của gia đình. Người vợ vừa phải lao ra ngoài xã hội kiếm tiền; vừa phải chu toàn mọi việc trong gia đình.
“Gia trưởng” đúng nghĩa là gì?
“Gia trưởng” vốn mang hàm nghĩa để chỉ “người chủ gia đình”. Tại sao trong gia đình cần phải có chủ? Đạo gia nhìn nhận, gia đình là tế bào của xã hội. Khi tế bào này được hài hòa yên ấm thì xã hội mới có thể thịnh trị, thái bình. Trái lại sẽ khiến xã hội lục đục, rối loạn. Đây chính là mối quan hệ tương hỗ cần thiết giữa “Tề gia” và “trị quốc”.
Đức Khổng Tử từng giảng: “Phải thế nào để mọi người làm tròn chức vụ của mình. Người là Vua cần làm hết phận sự của vua; bề tôi cần cư xử cho đúng là bề tôi; cha làm hết trách nhiệm của một người cha; con cần giữ đúng đạo làm con.”
“Tề gia” và “trị quốc” bắt đầu từ “tu thân”. “Tu thân” là tu dưỡng đạo đức. Trong Đại Học có viết: “Làm vua cần hết sức thực hiện đức nhân. Bề tôi tận tâm thực hiện đức kính. Con cần hết mực thực hiện đức hiếu. Người làm cha cần hết sức thực hiện đức từ. Quan hệ giữa người với người trong một nước cần hết sức thực hiện đức tín”.
Bậc gia trưởng muốn giáo dưỡng được con trẻ, duy trì được gia quy, thì trước tiên phải có đạo đức; vì “tự bản thân mình không tu dưỡng tốt thì không lấy gì chỉnh đốn tốt gia đình và gia tộc”.
‘Gia trưởng’ vốn mang hàm nghĩa tốt đẹp và hòa ái
Qua đây có thể nhìn nhận, hai chữ “gia trưởng” vốn mang hàm nghĩa tốt đẹp và hòa ái. Chữ “Nho” trong Nho giáo là chữ “Nhân” đứng cạnh chữ “Nhu” mà tạo thành, mang ý nghĩa chỉ người vừa nhân đức vừa nhu thuận. Đây chẳng phải chính là trái ngược với nhìn nhận của xã hội hiện đại cho rằng Nho giáo là độc đoán, chuyên quyền? Nhà Nho là người học sách thánh hiền, dạy bảo mọi người sống có luân thường, đạo lý. Có lẽ vì vậy, người có phong thái thanh cao được ca tụng là bậc “nho nhã”.
Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại không ít người vì hiểu lầm mà phê phán cho rằng Nho giáo là “Chà đạp phụ nữ”. Điều này có thực sự đúng? Trên thực tế, Đạo giáo coi trọng đề cao đạo nghĩa vợ chồng, sau khi kết hôn không được phép ngoại tình. Đàn ông đánh mắng vợ là hành vi “bất nhân bất nghĩa”; sẽ bị mọi người phê phán, bề trên giáo huấn.
Xã hội xáo trộn, ‘âm dương đảo chiều’ mới là nguyên nhân thực sự
Chỉ là xã hội hiện đại có quá nhiều xáo trộn, phong trào nữ quyền lên ngôi; cả đàn ông và phụ nữ đều không còn giữ được vị trí vốn có của mình. Người đàn ông không còn là chủ lực trong gia đình nên không còn tiếng nói với vợ. Người vợ cũng gánh vác trách nhiệm kiếm tiền, lại còn phải chăm lo con cái nên cảm thấy bất công. Mâu thuẫn vợ chồng vì vậy mà ngày càng gia tăng.
Những người chồng mang trong mình ý niệm của văn hóa truyền thống; vẫn muốn thể hiện được vai trò của mình như xưa, nhưng không được. Người vợ muốn ở nhà nội trợ chăm sóc chồng con nhưng cũng không xong.
Trở lại câu chuyện ở trên, người chồng bất lực chỉ còn cách thể hiện ‘bản lĩnh đàn ông’ bằng cách sỉ nhục vợ trước mặt người khác; điều này thật là không đúng. Người vợ cũng không chịu kém cạnh, nghĩ mình không thua kém gì, lại càng ấm ức trong tâm. Cuối cùng thì người vợ nói chồng mình là gia trưởng, cứng nhắc. Xét cho cùng thì cả hai cũng đều có lỗi trong đó.
Không vì vợ mù lòa mà từ hôn
Ở đây xin kể một câu chuyện về một ‘gia trưởng’ đúng nghĩa; về một người đàn ông đích thực.
Chuyện kể rằng: Lưu Đình Thức người Tề Châu là vị nho sinh thời Bắc Tống. Trước khi thi đậu tiến sĩ, ông có quen biết một cô gái và đã có dự định đi tới hôn nhân nhưng chưa làm lễ ăn hỏi.
Sau này, nhờ học hành chăm chỉ ông đỗ tiến sĩ; làm quan nổi tiếng một vùng. Người con gái ông quen biết nọ lại lâm bệnh, mù cả hai mắt. Gia cảnh vốn bần hàn, cô gái không dám nhắc chuyện đính ước xưa kia.
Những người bạn ông khi biết chuyện có người khuyên: “Cô gái kia đã mù cả hai mắt; vì tiền đồ của mình và tương lai gia đình, ông nên chọn người khác mà kết hôn. Nếu nhất định muốn cùng nhà đó kết thân, thì hãy lấy em gái cô ta thì tốt hơn”.
Ông thẳng thắn trả lời: “Năm đó khi hẹn thề đính ước, tôi đã trao cả tấm chân tình này cho cô ấy. Nay mắt nàng không may bị mù lòa, nhưng tâm vẫn trong sáng tốt đẹp. Nếu làm trái với nguyện ước xưa, tâm sẽ điên đảo và trở nên xấu xa. Mỗi người sớm muộn đều sẽ phải tới tuổi già; khi vợ ở tuổi đó nhan sắc phai tàn, chúng ta không thể lấy một cô gái đẹp để thay thế đúng không? Làm người cần giữ được lòng thành tín. Không thể dễ dàng thay lòng đổi dạ”.
Tìm về cội nguồn văn hóa truyền thống
Lưu Thức rất thương yêu và tận tâm chăm lo cho vợ. Hai người sống hòa thuận, hết mực thương yêu tôn trọng nhau.
Sự chung thủy và tín nghĩa của nho sinh thể hiện trọn vẹn nhân sinh quan của Đạo gia về đạo vợ chồng. Trong đó người phụ nữ được bảo vệ bằng chuẩn mực đạo đức rất cao. Lưu Thức chính là một người “gia trưởng” đúng nghĩa.
Ngôn ngữ chuyên chở nội hàm văn hóa (“Văn dĩ tải đạo”), hiểu lầm hay bóp méo ý nghĩa có thể dẫn tới vô tình hoặc cố ý phủ định nét đẹp của văn hóa truyền thống. Nếu mỗi người tự có thể ý thức được tư tưởng chân chính sau mỗi câu chữ mình sử dụng; tìm về cội nguồn văn hóa tốt đẹp, thì đạo đức mới được đề cao trở lại; quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội mới trở nên hài hòa thực sự.