Người thực sự mạnh mẽ mới dám thể hiện sự yếu đuối của bản thân ra trước mặt người khác, như vậy họ sẽ càng nhận được sự tôn trọng của mọi người.

Thể hiện sự yếu đuối không phải là kém cỏi mà là một loại trí tuệ 

Thương Vinh từng hỏi Lão Tử: “Tại sao người ta về già, răng đã rụng hết rồi mà lưỡi vẫn còn?” 

Lão Tử đáp:“Sở dĩ răng rụng là do nó quá cương cường; còn lưỡi thì biết tùy lúc mà triển hiện ra mặt nhu nhược, cho nên nó có thể tồn tại lâu dài hơn.” Đạo lý cứng mềm của hàm răng – cái lưỡi này cũng giống như mạnh yếu trong đời người.

“Thể hiện sự yếu đuối” đúng lúc cũng là một loại trí tuệ
(ảnh: Songdep)

Không biết bạn đã từng gặp một người như vậy chưa: Rõ ràng là đã làm sai điều gì đó, nhưng sống chết không chịu thừa nhận, rõ ràng không hiểu điều gì đó, nhưng phải giả vờ bản thân hiểu rõ. Họ làm bất cứ điều gì cũng thích nổi bật hơn người, không bao giờ muốn tỏ ra yếu đuối trước mặt người khác. Kết quả, bởi vì quá mạnh mẽ, không chịu nhượng bộ mà trong thực tế họ thường gặp rất nhiều va vấp trở ngại.

Người thực sự mạnh mẽ nên biết thể hiện sự yếu đuối một cách thích hợp khi gặp vấn đề, để chừa lại lối thoát và con đường lui cho bản thân mình.

Thời Trung Hoa Dân Quốc, Thẩm Tòng Văn, 26 tuổi, là tác giả mới nổi tiếng và được mong đợi nhất trong giới văn học lúc bấy giờ. Anh từng được mời đến giảng bài tại một trường đại học, rất nhiều sinh viên vì ngưỡng mộ danh tiếng của anh mà đến và ngồi kín cả lớp học. Thẩm Tòng Văn vừa bước lên bục giảng, cảnh tượng này đã khiến anh sợ hãi, đứng ngây người trên bục giảng, không nói được một lời. Khi lấy lại bình tĩnh, anh đành phải cúi đầu, vừa giảng bài vừa chép đề cương lên bảng đen. Buổi học ban đầu dự kiến ​​kéo dài 1 giờ, nhưng cuối cùng đã kết thúc sau chưa đầy 10 phút. 

Phía dưới sinh viên bắt đầu có chút xao động và bàn luận thì thầm.

Lúc này Thẩm Tòng Văn nhặt một cục phấn lên, quay người viết lên bảng: “Hôm nay là lần đầu tiên tôi đến lớp, có nhiều người nên tôi rất sợ”.

Nhìn thấy câu này, các sinh viên bên dưới đều đứng lên đáp lại bằng những tràng pháo tay thể hiện sự đồng cảm và động viên. 

Thẩm Tòng Văn dùng thái độ yếu đuối để thành thật bộc lộ thiếu sót và sự lo lắng của mình, điều này không chỉ nhận được sự thông cảm của sinh viên, mà còn giải tỏa được sự xấu hổ của bản thân. 

Có người từng nói: “Kẻ yếu sẽ chỉ bị coi là trò cười nếu cố tỏ ra mạnh mẽ, còn kẻ mạnh tỏ ra yếu đuối lại nhận được sự ưu ái từ người khác”. 

Suy cho cùng, không ai là hoàn hảo, mỗi người đều có một điểm yếu nào đó.

Chỉ những người có nội tâm yếu đuối mới luôn tranh giành hiếu thắng, những người có nội tâm bình hoà từ lâu đã không còn sợ hãi trước ánh mắt hay đánh giá của người khác. 

Thể hiện sự yếu đuối không chỉ là cách rút lui để tiến lên, đó là một loại sức mạnh lấy nhu thắng cương, dùng thái độ và cách ứng xử mềm dẻo, linh hoạt để giải quyết vấn đề.

Thể hiện sự yếu đuối không phải là thừa nhận thất bại mà là một loại tầm nhìn

Trong “Liêm Pha, Lạn Tương Như liệt truyện” có một chuyện như thế này:

Thời Chiến quốc nước Triệu có viên ngọc rất quý, vua Tần là Chiêu Tương vương đưa quốc thư cho vua Triệu yêu cầu đổi 15 tòa thành trì lấy quốc bảo nước Triệu là viên ngọc quý này. Triệu Vương phái Lạn Tương Như mang ngọc đi đổi thành, Tương Như đến nước Tần dâng ngọc, nhìn thấy Tần Vương không có thành ý, không muốn giao thành, bèn nghĩ cách mang ngọc trở về, phái người trả lại cho nước Triệu.

Sau khi Lạn Tương Như được phong làm Thượng khanh vì đem ngọc còn nguyên vẹn về cho nước Triệu, Liêm Pha không phục và tuyên bố sẽ làm nhục Lạn Tương Như. Sau khi Lạn Tương Như biết chuyện, ông đã tránh mặt Liêm Pha ở mọi nơi. 

“Thể hiện sự yếu đuối” đúng lúc cũng là một loại trí tuệ
Lạn Tương Như dùng mưu để mang được ngọc nguyên vẹn trở về (ảnh minh họa Soha)

Người khác cho rằng Lạn Tương Như sợ Liêm Pha, nhưng Lạn Tương Như lại nói: “Nước Tần không dám tấn công nước Triệu bởi vì có ta và Liêm tướng quân ở đây. Nếu chúng ta phát sinh mâu thuẫn, như vậy nước Tần sẽ chiếm được ưu thế. Sở dĩ ta tránh né Liêm tướng quân là vì đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu, sau đó mới là chuyện tư thù cá nhân”.

Liêm Pha sau khi nghe những lời này rất hổ thẹn, vội cởi trần tự mang roi sai người nhà dẫn đến phủ Tương Như xin tạ lỗi, từ đó hai người kết nghĩa sinh tử cùng nhau. 

Kỳ thực, nhượng bộ đúng lúc không phải là thừa nhận thất bại, mà là sự nhận thức một cách sáng suốt và thanh tỉnh. 

Thể hiện sự yếu đuối không phải là mềm yếu, đó chỉ là biểu hiện của kẻ mạnh đang che giấu thực lực của mình. Một người thực sự mạnh mẽ không bao giờ quan tâm đến ánh mắt ​​​​của người khác, cũng không so đo tính toán đến thành bại được mất nhất thời, càng không bị giới hạn bởi những chuyện tầm thường trước mắt. Họ hiểu rằng, thể hiện sức mạnh sẽ giúp bạn chiến thắng trong giây lát, nhưng thể hiện sự yếu đuối sẽ giúp bạn chiến thắng cả đời. 

Thể hiện sự yếu đuối không phải là hèn nhát mà là một loại tu dưỡng

Có một câu chuyện như vậy:

Một phú ông người Do Thái có sự nghiệp rất thành công và được nhiều người ghen tị. Một đối thủ cạnh tranh của ông đã yêu cầu một phóng viên phỏng vấn ông để có được một số tin nhảm.

Khi phóng viên tới, người giúp việc mang cà phê lên, phú ông uống một ngụm rồi hét lên: “Nóng quá!” Ly cà phê liền rơi xuống sàn.

Sau khi người giúp việc dọn dẹp xong, phú ông lại lấy ra một điếu thuốc lá. Phóng viên nhìn thấy ông đang cầm điếu thuốc ngược, nhanh chóng nhắc nhở ông.

Phú ông nghe vậy, vội vàng đổi đầu điếu thuốc lá, không ngờ trong cơn hoảng loạn lại làm đổ gạt tàn. Thế là, gạt tàn rơi xuống sàn và làm sàn nhà loang lổ vết bẩn. 

Phú ông bình thường tiêu tiền như nước giờ lại liên tiếp phạm những sai lầm ngớ ngẩn khiến phóng viên phải ngạc nhiên. Trong tình huống này, rất khó để thực hiện một cuộc phỏng vấn, thế là phóng viên đã tìm cớ và vội vàng rời đi. 

Vừa bước ra khỏi cửa không bao lâu, phóng viên mới chợt nhận ra: Hóa ra phú ông từ đầu đã biết trước mục đích của anh. Nhưng phú ông không nhục mạ, cũng không đuổi anh ra ngoài một cách thô bạo. Ngược lại, để làm anh không chịu nổi, phú ông chỉ đành cố tình giả ngây giả dại để anh chủ động rời đi. 

Nhiều khi cố tình bộc lộ sự yếu đuối không chỉ là chiến lược giải quyết mối nguy, cũng là thể hiện tấm lòng rộng lượng, khoan dung, càng là chuẩn tắc đối nhân xử thế và làm người.

“Thể hiện sự yếu đuối” đúng lúc cũng là một loại trí tuệ
Thể hiện sự yếu đuối không phải là hèn nhát mà là một loại tu dưỡng (ảnh minh họa Vandieuhay)

Người giỏi “thể hiện sự yếu đuối” sẽ mang đến cho nhiều người cơ hội thể hiện hơn, đối với người khác là một loại tôn trọng.

Những người học được cách “thể hiện sự yếu đuối” mà không tranh giành hay giành giật sẽ nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của nhiều người hơn. 

Thể hiện sự yếu đuối không chỉ là một thượng sách dụng binh, mà còn là một thái độ đối nhân xử thế và làm người.

Theo Vision Times